|
Khu công nghiệp chung Kaesong nằm phía Bắc giới tuyến liên Triều |
Khu công nghiệp Kaesong được thành lập vào năm 2004, nằm phía Bắc của giới tuyến liên Triều và từng rất phát triển cho đến khi bị đóng cửa vào năm 2016 do việc phóng tên lửa và thử hạt nhân của Triều Tiên.
Tuy nhiên, những tiến triển gần đây trong mối quan hệ liên Triều, cũng như việc Washington và Bình Nhưỡng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh nhằm giảm căng thẳng đã mang lại hy vọng cho giới doanh nhân Hàn Quốc từng hoạt động tại Kaesong.
AFP dẫn lời doanh nhân Park Yong-man, chủ một xí nghiệp may tại Kaesong cho biết từ khi khu công nghiệp bị đóng cửa, công ty của ông đã lao đao vì không kiếm được nguồn lao động giá rẻ nhưng chăm chỉ từ miền Bắc. “Từ khi khu công nghiệp đóng cửa, tôi đã thăm hơn 10 nước để tìm nơi lập xưởng may nhưng nơi lý tưởng nhất vẫn là Kaesong”, ông Park nói.
Một cuộc khảo sát của Liên đoàn Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc thực hiện hồi năm 2018 cho thấy 96% công ty của nước này từng hoạt động tại Kaesong muốn khu công nghiệp mở cửa trở lại.
Việc khôi phục hoạt động tại Kaesong là một trong những cam kết mà Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 9.2018. Tuy nhiên, một loạt lệnh trừng phạt của quốc tế cũng như lo ngại nguồn thu từ Kaesong sẽ giúp Triều Tiên phát triển kho vũ khí hạt nhân và tên lửa là những yếu tố chính khiến khu công nghiệp chưa thể hoạt động trở lại.
Ông Park Yong-man tại xưởng may của công ty ở Seoul |
Liên Hiệp Quốc hiện có lệnh cấm các nước lập doanh nghiệp chung với Triều Tiên, cấm các giao dịch tài chính với nước này và cấm Bình Nhưỡng xuất khẩu sản phẩm dệt may, một trong những ngành chính tại Kaesong. Trong khi đó, Mỹ cấm nhập toàn bộ sản phẩm do lao động Triều Tiên sản xuất. Ngoài ra, Hội đồng Bảo an còn có lệnh cấm chuyển lượng tiền mặt lớn cho Triều Tiên trong khi Mỹ cấm các nước thanh toán bằng đồng USD với Triều Tiên.
Một số nhà quan sát gợi ý rằng Hàn Quốc có thể tìm cách đề nghị Liên Hiệp Quốc đưa ra quyền miễn trừ cho Kaesong, hoặc có thể mở những cửa hàng tại khu công nghiệp này và trả lương cho công nhân bằng hàng hóa thay vì tiền mặt. Tuy nhiên, ý tưởng đầu tiên bị cho là chỉ mang tính tạm thời và trong khi ý còn lại khó có thể được Bình Nhưỡng chấp nhận.
Dù vậy, phía Mỹ được cho là đang cân nhắc giảm bớt lệnh trừng phạt lên Triều Tiên nếu như nước này thực hiện những bước tiến rõ ràng trong việc giải giới hạt nhân. Khi đó, tương lai của khu công nghiệp Kaesong có thể là một trong những vấn đề được bàn đến.
Theo AFP, có 125 công ty Hàn Quốc hoạt động tại Kaesong, đầu tư khoảng 546 triệu USD (12.678 tỉ đồng) vào đây. Các công ty này thuê khoảng 54.000 lao động từ miền Bắc và phải trả 70 USD/tháng cho chính quyền Triều Tiên cho mỗi lao động mà nước này cung cấp.
Theo Thanh Niên