Xung đột nước mắm và vấn đề lợi ích nhóm

Thứ hai, 18/03/2019, 13:47
Tìm cách gây ảnh hưởng đến chính sách của chính quyền theo hướng có lợi cho mình là một xu thế tất yếu và khách quan trong nền kinh tế thị trường hiện đại.

Tiêu chuẩn sản xuất nước mắm theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm đang gây tranh cãi và phản ứng từ các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống. (Ảnh minh họa)

Gây ảnh hưởng chính sách

Hai trong số những đặc điểm tạo nên sức mạnh cho nền kinh tế thị trường hiện đại là: (i) công nhận và bảo vệ sự đa dạng lợi ích; (ii) các chủ thể lợi ích được tự do tìm kiếm và gia tăng lợi ích của mình bằng những hành động mà pháp luật không cấm. Do đó, tìm cách gây ảnh hưởng đến chính sách của chính quyền theo hướng có lợi cho mình là một xu thế tất yếu và khách quan.

Nói khách quan vì dù ta muốn hay không thì đó cũng sẽ luôn là một thực tế không thể thay đổi, và sẽ ngày càng gia tăng. Hiện tượng này có thể được gọi là “vận động chính sách”, diễn ra ở mọi quốc gia với nền kinh tế vận hành theo các nguyên tắc thị trường. Cũng vì thế, những hành động mưu cầu lợi ích của nhóm nước mắm công nghiệp, nếu có, thì cũng không ngạc nhiên.

Chừng nào chưa có bằng chứng cho thấy họ vi phạm pháp luật thì chừng đó chúng ta không nên vội phê phán một cách tùy tiện. Không nên mặc định một nhận thức tập thể đầy cảm tính, giản đơn, theo hướng kỳ thị các nhóm lợi ích, dán cho họ những cái nhãn một chiều tiêu cực và xấu xa.

Tuy nhiên, việc các nhóm lợi ích bất chấp các nguyên tắc đạo đức trong sản xuất và kinh doanh, lợi dụng các kẽ hở thể chế trong việc ban hành chính sách, hoặc các quy phạm quản lý hành chính, hoặc lợi dụng sự vị kỷ của cán bộ chính quyền… để mưu lợi cho nhóm mình là một hiện tượng lệch lạc, gây hậu quả tiêu cực, cần lên án và loại trừ. Trong những trường hợp thế này, hành động của các chủ thể vị kỷ không còn là vận động chính sách, mà là lũng đoạn, thậm chí tham nhũng chính sách.

Một hệ thống thể chế hiệu quả là hệ thống không chỉ cho phép và bảo vệ các hoạt động gây ảnh hưởng chính đáng, mà còn khiến các nhóm lợi ích, dù có muốn, thì cũng rất khó hoặc không thể lũng đoạn việc ban hành chính sách của chính quyền - Ông Nguyễn Văn Đáng - Trường Quản lý nhà nước Mark O Hatfield, ĐH Portland State (Hoa Kỳ)

Đa dạng lợi ích

Giới nghiên cứu về quản trị công có sự phân biệt rõ ràng giữa ba loại lợi ích căn bản: (i) lợi ích cá nhân; (ii) lợi ích nhóm; và (iii) lợi ích công. Nếu “lợi ích cá nhân” là những nhu cầu của từng chủ thể riêng lẻ (ví dụ như nhu cầu tăng giá sản phẩm của một nhà sản xuất nước mắm), thì “lợi ích nhóm” bao gồm những nhu cầu chung, được quan tâm và cùng chia sẻ bởi một tập hợp các cá thể (chẳng hạn, nhu cầu giữ mức giá tối thiểu của một hiệp hội sản xuất nước mắm).

Còn “lợi ích công” cũng là những nhu cầu chung, được chia sẻ bởi nhiều cá thể, nhưng thêm yêu cầu là cần sự bảo vệ của chính quyền (ví dụ như nhu cầu bảo vệ sức khỏe của những người sử dụng nước mắm, hoặc nhu cầu bảo vệ sự “công bằng” trong sản xuất và kinh doanh).

Như vậy, “lợi ích cá nhân” khác “lợi ích nhóm” là ở cấp độ (cá thể riêng lẻ và tập hợp nhiều cá thể). “Lợi ích nhóm” có nhiều điểm tương đồng, và sẽ được coi là “lợi ích công” nếu nó phản ánh một nhu cầu chung nào đó, đòi hỏi các hành động can thiệp của chính quyền.

Tuy nhiên, cần lưu ý là không nên nhầm lẫn mọi “lợi ích nhóm” đều là “lợi ích công”.Chính vì sự đa dạng về lợi ích, cấp độ và chủ thể lợi ích như vậy cho nên việc hình thành các “lợi ích nhóm” và các “nhóm lợi ích” là một hiện tượng khách quan trong xã hội hiện đại.

“Nhóm lợi ích” là một hình thức tổ chức, tập hợp các lợi ích cá thể riêng lẻ, có chung nhu cầu bảo vệ và gia tăng các lợi ích tương đồng giữa họ. Vì vậy, với tư cách là một đặc điểm của xã hội hiện đại, bản thân sự xuất hiện “lợi ích nhóm” và “nhóm lợi ích” không phải là hiện tượng tiêu cực hay xấu xa.

Xung đột lợi ích

Trong nền kinh tế thị trường đặc trưng bởi sự đa dạng về lợi ích và sự bảo đảm các quyền tự do mưu cầu lợi ích thì xung đột giữa các “nhóm lợi ích” để bảo vệ “lợi ích nhóm” là điều dễ xảy ra.

Những tranh cãi gần đây liên quan đến tiêu chuẩn nước mắm, về bản chất là sự xung đột lợi ích giữa hai nhóm: các nhà sản xuất nước mắm theo dây chuyền công nghiệp và các nhà sản xuất nước mắm theo phương pháp thủ công truyền thống.

Nếu được phê chuẩn và ban hành, TCVN 12607:2019 sẽ gây thiệt hại cho nhóm nước mắm truyền thống trong khị lại có thể giúp gia tăng lợi ích cho nhóm nước mắm công nghiệp.

Trong khi đó, cơ quan chính quyền chuẩn bị dự thảo tiêu chuẩn bị công luận phản ứng vì với việc làm của mình, họ đã có biểu hiện chưa chú ý đúng mức đến chức năng bảo vệ các lợi ích công, cụ thể ở đây là “sự công bằng” giữa các nhà sản xuất nước mắm.

Sự lũng đoạn công quyền sẽ xảy ra nếu một chủ thể lợi ích hoặc nhóm lợi ích có thể mượn tay chính quyền để ban hành các chính sách có lợi cho họ nhưng lại xâm phạm lợi ích của các chủ thể khác.

Nhận thức về “lợi ích nhóm” và “nhóm lợi ích”

Trước hết, cần nhận thức rằng sự đa dạng về lợi ích, sự xuất hiện “lợi ích nhóm” và các “nhóm lợi ích” là một hiện tượng khách quan trong nền kinh tế vận hành theo nguyên tắc thị trường. Các chủ thể lợi ích đa dạng sẽ không bỏ qua bất kỳ biện pháp nào mà pháp luật không cấm để mưu cầu lợi ích cho họ. Cũng bởi sự chi phối của động cơ vị kỷ, sự xung đột giữa các chủ thể lợi ích là điều sẽ thường xảy ra.

Trong vô vàn biện pháp mưu lợi, thì tìm cách gây ảnh hưởng đến các hành động của chính quyền là một việc làm luôn được các chủ thể lợi ích ưu tiên. Vì vậy, vận động chính sách là một nhu cầu khách quan và chính đáng, không nghiễm nhiên mang hàm ý xấu.

Tuy nhiên, do cạnh tranh là một đặc tính của kinh tế thị trường, không có gì bảo đảm rằng các chủ thể lợi ích vị kỷ sẽ không bất chấp mọi nguyên tắc để mưu cầu lợi ích. Khả năng nhóm này gia tăng lợi ích của mình bằng cách xâm phạm lợi ích của nhóm khác là một nguy cơ luôn hiện hữu.

“Lợi ích nhóm” “Nhóm lợi ích” không xấu nhưng sẽ không thể loại trừ nguy cơ sử dụng những cách thức xấu để đạt được “lợi ích nhóm”.

Trước thực tế khách quan nêu trên, không nên và cũng không thể đặt hết lòng tin vào việc các chủ thể lợi ích sẽ cạnh tranh có đạo đức. Hành động tìm kiếm lợi ích trước hết sẽ nhằm đáp ứng các nhu cầu vị kỷ, chứ không phải để thỏa mãn các khoái cảm đạo đức. Thêm nữa, trong khi quyền lực công là một ý niệm trừu tượng thì người nắm giữ công quyền lại là những cá nhân cụ thể, với đầy đủ các nhu cầu vị kỷ như mọi thành viên trong xã hội.

Vì vậy, cần ý thức rằng, khi các động cơ vị kỷ luôn hiện hữu trong mỗi chủ thể thì việc lũng đoạn các hành động của chính quyền cũng sẽ là mối đe dọa luôn thường trực.

Để bảo đảm chất lượng quản trị công, mọi hành động của chính quyền cần tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc: bảo vệ lợi ích công. Lợi ích công là cơ sở nền tảng, đồng thời cũng là đích hướng đến cho mọi hoạt động của chính quyền. Các lợi ích công vốn rất đa dạng, nhưng điển hình gồm có: công bằng, bình đẳng, tự do, minh bạch, hiệu quả kinh tế, lòng tin chính trị… Lòng tin của người dân vào chính quyền sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu các hành động của chính quyền, dù vô tình hay hữu ý, giúp bảo vệ và gia tăng các lợi ích cá thể hay lợi ích nhóm. Trường hợp tranh cãi liên quan đến tiêu chuẩn nước mắm gần đây là một ví dụ.

Trong khi người dân luôn trông đợi các hành xử liêm chính, chí công, vô tư từ phía chính quyền, thì việc thiết lập các nguyên tắc thể chế chặt chẽ là hướng đi tất yếu để phòng ngừa từ xa sự lũng đoạn chính sách, hay sự mưu cầu lợi ích thông qua các biện pháp không chính đáng của các chủ thể vị kỷ.

Một hệ thống thể chế hiệu quả là hệ thống không chỉ cho phép và bảo vệ các hoạt động gây ảnh hưởng chính đáng, mà còn khiến các nhóm lợi ích, dù có muốn, thì cũng rất khó hoặc không thể lũng đoạn việc ban hành chính sách của chính quyền.

Theo Nhà đầu tư

Các tin cũ hơn