Chiều 19-3, tại buổi tọa đàm "Cách nào đẩy nhanh tiến độ mở rộng Tân Sơn Nhất?" do Báo Giao Thông tổ chức ở TP.Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho biết công suất thiết kế của Tân Sơn Nhất là 28 triệu lượt hành khách, song năm 2018 đã đạt 38,3 triệu lượt. Đầu tư nhà ga T3 phải đến năm 2021 mới có thể đưa vào hoạt động.
Nguy cơ đóng băng thị trường
Trong bối cảnh hàng không liên tục tăng trưởng 2 con số, sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) luôn được nhắc đến như một điểm nghẽn về hạ tầng với sự quá tải cả trên trời và mặt đất, cả trong và ngoài sân bay. Chính phủ đã giao Bộ GTVT trình phương án đầu tư xây dựng nhà ga T3 nhằm nâng công suất thiết kế của nhà ga Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách.
Trả lời câu hỏi với tình hình khai thác tại Tân Sơn Nhất như hiện nay có những nguy cơ gì xảy ra nếu tiếp tục trễ tiến độ nhà ga T3, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) Lại Xuân Thanh cho biết nếu không đáp ứng được nhu cầu của thị trường thì sẽ phải "đóng băng" ở mức đáp ứng được. Đến một giai đoạn nhất định sẽ không được phép tăng vì liên quan đến yếu tố an toàn. Nhà ga có thể chật chội, chen chúc vì nhu cầu thị trường nhưng an toàn là "bất di bất dịch".
"Chúng ta nói đến nhà ga T3 nhưng chưa nói đến việc sửa đường băng mà suốt thời gian qua báo chí đã nêu. Kế đến, phải thực hiện theo quy hoạch đường lăn song song, nếu xây nhà ga mà không có đường lăn song song thì cũng không sử dụng được vì với cấu hình hiện nay của Tân Sơn Nhất, Cục Hàng không cũng không được phép cấp phép bay quá 270.000 lượt cất hạ cánh/năm. Đến mức nào đó đụng trần thì không thêm được nữa, đóng băng ở con số đó thì ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội" - ông Thanh khẳng định.
Để dự án nhà ga T3 sớm đưa vào hoạt động, hiện có nhiều ý kiến đề xuất phương thức đầu tư, cách lựa chọn nhà đầu tư khác nhau. Vừa qua, Bộ GTVT đã có văn bản đề xuất Chính phủ giao ACV chủ trì thực hiện đầu tư nhà ga T3, sân đỗ máy bay, song hiện có rất nhiều nhà đầu tư tư nhân muốn thực hiện dự án này, có nhà đầu tư cam kết thực hiện trong thời gian ngắn, thậm chí chỉ trong 1 năm.
Sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải, cần đầu tư mở rộng. |
Giao cho ACV
Lý giải việc chọn ACV để triển khai dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết là nhà khai thác cảng hàng không đầu tiên và hiện đang quản lý khai thác 21/22 cảng hàng không trên cả nước, ACV có kinh nghiệm nhất, đồng thời có nguồn lực để đầu tư.
"Bộ GTVT đã lên nhiều phương án. Nếu thực hiện chỉ định thầu cũng phải mất tối thiểu 40 tháng. Từ đây, chúng tôi quyết định đề xuất giao ACV thực hiện dự án này. ACV thực hiện theo hình thức nào, liên danh liên kết với ai là quyền của ACV" - Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh khẳng định ACV đủ nguồn lực bảo đảm toàn bộ đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không, kể cả Cảng Hàng không Long Thành theo đúng kế hoạch của nhà nước. Cụ thể, hiện nay tiền mặt ACV gửi ngân hàng khoảng 25.000 tỉ đồng. Từ nay đến năm 2025, ACV sẽ tích lũy được khoảng 87.500 tỉ đồng, nhu cầu vốn giai đoạn này khoảng 62.500 tỉ đồng, như vậy sẽ có khoản tích lũy 25.000 tỉ đồng để dành cho Cảng Hàng không Long Thành.
Với tư cách nhà đầu tư tư nhân, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Xuất nhập khẩu liên Thái Bình Dương, cho rằng ACV tích lũy được tiền, tuy nhiên không nên đem ra đầu tư mà nên giữ để dự phòng, tập trung cải thiện đường băng phục vụ cất hạ cánh. Việc mời xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà ga sân bay cũng là tín hiệu đáng mừng và cũng là điều ông ao ước đã lâu.
Khẳng định ủng hộ ACV "cầm trịch", tránh trường hợp nhà đầu tư bán cổ phần sau đó người bên ngoài vào chiếm lĩnh, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng về tiến độ, theo kinh nghiệm IPP đã làm tại sân bay Cam Ranh, chỉ cần 6-8 tháng chuẩn bị hồ sơ thiết kế và 19 tháng triển khai xây dựng. Đối với dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, do mặt bằng rộng hơn, nhanh nhất cũng phải mất 3 năm thi công. "Với kinh nghiệm và tiềm lực đã có, tôi khẳng định mình làm được, mong sao có cơ chế hợp tác mà thôi" - ông nói.
Giảm tải cho Tân Sơn Nhất Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết Bộ GTVT đang tính toán lại một loạt vấn đề, từ đường bay trên trục Bắc - Nam, đưa sân bay Cần Thơ, Phan Thiết vào khai thác để giảm tải cho Tân Sơn Nhất. Chẳng hạn, tại Tân Sơn Nhất, có đường bay đi Côn Đảo với 11 chuyến, chiếm 11 vị trí đỗ, nhà chức trách sẽ chuyển bớt về Cần Thơ. Khách từ phía Bắc đi vào sẽ bay thẳng đến Cần Thơ, không về Tân Sơn Nhất nữa, để giảm tải cho sân bay này. |
Theo NLĐ