Đại gia thép Đài Loan rót hơn 4.000 tỷ đồng vào Việt Nam

Thứ năm, 21/03/2019, 08:35
Tung Ho Steel được cấp phép đầu tư nhà máy sản xuất phôi thép và thép cán nóng với tổng công suất 1,6 triệu tấn một năm.

Tung Ho Steel vừa thông báo hoàn tất rót 4.226 tỷ đồng cho dự án xây dựng nhà máy sản xuất phôi thép và thép cán nóng thông qua Công ty TNHH Thép Tung Ho Việt Nam. Tung Ho Steel là doanh nghiệp thép đang niêm yết trên sàn chứng khoán Đài Loan với giá trị vốn hoá tương đương 677 triệu USD,

Dự án đặt tại khu công nghiệp Phú Mỹ II (Bà Rịa – Vũng Tàu), được cấp phép hoạt động trong 48 năm. Công suất thiết kế ước đạt 1 triệu tấn phôi và 600.000 tấn thép cán nóng một năm.

Trao đổi với PV, ông Huang Bing Hua – Chủ tịch HĐQT Thép Tung Ho Việt Nam cho rằng, thị trường tại đây mới trải qua chu kỳ thuận lợi với tốc độ tăng trưởng kép CAGR giai đoạn 2014 - 2017 đạt 20% nhờ các yếu tố vĩ mô hỗ trợ. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến công ty quyết định rót vốn đầu tư, bất chấp nhiều thách thức như cung có dấu hiệu vượt cầu, mức độ cạnh tranh quyết liệt, một số mặt hàng thép nhập khẩu từ Việt Nam đang bị áp thuế chống bán phá giá...

Nhà máy Tung Ho có công suất 600.000 tấn thép cán nóng mỗi năm.

"Bài toán lớn khi các doanh nghiệp vốn ngoại tham gia ngành thép Việt Nam là làm sao để cạnh tranh với các thương hiệu lâu năm. Để khống chế giá thành phẩm ở mặt bằng chung của thị trường, chúng tôi phải đầu tư hệ thống cán đúc liên tục, dùng máy cảm ứng gia nhiệt để làm nóng thay cho phương thức truyền thống nhằm tiết kiệm 75% năng lượng đốt và khí thải CO2 độc hại", ông Huang nói.

Ngành thép bắt đầu giai đoạn giảm tốc từ cuối năm ngoái cũng khiến nhà máy của Tung Ho Việt Nam mới hoạt động hơn 20% công suất tối đa. Nguyên liệu chủ yếu là phế liệu nhập khẩu từ Nhật, New Zealand, Mỹ...

Ban lãnh đạo công ty cho rằng do tình thế khó khăn nên phần lớn nguồn thu hiện tại đến từ nước ngoài và cần tương đối lâu để cân bằng lại tỷ trọng này thông qua việc cam kết biên lợi nhuận cho nhà phân phối trong nước.

Theo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng, năm nay sẽ là giai đoạn ngành thép xuất hiện sự phân hóa rõ nét giữa các mảng cũng như các doanh nghiệp. Bốn yếu tố khiến thị trường có thể khiến ngành tăng trưởng chậm gồm rủi ro từ chiến tranh thương mại, giá nguyên liệu giảm nhưng chậm hơn giá thép thành phẩm, sản lượng tiêu thụ tăng trưởng âm do lo ngại về tăng trưởng toàn cầu và ngành bất động sản chững lại.

Điều này thể hiện qua báo cáo tình hình thị trường tháng 2/2019 của Hiệp hội Thép Việt Nam khi sản lượng tiêu thụ giảm 16% so với tháng liền kề, đạt 1,64 triệu tấn. Trong đó, sản lượng thành phẩm xuất khẩu chỉ đạt hơn 400.000 tấn.

Theo VNE

Các tin cũ hơn