Doanh nhân, cựu golf thủ số một thế giới Greg Norman vừa ký hợp tác với Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood thành lập liên doanh tại Mỹ, nhằm sản xuất, phân phối và quảng bá cà phê Việt trên thế giới.Đồng thời với cương vị là Đại sứ Du lịch Việt Nam, huyền thoại golf sẽ đóng góp tích cực vào việc quảng bá văn hóa cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ông Greg Norman chia sẻ với VnExpress ấn tượng của ông về Việt Nam, cà phê Việt và những dự định với ngành cà phê trong thời gian tới.
|
Ông Greg Norman - doanh nhân, huyền thoại golf thế giới kiêm Đại sứ Du lịch Việt Nam chia sẻ tâm huyết với cà phê và văn hóa cà phê Việt. Ảnh: Hữu Khoa. |
- Sở hữu tập đoàn hoạt động đa ngành từ thời trang, golf, bất động sản, ẩm thực... vì sao ông chọn tham gia vào lĩnh vực cà phê và mong muốn quảng bá văn hóa cà phê Việt Nam?
- Lần đầu đến Việt Nam vào năm 2006 tôi đã có ấn tượng mạnh với đất nước này nói chung và cà phê Việt Nam nói riêng. Khi đi khắp mảnh đất hình chữ S này để tìm kiếm, khảo sát địa điểm xây dựng sân golf, tôi cảm thấy yêu vẻ đẹp thiên nhiên, ẩm thực, con người và đặc biệt là tiềm năng phát triển của Việt Nam.
Đặc biệt Việt Nam có loại cà phê rất ngon, một nền văn hóa cà phê rất đặc sắc, lâu đời và vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Tôi luôn muốn đi sâu tìm hiểu nguồn gốc cà phê Việt, trồng ở đâu, sản xuất thế nào và làm sao đưa thương hiệu Việt xuất hiện rộng rãi trên thế giới, thay vì ẩn sau những thương hiệu đa quốc gia.
Sau những lần công tác ở Việt Nam, mỗi khi trở về Mỹ, đến châu Âu, Mexico, các nước Trung, Nam Mỹ... rất nhiều người quan tâm và hỏi han về Việt Nam. Thế giới tò mò muốn biết đất nước này có gì, đẹp như thế nào, hay ho ra sao. Điều này giúp tôi phần nào thấy được tiềm năng phát triển hình ảnh nước Việt ra thế giới.
Với tư cách là Đại sứ Du lịch Việt Nam, đồng thời là doanh nhân, tôi muốn nắm bắt cơ hội này để thế giới biết nhiều hơn về văn hóa cà phê Việt Nam.
- Theo ông thế mạnh của cà phê Việt là gì?
- Có lẽ không cần phải nhắc lại thế mạnh về sản lượng ngành cà phê. Với vị thế là nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Brazil, Việt Nam đang đứng trước vô vàn cơ hội để chứng minh với thế giới tiềm lực của ngành cà phê Việt.
Trong chuyến tham quan nông trại Nuti Cada (Đắk Lắk), tôi đã thử qua nhiều loại cà phê rang xay tự nhiên thuộc cả hai loại robusta, arabica. Phải nói chất lượng cà phê trồng tại Việt Nam rất tốt, khiến tôi như bị "nghiện". Ngày nào tôi cũng uống cà phê Việt.
Quan trọng hơn, cà phê đối với Việt Nam không chỉ là một mặt hàng, mà là một nền văn hóa. Văn hóa cà phê Việt hình thành lâu đời, gắn liền với đời sống vật chất lẫn tinh thần người Việt. Các bạn có loại cà phê chất lượng cao, hương vị tuyệt vời và một gu thưởng thức cà phê khác biệt. Đó là vốn liếng đặc sắc và quý giá mà Việt Nam cần đẩy mạnh quảng bá nhiều hơn nữa.
Tại tập đoàn Greg Norman mà tôi sở hữu, với kinh nghiệm hoạt động tại 62 quốc gia và vùng lãnh thổ, chúng tôi có tiêu chí riêng để lựa chọn lĩnh vực, thị trường hoạt động. Và cà phê Việt là một lĩnh vực giàu tiềm năng, có nhiều câu chuyện thú vị để truyền tải ra thế giới. Thông qua liên doanh với NutiFood, hai bên mong muốn viết tiếp hành trình văn hóa cà phê Việt và hình ảnh Việt Nam nói chung.
- Vậy từ cơ duyên như thế nào mà ông và NutiFood quyết định thành lập liên doanh sản xuất phân phối cà phê?
- Chúng tôi biết nhau từ trước khi tôi nhận nhiệm vụ Đại sứ Du lịch Việt Nam. Rất tình cờ, một trong những lần khảo sát sân golf cùng một tập đoàn bất động sản Việt Nam hồi năm ngoái, tôi được uống Nuticafé - sản phẩm mới ra mắt của NutiFood. Tôi bất ngờ trước hương vị và chất lượng của loại cà phê này. Dù là cà phê hòa tan nhưng cảm giác, dư vị và mùi hương không khác gì một ly cà phê pha phin thông thường - vốn là đặc sản của đất nước các bạn.
Với sự quan tâm sẵn có dành cho cà phê Việt, tôi nhận ra ngay đây là cơ hội tuyệt vời để xúc tiến kế hoạch tham gia vào ngành cà phê. Qua những lần tiếp xúc, gặp gỡ, tôi và ban lãnh đạo NutiFood nhanh chóng nhận ra sự đồng lòng, chung một mục đích, đó là quảng bá cà phê Việt.
Hai bên coi đây là nền tảng quan trọng hình thành trên cơ sở "hai con người, một sứ mệnh". Điều này góp phần quan trọng cho việc thành lập liên doanh Greg Norman NutiFood tại Mỹ.
|
Tại buổi công bố hợp tác với NutiFood, ông Greg Norman khẳng định sẽ nỗ lực hết mình ở cả vai trò sở hữu tập đoàn Greg Norman và Đại sứ Du lịch Việt để nâng vị thế cà phê Việt Nam. Ảnh: Hữu Khoa. |
- Cụ thể liên doanh mới thành lập sẽ có những hoạt động nào để giới thiệu văn hóa cà phê Việt thưa ông?
- Trong 3-6 tháng tới, liên doanh Greg Norman NutiFood sẽ thành lập tại Mỹ, trụ sở đặt ở tiểu bang New York. NutiFood chịu trách nhiệm toàn bộ khâu nghiên cứu, sản xuất và phân phối cà phê, còn phía tập đoàn Greg Norman sẽ cấp bản quyền sử dụng thương hiệu, hình ảnh, logo mang tên mình trên các sản phẩm cà phê do doanh nghiệp Việt này sản xuất.
Liên doanh cũng sẽ mở chuỗi quán cà phê thương hiệu Greg Norman Nuticafé tại Việt Nam với quán đầu tiên tại trung tâm TP.HCM, chuỗi quán cà phê tại quốc gia châu Á, sau đó trong tương lai sẽ mở rộng sang Mỹ để giới thiệu các sản phẩm cà phê Greg Norman Nuticafé.
- Với cương vị là Đại sứ Du lịch Việt Nam, ông đã làm gì và sẽ tiếp tục đóng góp thế nào vào việc quảng bá hình ảnh Việt Nam, cụ thể ở đây là văn hóa cà phê Việt?
- Kể từ khi nhận nhiệm vụ Đại sứ Du lịch Việt vào tháng 10 năm ngoái, tôi đã tham gia vào nhiều bài viết, chương trình, sự kiện quảng bá hình ảnh Việt Nam không chỉ về tiềm năng du lịch mà còn về môi trường kinh doanh, đầu tư.
Trong những sự kiện gặp gỡ đối tác, tôi cùng tập đoàn cũng xây dựng mối quan hệ và kết nối các tập đoàn, doanh nghiệp ngoại với thị trường Việt Nam, qua đó giúp họ nhận thấy lợi thế, tiềm năng của thị trường này. Mục tiêu của tôi không chỉ thúc đẩy du lịch mà còn nâng cao nhận thức của thế giới về Việt Nam với những tiềm năng phát triển dồi dào.
Tôi sẽ tiếp tục giới thiệu cà phê Việt vào hệ thống nhà hàng do tôi sở hữu và cả những chuỗi quán của đối tác, các sân golf tôi tham gia thiết kế. Cùng liên doanh Greg Norman NutiFood, tôi sẽ tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu cà phê Việt tại Mỹ và nhiều quốc gia khác.
- Theo ông các doanh nghiệp cà phê cần làm gì để nâng giá trị sản phẩm trên thị trường quốc tế?
- Việt Nam có một nền văn hóa cà phê đặc sắc và là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới nhưng lại rất ít người biết tới thương hiệu cà phê Việt. Cần phải thay đổi điều đó. Tôi muốn cho thế giới thấy văn hóa cà phê Việt có nhiều tiềm năng phát triển.
Chính phủ đang làm rất tốt việc quảng bá hình ảnh và thúc đẩy phát triển cà phê. Nhưng vẫn còn nhiều cơ hội quảng bá về mặt thương hiệu. Các doanh nghiệp cần mạnh mẽ và tích cực hơn nữa trong các sự kiện, hội thảo, diễn đàn quốc tế để nói với thế giới rằng cà phê Việt xứng đáng được nhận biết rộng rãi hơn và có vị thế thương hiệu cao hơn.
Quan trọng nhất, cà phê Việt cần giữ chất lượng hảo hạng và đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra sự khác biệt giữa vô vàn các thương hiệu cà phê của quốc gia khác hoặc của các tập đoàn đa quốc gia. Đây cũng chính là sứ mệnh mà chúng tôi xác định khi thành lập liên doanh Greg Norman NutiFood.