Chuyến đi của ông Tập đến Rome được truyền thông quốc tế và các nhà quan sát đánh giá quan trọng, hứa hẹn sẽ đạt được nhiều thoả thuận thương mại lớn và không loại trừ khả năng thành viên G7 sẽ đồng ý tham gia siêu dự án "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.
Chuyến công du này đánh dấu lần đầu tiên một Chủ tịch Trung Quốc tới Italia trong vòng 10 năm qua.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện đến sân bay Fiumicino trước chuyến thăm Rome, Italy ngày 21/3/2019. (Ảnh: Reuters/ Yara Nardi) |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi động chuyến công du châu Âu bắt đầu từ Rome vào 22/3, trong bối cảnh phương Tây ngày càng lo lắng về việc Italia tham gia dự án “Con đường tơ lụa mới” gây nhiều tranh cãi của gã khổng lồ châu Á.
"Con đường tơ lụa" gập ghềnh
Thủ tướng Giuseppe Conte sẽ ký một biên bản ghi nhớ (MoU) với ông Tập vào ngày 23/3 để Italia tham gia siêu dự án "Sáng kiến Vành đai và Con đường" với tổng mức đầu tư lên đến hơn 1.000 tỷ USD của Trung Quốc. Italia là thành viên G7 đầu tiên làm như vậy, bất chấp sự chia rẽ quan điểm rõ ràng trong liên minh kinh tế mạnh nhất hành tinh này, theo Channel News Asia.
Ký thoả thuận tham gia "Vành đai và Con đường" sẽ giúp Bắc Kinh đầu tư vào các cảng của Italia, nơi hàng hóa Trung Quốc sẽ nhập khẩu vào châu Âu. Một số hàng hóa cũng sẽ được sản xuất tại Italia để đáp ứng các tiêu chuẩn của EU và được vận chuyển bằng đường sắt đến các nước EU khác.
Đổi lại, Rome sẽ có cơ hội chứng kiến cơ hội đầu tư tài chính và mở cửa thị trường cho các sản phẩm của Italia lớn chưa từng có tại Trung Quốc. Một thỏa thuận khác có thể được đưa ra là công ty công nghệ Trung Quốc Huawei sẽ vận hành mạng 5G ở Italaia.
Mỹ tháng trước cảnh báo các nước châu Âu rằng sử dụng công nghệ từ Huawei có thể làm tổn thương mối quan hệ của họ với Washington. Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Mỹ có nghĩa vụ cảnh báo các chính phủ khác về những rủi ro khi xây dựng mạng lưới với thiết bị từ gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc.
Thỏa thuận mà Trung Quốc và Italia dự kiến sẽ ký cũng bị một số người trong chính phủ liên minh Italia chỉ trích. Phó Thủ tướng Matteo Salvini, cho biết nếu thỏa thuận này là "về việc giúp các doanh nghiệp Italia đầu tư ra nước ngoài, chúng tôi sẵn sàng bàn luận với bất kỳ ai. Nếu nói về việc thuộc địa hóa Italia và các công ty với quyền lực nước ngoài thì câu trả lời rõ ràng là không. Và, tôi nói thêm, việc xử lý các dữ liệu nhạy cảm là một câu hỏi về an ninh và lợi ích quốc gia."
Ngược lại, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Luigi Di Maio, lãnh đạo Phong trào Năm sao của Italia và đối tác liên minh của ông Salvini, ủng hộ thỏa thuận này.
"Con ngựa thành Troy"
Rome có nguy cơ trở thành "một con ngựa thành Troy của Trung Quốc ở châu Âu", Mariastella Gelmini, từ đảng Forza Italia của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi nói. Câu chuyện con ngựa thành Troy nói rằng trong chiến tranh, người Hy Lạp đã sử dụng một con ngựa gỗ che giấu một đội quân bên trong để tiếp cận thành trì kẻ địch và cuối cùng chiến thắng.
Một nước Italia với nợ công khổng lồ đang trên đà suy thoái kinh tế và thiếu điều kiện nâng cấp cơ sở hạ tầng muốn có thêm nhiều hoạt động kinh doanh với Trung Quốc, theo Channel News Asia. "Tôi nghĩ rằng bất kỳ thứ gì mới cũng cần phải trải qua quá trình phát triển", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Chao (Vương Siêu) nói với các nhà báo về những tranh cãi ở Italia.
Trong khi đó quan chức Nhà Trắng Garrett Marquis tuần trước đã đăng lên Twitter rằng Italia "không cần" chứng thực cho "dự án cơ sở hạ tầng phù phiếm của Trung Quốc".
Chuyến thăm của ông Tập diễn ra một tuần sau khi Liên minh châu Âu công bố kế hoạch 10 điểm nêu rõ sự thay đổi quan hệ quyết đoán hơn với Bắc Kinh, cảnh báo rằng Trung Quốc là "đối thủ" của khối cũng như đối tác thương mại lớn nhất.
Pháp hôm 21/3 tuyên bố rằng Tổng thống Emmanuel Macron sẽ tổ chức các cuộc đàm phán thương mại và khí hậu vào ngày 26/3 với ông Tập, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker.
Khi đến hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, ông Macron đã hoan nghênh cái mà ông gọi là "sự thức tỉnh" của châu Âu trước thách thức mà Trung Quốc đặt ra. Nhưng văn phòng của ông Macron lại đưa ra một giọng điệu hòa giải hơn trong việc công bố các cuộc đàm phán, nói rằng đó là một cơ hội để giải thích chiến lược của châu Âu và tìm kiếm "các điểm hội tụ giữa châu Âu và Trung Quốc".
Cuộc họp diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-EU tại Brussels vào tháng tới, khi khối đấu tranh để phản ứng với các chính sách của Trung Quốc trên toàn châu Âu.
"Trung Quốc có lợi thế lớn bằng cách lên kế hoạch trước 30 năm, trong khi các nước phương Tây lên kế hoạch cho năm tiếp theo", Giuliano Noci, chuyên gia về Trung Quốc tại trường kinh doanh Milan Polytechnich cho biết. "Theo nghĩa này, người Trung Quốc sẽ luôn có lợi thế", Noci nói.
Các cảng biển chiến lược
Bắc Kinh đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư vào các cảng biển của Italia để giúp đưa các sản phẩm của mình vào châu Âu, trong những cảnh báo rằng Rome phải tránh mô hình cảng Piraeus của Hy Lạp - mà hãng tàu khổng lồ Cosco của Trung Quốc tiếp quản vào năm 2016.
Tuy nhiên những người ủng hộ MoU nói rằng điều đó sẽ dẫn đến việc Trung Quốc buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu và không thể so sánh với các thỏa thuận gây ra nợ mà Bắc Kinh đã ký với các nước đang phát triển.
Giám đốc điều hành công ty lốp xe khổng lồ của Italia Pirelli, 45% vốn thuộc sở hữu của Trung Quốc, nói rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải được "cân bằng". "Chúng ta cần ổn định các quy tắc của trò chơi, nhưng lợi ích đang hội tụ và chúng ta không thể mất cơ hội này", Marco Tronchetti nói với Corriere della Sera.
Ông Tập sẽ đến Monaco vào Chủ nhật và sau đó tới Pháp trong chuyến công du của mình.
Theo VTC