Vài tuần trước, chiếc máy làm nông liên hợp của John Boyd bị hỏng. Chiếc máy đó là công cụ rất quan trọng đối với Boyd, một nông dân thời đại công nghiệp ở Baskerville, Virginia, Mỹ.
Chiếc máy giúp anh thu hoạch đỗ tương, ngô và lúa mì. Lúc này, anh rất cần mua một chiếc máy mới để thu hoạch mùa màng hiệu quả hơn và dùng bền hơn so với việc sửa chiếc máy hiện tại hoặc mua máy cũ. Nhưng một chiếc máy mới tinh giá hơn 480.000 USD. Với tình trạng doanh thu của trang trại ngày càng đi xuống và giá cả máy móc đi lên, Boyd cho biết: “Tôi không mua được cái gì cả”.
Theo tờ Atlantic, giống như nhiều nông dân khác trên toàn nước Mỹ, Boyd đang “đứng giữa làn đạn” của cuộc chiến tranh thương mại giữa nước này và Trung Quốc.
Mỹ đã áp mức thuế suất 25% lên các vật liệu nhập khẩu thô như thép và đồng. Đáp lại, Trung Quốc và một số quốc gia khác tăng thuế quan lên các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ, đặc biệt là đỗ tương.
Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đang thương lượng để đạt một thỏa thuận thương mại mới nhưng chưa có một giải pháp nào được đưa ra ít nhất là tới tháng Tư tới.
Cuộc chiến tranh thương mại diễn ra vào lúc “tăm tối” nhất của nền nông nghiệp Mỹ: nợ nông nghiệp tăng lên, doanh thu của ngành nông nghiệp sụt giảm và chuyên gia kinh tế của Hiệp hội nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết trong tháng trước nhiều nông dân nước này phải sử dụng tới nguồn thu nhập từ bên ngoài để duy trì hoạt động của các trang trại.
Nhưng những người nông dân không thể “bắt” mùa màng đợi tới khi chiến tranh thương mại kết thúc – họ cần thu hoạch nông sản đúng vụ.
“Giá cả mọi thứ đều tăng và chi phí nhân công cũng tăng”, Taylor Brooks, một thương nhân bán thiết bị nông nghiệp ở gần trang trại của Boyd, cho hay. Vì thế, Boyd đã quyết định chi khoảng 2.000 USD để mua linh kiện mới và tự sửa chiếc máy của mình. Anh ước tính nếu thuê thợ sửa, chi phí sẽ lên đến 8.000 USD.
Ngay sau khi chính quyền Mỹ áp đặt thuế quan nhập khẩu mới đối với thép và nhôm, một số nhà sản xuất máy móc lớn như John Deere và Caterpillar tuyên bố sẽ tăng giá tương ứng. Những nhà sản xuất nhỏ cũng tăng giá hoặc tìm nguồn thép ở nước khác thay cho Trung Quốc.
Thông thường chỉ 5 hoặc 7 năm là nông dân Mỹ sẽ thay may móc một lần. Do đó những ai cần mua máy mới trong năm nay và không đủ tiền sẽ phải tìm tới giải pháp sửa chữa. Giá thép tăng lên cũng khiến giá các linh kiện thay thế tăng theo.
“Khi không bán được nông sản, người nông dân sẽ không có tiền”, Vernon Schmidt, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất máy móc nông nghiệp Mỹ, cho hay.
Mặc dù không có số liệu tổng hợp về tình trạng giá máy móc nông nghiệp tăng lên, cả nông dân và người bán máy nông nghiệp đều cho biết thuế quan tăng lên khiến giá máy nhảy vọt.
Trong một báo cáo của Cục Dự trữ liên bang phát hành đầu tháng 3, nông dân ở St. Louis, Missouri cho hay “giá cả nông sản giảm sút trong khi giá đầu vào tăng lên khiến lợi nhuận của nhà nông giảm đi”. Ngoài ra, những người nông dân ở đây vẫn tỏ ra lo ngại về tình trạng “chi phí tăng cao do thuế quan và chính sách ngoại thương không ổn định”.
Mặc dù ở một số nơi, giá thép đã ổn định, thậm chí còn giảm đi, giá cả các máy móc nông nghiệp vẫn cao do được sản xuất vào lúc giá nguyên liệu đầu vào cao.
Có vẻ Mỹ và Trung Quốc đã đạt một số tiến bộ trong việc giải quyết cuộc chiến tranh thương mại. Tổng thống Trump tạm hoãn áp đặt thêm các thuế quan mới lên Trung Quốc và Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ cho hay Trung Quốc đã đồng ý nhập 10 triệu tấn đậu tương. Tuy vậy, từ nay đến cuối tháng Tư, Mỹ - Trung sẽ không có cuộc thương lượng nào, nguy cơ hai bên đáp trả qua lại về thuế quan vẫn “treo lơ lửng” trên đầu người nông dân Mỹ.
Lúc này, những nông dân như Boyd lâm vào tình thế buộc phải “có gì dùng nấy”. Anh cùng nhiều nông dân khác đang “cháy túi” sẽ phải đưa ra quyết định khó khăn giữ hay từ bỏ trang trại của mình.
“Tôi đã làm việc ở đây gần như cả đời nhưng tôi sẽ phải đưa ra các quyết định thực sự rất khó khăn”, anh tâm sự.