Bộ Tài chính mới đây cho biết trình lên Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/2017. Trong đó có đề xuất thuế ưu đãi 0% cho linh kiện nhập khẩu phục vụ việc lắp ráp ôtô điện, xe hybrid, xe sử dụng hoàn toàn nhiên liệu sinh học, xe chạy bằng khí thiên nhiên nén-CNG (gọi chung là xe xanh) tại Việt Nam.
Fadil bản chạy xăng tại Hà Nội. Xe sẽ có thêm bản chạy điện. |
Để hưởng mức thuế ưu đãi 0%, hãng sản xuất tại Việt Nam phải đáp ứng hai tiêu chí đối với ôtô con (loại không quá 9 chỗ), động cơ từ 2,5 lít trở xuống:
Thứ nhất, doanh nghiệp phải cam kết sản xuất, lắp ráp ôtô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021) và mức 5 (từ năm 2022 trở đi).
Thứ hai, hãng xe phải đạt được sản lượng chung và riêng một mẫu xe cam kết tối thiểu theo từng giai đoạn như sau:
Bảng lộ trình về sản lượng chung và riêng một mẫu xe cam kết tối thiểu từ 2019-2020. Đơn vị: chiếc |
Theo bảng lộ trình mà Bộ Tài chính đưa ra, ví dụ trong 2019, các hãng sản xuất xe con để được hưởng mức thuế ưu đãi nhập khẩu 0% đối với linh kiện sản xuất xe xanh, phải đạt sản lượng chung tối thiểu ở giai đoạn 1 (từ 1/1 đến 30/6) ở mức 8.500 xe. Thứ hai, một mẫu xe xanh cam kết phải đạt từ 3.500 xe trở lên. Giai đoạn hai (từ 1/7 đến 31/12) số lượng là tương tự.
Về sản lượng bắt buộc, so với Nghị định 125/2017, số lượng áp dụng cho xe lắp ráp động cơ đốt trong dung tích động cơ 2.5 trở xuống và các mẫu xe xanh nói chung là giống nhau. Tuy nhiên, tính khả thi lại khác xa.
Ví dụ, Toyota Vios dễ dàng đạt con số 3.500 xe lắp ráp trong nước trong 6 tháng. Nhưng với một mẫu xe điện mới toanh lại rất khó, việc phải bán hơn 500 xe/tháng không phải là điều đơn giản. Bởi thực tế, dung lượng thị trường cũng như khái niệm xe điện, hybrid tại Việt Nam còn mờ nhạt.
Hãng có kế hoạch phát triển ôtô điện gần đây nhất là VinFast. Hồi 2018, hãng này cho biết sẽ sản xuất hai mẫu xe nhỏ chạy xăng và điện. Chiếc Fadil chạy xăng đã ra mắt, sẽ giao cho khách trong quý 2 tới, bản chạy điện sẽ phát triển trong thời gian tới, kế hoạch ban đầu là cuối 2019.
Chevrolet Bolt, mẫu hatchback chạy điện tại triển lãm ôtô Việt Nam 2017. |
Về phía các hãng liên doanh, Toyota từng đưa mẫu xe hybrid Prius về trưng bày tại triển lãm ôtô Việt Nam hồi 2015, định bán vào cuối 2017 hoặc đầu 2018, khi có thể xác định rõ mức thuế nhập khẩu. Tuy nhiên đến nay, Prius vẫn im hơi lặng tiếng trong kế hoạch bán hàng của liên doanh Nhật tại Việt Nam.
Trước Toyota Prius, tại triển lãm ôtô Việt Nam 2014, Nissan từng mang Leaf, mẫu xe điện bán chạy nhất toàn cầu của hãng Nhật về trưng bày. Nhưng sự xuất hiện lần đó của Leaf mang tính chất trình diễn nhiều hơn, thay vì thăm dò thị trường hoặc xa hơn là bán hàng.
Hồi đầu 2018, Nissan thực hiện chiến dịch truyền thông lớn để quảng bá Leaf cho thị trường châu Á-Thái Bình Dương với mục tiêu đẩy mạnh quá trình điện khí hóa ở khu vực này. Tuy nhiên, trong số 7 thị trường mới, Việt Nam không nằm trong danh sách.
Tương tự Nissan, một mẫu xe điện khác là Chevrolet Bolt cũng chỉ xuất hiện như một "khách mời" tại triển lãm ôtô Việt Nam 2017 và không hẹn ngày tái ngộ.
Đáng kể nhất trên thị trường là hợp đồng ký kết giữa hãng Renault (Pháp) và tập đoàn Mai Linh bắt đầu từ 2015. Kế hoạch nhập khoảng 10.000-20.000 xe điện Renault trong 5 năm sau đó để phục vụ chạy taxi đến nay vẫn chưa thành hình. Bản thân hãng Renault cũng gần như biến mất trên thị trường Việt Nam. Sau khi đổi nhà phân phối mới, các sản phầm của Renault có thể xuất hiện trở lại để tìm khách Việt trong 2019.
Trong danh mục sản phẩm những mẫu xe con tại Việt Nam, hầu như chưa có hãng nào chú trọng đến dòng sản phẩm xe lắp động cơ thân thiện với môi trường. Dự thảo của Bộ tài chính có thể là tín hiệu để các hãng xe trong tương lai gần, chuẩn bị cho việc sản xuất, đầu tư dây chuyền, nhà máy.
Theo VNE