|
Công ty TNHH Hoàn Cầu được đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 1/2/1993. |
Theo dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tính đến ngày 22/10/2012, Hoàn Cầu có vốn điều lệ 889 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Chấn (51,78%), bà Trần Thị Hường (38,21%) và ông Nguyễn Quốc Toàn (10%). Khi này, Tổng giám đốc của Hoàn Cầu là ông Phan Đình Tân.
Đến ngày 18/11/2016, Hoàn Cầu tăng vốn điều lệ lên 1.170 tỷ đồng, cơ cấu sở hữu của Hoàn Cầu từ tỷ lệ như trên có sự biến động lớn với việc ông Nguyễn Chấn nắm giữ 89,99% vốn.
10% cổ phần còn lại thuộc về ông Nguyễn Quốc Toàn (4,01%) và ông Nguyễn Quốc Cường, Phan Đình Tân và Nguyễn Thị Thanh Vân, mỗi người sở hữu 2%.
Tháng 12/2016, ông Nguyễn Quốc Cường giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc. Trước đó, từ tháng 7/2016, bà Nguyễn Thị Xuân Thủy đã giữ vị trí TGĐ thay ông Phan Đình Tân.
Đến tháng 11/2017, sự thay đổi lớn trong hơn 24 năm thành lập của Hoàn Cầu khi cơ cấu sở hữu đã có sự thay đổi đáng kể: khi toàn bộ phần vốn của ông Chấn, ông Toàn và bà Vân được chuyển nhượng sang cho một cá nhân là ông Dương Tiến Dũng. Lúc này, Hoàn Cầu có 2 thành viên góp vốn là ông Dương Tiến Dũng (98%) và ông Phan Đình Tân (2%).
Và chỉ 8 tháng sau (tháng 7/2018), phần vốn của ông Dương Tiến Dũng lại được sang tên cho ông Phan Đình Tân. Lúc này ông Tân trở thành người nắm giữ 99% vốn góp của Hoàn Cầu. Tính đến lúc này, gia đình nhà bà Tư Hường không còn cổ phần tại Hoàn Cầu, Tập đoàn chính thức sang tên đổi chủ.
Trong một diễn biến khác, Tập đoàn Hoàn Cầu được biết đến là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản, với nhiều dự án lớn, trải dài trên nhiều địa phương. Thế nhưng, trong vài năm gần đây, một số dự án của Hoàn Cầu rơi vào cảnh bị siết nợ, sang tên cho chủ mới.
Có thể kể đến như, dự án Diamond City - quy mô lên đến 15.000 tỷ, của Tập đoàn Hoàn Cầu ở TP.HCM. Năm 2018, thông tin dự án này từng được sử dụng là tài sản đảm bảo cho khoản nợ xấu 2.400 tỷ đồng của nhóm công ty Hoàn Cầu đã hé lộ. Dự án đã được Công ty Quản lý Tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua nợ lại từ Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Sau đó, VAMC đã thực hiện các thủ tục pháp lý để Công ty Xuân Mai Sài Gòn trở thành chủ sở hữu mới của dự án này.
Công ty TNHH Hoàn Cầu Khánh Hòa là chủ đầu tư dự án Trung tâm thương mại và khách sạn Hoàn Cầu (Nha Trang Center) có vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Tổ hợp này gồm khu trung tâm thương mại 15.000m2, khách sạn 266 phòng và 140 căn hộ. Dự án bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2012.
Ngoài ra, Công ty TNHH Hoàn Cầu Khánh Hòa còn là chủ đầu tư siêu dự án Diamond Bay City với tổng vốn đầu tư lên đến 4 tỷ USD. Theo giới thiệu của tập đoàn này, Diamond Bay City sau khi hoàn thành sẽ là thành phố nghỉ dưỡng trên biển đẹp và hoành tráng nhất từ trước đến nay của Việt Nam với trên 15 resorts, hơn 15.000 phòng khách sạn, căn hộ resort và 4.000 biệt thự trên biển cùng nhiều hạng mục khác như sân golf, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học khu vui chơi giải trí... Dự án hiện đã được Hoàn Cầu đưa vào khai thác một phần.
Theo Nhà đầu tư