Grab: Không cần gắn bảng điện tử "xe hợp đồng" trên nóc xe

Thứ ba, 16/04/2019, 10:48
Grab cho rằng, quy định phải gắn bảng điện tử trên nóc và bật sáng khi tham gia giao thông gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Công ty TNHH Grab vừa gửi văn bản góp ý dự thảo lần thứ 8 về Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô của Bộ Giao thông Vận tải.

Tại dự thảo mới nhất, nhà quản lý yêu cầu xe dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử như Grab, FastGo phải có bảng điện tử với chữ "xe hợp đồng" gắn cố định trên nóc, kích thước tối thiểu là 15x20 cm và bật sáng khi xe tham gia giao thông. Tuy nhiên, Grab đề xuất bỏ quy định này vì cho rằng "không cần thiết" vì 3 lý do.

Thứ nhất, nếu để nhận diện xe kinh doanh cho cơ quan chức năng, tất cả phương tiện đều đã được niêm yết phù hiệu "Xe Taxi" hoặc "Xe hợp đồng" trên kính trước của xe như quy định pháp luật.

Thứ hai, nếu để nhận diện xe cho hành khách, thông tin về xe, tài xế, số điện thoại đã được cung cấp cho khách hàng qua ứng dụng để nhận biết xe được kết nối. Bên cạnh đó, các xe này cũng không phục vụ, đón khách vãng lai trên đường như taxi bằng hình thức vẫy.

Thứ ba, yêu cầu này làm tăng chi phí cho đơn vị kinh doanh vận tải.

Bên cạnh đó, Grab cũng đề xuất Bộ Giao thông quy định rõ ràng các khái niệm "trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe" hoặc "quyết định giá cước vận tải". Đồng thời, bổ sung các công đoạn cốt lõi, đặc trưng của hoạt động kinh doanh vận tải vào khái niệm "kinh doanh vận tải bằng ôtô".

Bởi hiện dự thảo lần 8 quy định nếu doanh nghiệp thực hiện một trong hai công đoạn "trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe" hoặc "quyết định giá cước vận tải", thì sẽ được coi là kinh doanh vận tải bằng ôtô. Grab còn đề xuất bỏ 2 điều trong dự thảo mới nhất quy định về hợp đồng vận chuyển.

Bộ Giao thông Vận tải đã nhận được phản hồi về quy định với xe hợp đồng điện tử theo hai nhóm suốt thời gian xây dựng dự thảo. Thứ nhất, các hiệp hội, doanh nghiệp taxi yêu cầu quy định, quản lý chặt chẽ hoạt động của Grab như taxi. Họ cho rằng, không thể gọi là loại hình "hợp đồng điện tử" vì không có trong Luật Giao thông đường bộ.

Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), các chuyên gia kinh tế, đề nghị xe dưới 9 chỗ ứng dụng phần mềm khi chở khách sẽ được quản lý theo hợp đồng vận tải điện tử và bổ sung quy định về taxi điện tử.

Theo VNE

Các tin cũ hơn