Từ câu chuyện BigC từ chối nhập hàng, Go-Viet siết thưởng, người lao động Việt đang ở thế bị động?

Thứ bảy, 20/07/2019, 10:42
Về việc nhà cung ứng BigC, tài xế Go-Viet biểu tình, ông Ngô Trí Long cho rằng, khi không đủ năng lực thì họ chỉ có cách biểu tình để phản đối về 1 số chính sách bất lợi hơn cho phía họ. 

Tài xế Go-Viet biểu tình tại TP.HCM

Mới đây, nhiều tài xế đối tác của ứng dụng gọi xe Go-Viet đã tập trung tại trụ sở công ty này ở TP.HCM để phản ứng về chính sách mới. Theo Zing News, sáng 18/7, hàng trăm tài xế xe ôm công nghệ Go-Viet tập trung tại trụ sở của hãng trên đường Nguyễn Đình Chiểu (đoạn giao Trương Định, quận 3, TP.HCM) để đòi quyền lợi do từ 0h ngày 18/7, Go-Viet bất ngờ thay đổi chính sách.
Theo đó, với chính sách mới, các tài xế Go-Viet ở TP.HCM cần phải hoàn thành 20 cuốc xe (chở khách) ngoài khung giờ cao điểm từ thứ hai đến thứ sáu mới được thưởng 40.000 đồng. Trong khi đó, với chính sách cũ, tài xế chỉ cần hoàn thành 10 cuốc xe trong khung giờ tương tự là được thưởng 30.000 đồng.
Tương tự, để được thưởng 120.000 đồng, tài xế Go-Viet phải hoàn thành 32 cuốc xe ngoài khung giờ cao điểm từ thứ hai đến thứ sáu, trong khi, với chính sách cũ, tài xế chỉ cần hoàn thành 28 cuốc xe là được thưởng 180.000 đồng.
Trước đó, Grab cũng từng gặp tình trạng tài xế biểu tình vì chính sách mới hạ chiết khấu cho đối tác hồi đầu năm 2018 hay Be bị tài xế phản ứng vì bị cắt thưởng hoặc giữ lại tiền của tài xế để kiểm tra vì nghi ngờ gian lận book ảo chuyến.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long 
Tự nâng cao năng lực để không chịu thiệt thòi
Trao đổi với PV về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, khi mà lợi ích của người lao động không đảm bảo thì việc họ phản ứng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là việc thị trường gọi xe công nghệ có cạnh tranh lành mạnh hay không, đã đủ cạnh tranh để người lao động không bị chịu thiệt hay chưa?
Từ vụ việc các nhà cung cấp hàng may mặc cho BigC gần như ngay lập tức phản đối việc dừng nhập hàng của các nhà cung ứng, sau đó, Bộ Công Thương sau cuộc làm việc với đại diện Big C Việt Nam đã thông tin cụ thể hơn về nguyên nhân và cho biết việc dừng là tạm thời, đến việc các tài xế phản ứng khi Go-Viet thay đổi chính sách cho thấy, doanh nghiệp, người lao động Việt còn khá bị động trước những động thái của doanh nghiệp ngoại.
"Trong cuộc chơi với các doanh nghiệp lớn, khi mà đối tác không đủ năng lực thì họ chỉ có cách biểu tình để phản đối", ông Long nhìn nhận.
Về câu chuyện đối tác cung ứng hàng may mặc cho BigC bị từ chối nhập hàng, khi mà họ ở thế yếu mà không có những giải pháp lâu dài, bền vững thì sẽ luôn luôn bị sức ép từ doanh nghiệp lớn. Đây là một bài học cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam phải tự nhìn nhận, nâng cao chất lượng hàng hoá của mình lên, ông Long cho hay.
Về cuộc chơi gọi xe công nghệ, đây là một thị trường phát triển rất nóng trong thời gian qua nhưng Nghị định 86 với 9 lần sửa đổi vẫn chưa thể "ngã ngũ".
Ông Long cho rằng cần phải xác định được loại hình kinh doanh mới này từ đó có những chính sách phù hợp.
Thứ hai là phải tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp Việt tham gia cùng doanh nghiệp ngoại. "Việc có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia vào lĩnh vực này và cạnh tranh với nhau mới khiến một vài doanh nghiệp không thể "bắt tay" nhau thống lĩnh thị trường và người lao động không bị chịu thiệt thòi", ông Long nhìn nhận.
Theo BizLive

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích