|
Ảnh: GettyImages |
Từ việc chuyển sang dùng nguyên liệu rẻ tiền hơn cho đến việc cố gắng thực hiện hết đơn hàng từ Mỹ, nhiều công ty sản xuất nội thất của Trung Quốc ở thành phố phía Nam Bắc Kinh đang cố gắng nhanh chóng thích nghi với thực tế mới với mức thuế lên đến 25%, theo báo Nikkei.
Là nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất nội thất ở phía Bắc Trung Quốc, những gì đang diễn ra thành phố Langfang đại diện cho thay đổi đang đến tại phần lớn các vùng miền sản xuất của Trung Quốc, nơi từng được mệnh danh công xưởng của thế giới. Kinh tế Trung Quốc quý 2/2019 tăng trưởng thấp nhất tính từ năm 1992.
Cuộc chiến thương mại với Mỹ kéo dài hơn 1 năm qua có thể coi như một trong những yếu tố quan trọng khiến cho tăng trưởng GDP của Trung Quốc đi xuống trong quý gần nhất.
Những ngày đầu tháng 7/2019 tại trung tâm kinh doanh nội thất thuộc quận Shengfang, thành phố Langfang, Trung Quốc, người ta nhìn thấy rất ít khách đến xem. Khu vực có diện tích 550 nghìn mét vuông. Một vài tầng đã đóng cửa.
Một giám đốc kinh doanh tên Wang cho biết: “Đã có nhiều tác động rõ ràng kể từ khi Mỹ tăng thuế”. Công ty của ông chuyên bán ghế kim loại sang Mỹ”. Ông cũng cho biết số lượng khách hàng Mỹ, châu Âu và Hàn Quốc đều giảm, quy mô sản xuất thu hẹp.
Trong đợt tăng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vào năm ngoái, nội thất là một trong những mặt hàng bị nhắm đến. Thuế áp với nội thất nhập khẩu được tăng lên 10% từ tháng 9/2018 và sau đó lên 25% vào tháng 5/2019.
Sáng ngày thứ Hai, Tổng thống Trump ghi dòng trạng thái rằng: “Thuế được trả bởi người Trung Quốc chứ không phải người Mỹ”.
Dù nhiều chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi về tính hợp lý trong tuyên bố của Tổng thống Trump, thế nhưng nhà quản lý xuất khẩu tại một nhà máy sản xuất nội thất quy mô trung bình tại Langfang chia sẻ rằng phía Trung Quốc đã rất chật vật để làm giảm tác động của thuế quan.
Người quản lý tên Huang chia sẻ: “Một số nhà sản xuất nội thất xuất khẩu sang Mỹ đã chuyển sang dùng loại nguyên liệu rẻ tiền hơn để tránh cho việc giá bán đến tay khách hàng tăng mạnh do thuế cao. Họ làm vậy sau khi tham vấn với nhà nhập khẩu”.
Ngay cả như vậy, theo ông Huang, khó tránh khỏi việc phải tăng giá và phần lớn chi phí đội thêm này buộc phải có sự chia sẻ từ phía nhà nhập khẩu Mỹ. Một số nhà sản xuất đã chuyển sản xuất sang Việt Nam, thế nhưng ông Huang nói rằng nhiều nhà máy tại đây cũng chứng kiến tình trạng đơn hàng sụt mạnh do chính sách từ phía Mỹ.
Các nhà sản xuất nội thất Trung Quốc giờ đây cũng đang sợ hãi bởi khả năng Mỹ thắt chặt các tuyến thương mại được thiết kế nhằm né thuế tăng cao. Trong tháng này, Bộ Thương mại Mỹ đã đánh thuế nặng với sản phẩm thép Hàn Quốc và Đài Loan trải qua công đoạn xử lý cuối cùng tại Việt Nam.
Theo BizLive