Các sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh xảy ra chủ yếu ở khu đô thị Linh Đàm với các dự án nhà ở tại: VP6 Linh Đàm; HH1, HH2, HH3, HH4 thuộc ô CC6 khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm; VP5 Linh Đàm và VP3 Linh Đàm.
Khu đô thị Linh Đàm do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 200ha (bao gồm 74ha hồ điều hòa) và quy mô dân số là 25.000 người. Tổng diện tích sàn nhà ở: 990.000m2.
Sai phạm của Mường Thanh diễn ra trong thời gian dài. |
Dự án được thực hiện theo đúng quy hoạch với các yếu tố đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, khai thác lợi thế về cảnh quan thiên nhiên như diện tích mặt nước hồ Linh Đàm (theo quy hoạch là 74ha), tạo ra những công viên với mật độ cây xanh rất cao (13m2/người).
Tuy nhiên, trái với những gì đã đưa ra ban đầu, khu đô thị Linh Đàm sau hơn 10 năm phát triển đã trở một trong những khu đô thị đông dân nhất tại Hà Nội, quy hoạch bị băm nát.
Cụ thể, năm 2007, năm 2010, HUD chuyển giao hạ tầng kỹ thuật 7 lô đất cho các công ty gồm Công ty BEMES, Công ty Thành Nam, Công ty COMA 18, Công ty Hợp Phú để thực hiện các dự án theo quy hoạch. Trên thực tế, các doanh nghiệp trên đã chuyển nhượng lô đất cho Mường Thanh và Công ty BEMES chưa đúng pháp luật. Quy hoạch của các lô đất này cũng được chuyển đổi sang xây căn hộ để bán.
Theo quy hoạch, tổ hợp HH được xây dựng 12 tòa nhà nhỏ trên khu đất phía Tây Nam bán đảo Linh Đàm để làm khu văn phòng, khách sạn và nhà ở cao cấp. Chiều cao các tòa nhà khoảng 25-35 tầng tạo điểm nhấn. Mật độ xây dựng tại đây chỉ khoảng 20-30%.
Nhưng thực tế, khu HH lại có tới 12 tòa nhà chung cư cao tầng, mật độ xây dựng trên 50%.
Khu đất VP6 được quy hoạch là khu nhà ở thấp tầng nằm phía bắc bán đảo Linh Đàm, cạnh đường vành đai 3. Tuy nhiên, thực tế khu đất biến thành tòa nhà cao tới 35 tầng, án ngữ một vùng đô thị bán đảo Linh Đàm.
Chung cư VP3 và VP5 Linh Đàm nằm ở khu vực trung tâm bán đảo Linh Đàm. Theo quy hoạch, khu đất được xây dựng làm khu văn phòng là điểm nhấn, trung tâm của khu đô thị Linh Đàm.
Hai tòa nhà đã bị chuyển đổi thành đất ở với hệ số chiếm đất lên tới trên 90% và chiều cao 33 tầng (vượt 8 tầng so với quy hoạch).
Như vậy, HUD với vai trò là chủ đầu tư của khu đô thị nhưng sau khi chuyển nhượng đã không giám sát, không báo cáo cơ quan chức năng về các vi phạm của dự án để xử lý theo hợp đồng chuyển giao hạ tầng kỹ thuật.
Theo Điều 17, mục 1, chương III Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ Về quản lý đầu tư phát triển đô thị, nghĩa vụ của chủ đầu tư cấp 1 là:”Giám sát việc thực hiện đầu tư xây dựng của các chủ đầu tư thứ cấp (nếu có) phù hợp với quy hoạch chi tiết và tiến độ dự án đã được phê duyệt”.
HUD đã không thực hiện trách nhiệm của mình khi được giao làm chủ đầu tư cấp 1. Sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh cũng có phần trách nhiệm của HUD trong đó.
Trong giai đoạn các dự án này triển khai, lãnh đạo HUD thời kỳ đấy là ông Nghiêm Văn Bang - Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD)
Về phía lãnh đạo chính quyền, các sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh xảy ra dưới thời kỳ ông Nguyễn Thế Thảo làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ (2007 - 2015).
Những sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh tại khu đô thị Linh Đàm được diễn ra dưới thời kỳ ông Nguyễn Mạnh Hoàng, giữ chức Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai.
Giám đốc Sở Xây dựng là ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là ông Nguyễn Trọng Đông.
Kết luận của Thanh tra thành phố Hà Nội cũng nêu rõ các vi phạm diễn ra trong thời gian dài nhưng không bị phát hiện, xử lý.
Ngoài trách nhiệm của các doanh nghiệp, còn có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, của chính quyền sở tại nơi có dự án đã thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra, buông lỏng quản lý, không có biện pháp xử lý.
Đối với Sở Quy hoạch Kiến trúc, kết luận thanh tra cho biết giấy phép quy hoạch ô đất CC6 cũng như đối với từng lô đất HH1 đến HH4 được cấp sau khi dự án được xây dựng.
Sở Tài nguyên Môi trường đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân, trong đó có cả những phần diện tích vi phạm là chưa đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên - Môi trường.
Sở Xây dựng được kết luận đã buông lỏng quản lý, chưa có biện pháp kiên quyết tổ chức thanh tra, kiểm tra theo chức năng quản lý ngành hoặc báo cáo UBND thành phố xử lý, dẫn đến để tồn tại nhiều dự án của Mường Thanh thực hiện khi chưa được giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã ký hợp đồng nhận chuyển nhượng dự án xây dựng công trình sai quy hoạch, vi phạm trât tự xây dựng nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài không bị phát hiện, xử lý.
Đáng chú ý, Sở này còn cấp giấy phép theo hiện trạng công trình, không theo quy hoạch được duyệt.
UBND các quận Hoàng Mai, Hà Đông được kết luận đã buông lỏng quản lý trong công tác quản lý đầu tư, xây dựng, quản lý đất đai. Khi các dự án có vi phạm đã không kiểm tra, xử lý các vi phạm 3/7 dự án (VP3, VP5, VP6).
Thanh tra Thành phố Hà Nội đã kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, Chủ tịch UBND quận Hà Đông, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt, Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng... tại thời điểm diễn ra vi phạm đã buông lỏng quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng để tồn tại nhiều dự án có vi phạm nghiêm trọng trên địa bàn thành phố.
Theo VTC