Nhà sống ở khu Bàu Cát (Tân Bình), gần đây, anh Hải hay bắt gặp chiếc xe tải nhỏ đậu trên các con phố rộng. Xe bán hàng tạp hóa và các loại thực phẩm tươi sống. Hàng được đóng gói và có nhân viên bán như trong siêu thị.
"Mấy xe này đậu không cố định, tôi hay gặp ở những đoạn đường thoáng. Hàng hóa không nhiều nhưng nhìn hiện đại, sạch sẽ. Nhân viên bảo có kho lạnh trong xe nên khách cần họ sẽ lấy ra thêm", anh Hải mô tả.
Theo nhân viên bán hàng, mô hình xe tải này chỉ mới hoạt động tầm hai tháng tại quận Tân Bình. Công ty còn có ứng dụng 3FFOOD để khách đặt trực tuyến. Trong khi một số siêu thị lớn từ chối giao hàng tươi sống thì ứng dụng này nhận giao nhanh tận nhà cả các loại tôm, mực, cá... Tuy nhiên, dịch vụ mới chỉ hoạt động ở khu vực Bàu Cát và Tân Phú của quận này.
"Những chiếc xe này làm tôi nhớ đến mấy xe đẩy bán rau củ, thịt cá buổi sáng, đi xuyên các con hẻm mà mấy cô dì nội trợ xóm tôi hay chờ, nhưng nó hiện đại và không vào sâu được như thế", Hải nói thêm.
Xe tải 'siêu thị di động' bán hàng ở khu Bàu Cát (Tân Bình). |
Chị Thanh Mai thì có thời gian dài ở trọ trong con hẻm trên đường Âu Dương Lân (phường 3, quận 8). Cuối năm ngoái, chị vẫn còn lui tới tiệm tạp hóa mở cửa 24/7 ở hẻm nhà. Tiệm không bán thịt cá nhưng bán đủ các loại rau, trái cây. Bà chủ treo TV ở góc tường để giải trí cả ngày khi chờ khách.
"Có hôm quá nửa đêm thèm ít rau cho tô mỳ cũng ra đó mua. Tôi chưa thấy tiệm đóng cửa bao giờ", chị Mai kể lại tiệm tồn tại trong sự bủa vây của các cửa hàng tiện lợi xung quanh như Vinmart, CircleK, B's mart...
Nửa năm nay, chị Mai chuyển về một chung cư ở phường 16 cùng quận. Mỗi ngày, để mua thực phẩm, chị có hàng loạt lựa chọn. Trước chung cư có tấm bạt dã chiến, bán rau quả vào buổi sáng và một cửa hàng Vinmart+. Đi thêm 500m, chị có thể đến cửa hàng Bách hóa xanh, sát cạnh là Family Mart. Hai ngôi chợ truyền thống vốn cách không xa, chỉ tầm hơn một km.
"Tôi ít đi chợ hơn vì cửa hàng tiện lợi nhiều. Nhân viên cũng thân thiện, chấp nhận bán số lượng và số ký tôi cần chứ không nhất thiết mua cả túi đóng gói sẵn. Mua thịt, mua cá thì bên Bách hóa xanh có người làm sạch theo yêu cầu, như ở chợ thôi", chị Mai mô tả.
Kinh doanh hơn 3 năm, Bách hóa xanh thu gần 1.000 tỷ mỗi tháng từ bán thịt cá, rau quả. Hiện, hệ thống có khoảng 14 cửa hàng đạt doanh thu 3-5 tỷ; 70 ở mức 2-3 tỷ, 125 ở mức 1,5-2 tỷ đồng, số còn lại dao động quanh 1-1,5 tỷ.
"Doanh thu tăng ấn tượng đã giúp kế hoạch của công ty đạt sớm hơn so với dự kiến. Dự kiến, doanh thu 2019 của nhóm này đạt 12.000-14.000 tỷ đồng và bắt đầu có lãi", ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Thế Giới Di Động, kiêm điều hành Bách hóa xanh cho biết.
Bán thực phẩm tươi ở quy mô nhỏ hơn nhưng có thế mạnh bởi hệ thống lớn và đã len lỏi đến những đường nhỏ, chung cư, Vinmart+ đang có khoảng 575 cửa hàng chỉ riêng ở TP. HCM. Coop Food, Satrafoods có số cửa hàng tương đối ít.
Trong khi đó, Family Mart là cái tên hiếm hoi trong nhóm các cửa hàng tiện lợi 24 giờ có bán rau củ quả và thực phẩm. Tuy nhiên, giá thực phẩm tươi tại Family Mart tương đối cao, lựa chọn cũng ít và chỉ một số cửa hàng diện tích lớn mới kinh doanh. Tất cả góp phần tạo thêm nhiều lựa chọn mua thực phẩm tươi sống tận nơi, ngoài các xe đẩy hay tạp hóa truyền thống ở TP.HCM.
Không chỉ có siêu thị di động trên xe tải và cửa hàng tiện lợi, người Sài Gòn còn chứng kiến sự xuất hiện thêm loại hình siêu thị ảo của VinCommerce. Đó là những tấm áp phích khổ lớn mô phỏng hình kệ hàng siêu thị dán trong các khu tập thể, toà nhà văn phòng, trường học, điểm chờ xe bus... Mỗi món hàng có mã QR để người mua quét bằng ứng dụng VinID. Hàng được giao sau 2-4 giờ. Ở TP.HCM, đã có hai địa điểm dán những tấm áp phích này.
"Là đơn vị tiên phong đưa những công nghệ mua sắm này về Việt Nam, đồng thời lập trình và phát triển phù hợp với người tiêu dùng trong nước, chúng tôi muốn tạo nên cuộc cách mạng trong tiêu dùng bán lẻ tại Việt Nam, đưa ra giải pháp tiết kiệm thời gian và gia tăng thêm nhiều tiện ích cho khách hàng", đại diện VinCommerce cho biết.
Báo cáo về thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2019 của Q&Me nhận định kênh hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang tiếp tục tăng trưởng. Tính đến tháng 5/2019, số lượng siêu thị cả nước là 360, tăng hơn 15%. Việt Nam đang có hơn 3000 cửa hàng tiện lợi, con số này tăng gấp đôi so với 2 năm trước.
Tuy nhiên, sự phát triển của các kênh bán hàng tươi sống mới nói riêng và bán lẻ hiện đại nói chung không phải là mối đe dọa lớn đối với những kênh truyền thống, từ tấm bạt vỉa hè, xe đẩy thịt cá đến chợ. Trong một khảo sát nhỏ về thói quen nấu ăn của giới trẻ Việt Nam trên Q&Me, vẫn có đến 79% thường xuyên mua thực phẩm ở chợ.
Mục tiêu và thực tế số cửa hàng tiện lợi các thương hiệu đến tháng 5/2019. (Nguồn: Q&Me) |
Trong khi đó, số lượng cửa hàng tiện lợi dù tăng nhưng vẫn còn cách khá xa mục tiêu mà các thương hiệu tự đề ra. Chẳng hạn, hiện Family Mart có 151 cửa hàng và Ministop có 115 cửa hàng, trong khi cả hai từng tham vọng có lần lượt 1.000 cửa hàng (mục tiêu 2020) và 800 cửa hàng (mục tiêu 2018). Các chuyên gia cho rằng cửa hàng tiện lợi dường như gặp khó khăn trong việc tìm mặt bằng cũng như duy trì lợi nhuận.
Với chị Thanh Mai, nửa năm nay chị đã quen với tiếng rao "Gà tre 110.000 đồng, gà tre 90.000 đồng" ở ngã tư Võ Văn Kiệt - An Dương Vương mỗi khi chờ chốt đèn đỏ cuối cùng để về nhà.
"Ngoài gà tre thì mấy tấm bạt trải ra buổi chiều ở ngã tư còn bán thêm dứa, khoai lang, khoai cao, có hôm bán cả ốc, nghêu, sò huyết...", chị Mai nói 'chợ chồm hổm' còn thu hút các xe đẩy bán bí đao, măng... tụ về giờ cao điểm. Chị bảo chợ vẫn bán được dù cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini cũng bán thực phẩm chỉ nằm bên kia đường.
Theo VNE