|
Cơ quan chức năng kiểm tra hóa đơn, chứng từ các quầy kinh doanh phụ gia thực phẩm tại chợ Kim Biên (quận 5, TP.HCM) |
Thượng vàng hạ cám đều có
Chợ Kim Biên (Q.5) được xem là “lò” chuyên cung cấp các loại hóa chất công nghiệp, chất phụ gia thực phẩm cho toàn thành phố và các tỉnh phía Nam. Ngoài các loại hóa chất dùng trong công nghiệp như chất thông cống, chất tẩy trắng, hàn the... các loại hóa chất dùng chế biến thực phẩm cũng được bày bán công khai. Tại đây, phổ biến nhất vẫn là hoá chất hương liệu trái cây, bột sữa, đường hóa học, phụ gia tạo màu... với công dụng từ làm mềm, dẻo hay giòn thức ăn đến tạo hương vị, màu sắc cho đồ ăn thức uống... có giá khá rẻ, 15.000-60.000 đồng/100gr tùy loại.
Trưa 14/4, trong vai khách hàng, chúng tôi đến chợ tìm mua hương liệu làm bánh. Tại khu kinh doanh phụ gia thực phẩm, nữ nhân viên chào mời: “Có đủ các loại hương dừa, sầu riêng, ca cao, vani… cả nội lẫn ngoại, giá 100.000-130.000 đồng/hộp. Hàng của bên em đều nằm trong danh mục cho phép sử dụng nên chị cứ yên tâm. Ngoài ra, em còn có các chất phụ gia giúp bánh xốp, mềm và thời gian sử dụng lâu hơn”.
Tại cửa hàng này, chúng tôi thấy có rất nhiều các loại bột, hương liệu, phụ gia thực phẩm được đóng trong các loại hộp lớn (cỡ 1kg), hoặc bao gói cẩn thận, có dán bao bì, nhãn mác. Cụ thể như nhóm phụ gia dùng trong chế biến nem giò chả, bún mì phở, rau củ quả, thạch rau câu, đậu hũ, bánh kẹo kem, nước giải khát… Các chất bảo quản, chống nấm mốc, giữ màu, làm tẩy trắng thực phẩm như Acid Sorbic, Sodium Benzoate, Sodium Metalbisulphite, Eribate, Nata mu 03... của nhiều công ty khác nhau.
|
Nhiều loại phụ gia thực phẩm được bày bán tại chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa |
Một số tiểu thương chợ Bình Tây (Q.6) giới thiệu loại bột ngọt được cho là nhập từ Thái Lan, bên ngoài chỉ có dòng chữ I+G Fujimori với giá khá đắt 185.000 đồng/kg. Theo người bán, đây là bột ngọt ngoại, vị ngọt như thịt xương hầm, nếu kinh doanh ăn uống thì nên mua loại này để có lãi. Cách sử dụng rất dễ, muốn ngọt nhiều thì cho nhiều. Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, đây thực ra là loại “siêu bột ngọt” - chất điều vị có trong danh mục phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế, cần được quản lý nghiêm ngặt và dùng với liều lượng cho phép.
“Đường siêu ngọt” dùng để nấu nước sâm, mía lau, trà sữa… được tiệm A.H trên đường Phan Văn Khỏe (bên hông chợ Kim Biên, Q.5) chào mời với giá 350.000 đồng/kg. Xem bao bì sản phẩm, chúng tôi chỉ thấy toàn chữ Trung Quốc, không hề có nhãn phụ, trong khi đây là loại đường aspartame, nếu dùng quá liều sẽ gây hại cho gan, thận; hiện một số nước như Mỹ, Nhật đã cấm dùng.
Tại nhiều chợ truyền thống, tiệm tạp hóa… , các loại phụ gia được sang chiết thành từng gói nhỏ, cột sơ sài bằng dây thun cũng được bày bán. Chỉ cần khách có nhu cầu sẽ được đáp ứng ngay. Tại một quầy ở chợ Nguyễn Văn Trỗi (Q.3), khi biết tôi muốn mua gia vị ướp thịt, tiểu thương ở đây đã giới thiệu đủ loại gia vị tẩm ướp của Việt Nam, Hàn Quốc, Thái Lan… giá 39.000-50.000 đồng (tùy loại).
Chê giá đắt, mua về bán hàng không có lời, một tiểu thương nói nhỏ: “Tôi có loại sốt đặc biệt, giá rẻ lại ngon, đảm bảo ăn đứt hàng đang có trên thị trường”. Rồi người này lấy ra bịch nước màu đen nhờn nhợt, đựng trong túi ni-lon, không nhãn mác giới thiệu: “10.000 đồng/bịch, mỗi bịch ướp chừng 1,5 kg thịt, còn muốn ngon đậm đà thì ướp 1 kg thịt thôi. Thịt dai cỡ nào ướp vào cũng mềm hết; đặc biệt khả năng khử mùi hôi của thịt thì khỏi chê”.
Theo lời tiểu thương này, đây là nước sốt được bà chiết nhỏ từ can gia vị lớn, khách hàng mua rất đông vì thơm ngon lại rẻ. “Mỗi tuần tôi giao gần cả trăm bịch về các tỉnh miền Tây, mà họ mua toàn bịch lớn, giá 30.000 đồng. Dưới đó họ hay dùng loại này lắm”. Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu được xem can nước sốt loại lớn, bà này lúng túng chỉ vội vào chai nước tương bên cạnh rồi bảo cũng là dầu hào giống vậy thôi.
Ranh giới mong manh
Theo ông Đỗ Xuân Trường, Phó Trưởng Ban quản lý chợ Kim Biên, hiện nay chợ có 534 sạp với 314 hộ kinh doanh các mặt hàng, trong đó có 16 hộ kinh doanh hương liệu, phụ gia thực phẩm… Các hộ đều đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, tham gia các lớp tập huấn kiến thức. Tuy nhiên, vị này thừa nhận, vẫn còn tình trạng có nhiều loại phụ gia vừa được sử dụng trong công nghiệp lẫn thực phẩm, khiến đơn vị này khó kiểm soát.
Bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cho biết, các chất phụ gia thực phẩm không gây độc hại khi được dùng đơn lẻ, nhưng nếu kết hợp nhiều phụ gia trong quá trình chế biến có thể phát sinh những chất độc hại do phản ứng hóa học hay do tác động vật lý. Vì vậy, người tiêu dùng khi mua thực phẩm nên đọc kỹ nhãn mác để biết thực phẩm có chứa bao nhiêu chất phụ gia để có quyết định lựa chọn phù hợp. Trong quá trình chế biến thực phẩm tại gia đình không nên lạm dụng phụ gia như bột ngọt, bột nêm, phẩm màu, chất làm mềm, chất tẩy trắng...
Đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho hay, các vi phạm xảy ra trong lĩnh vực phụ gia, hóa chất ở TP.HCM hiện nay chủ yếu là buôn bán hàng nhập lậu, kinh doanh hóa chất không rõ nguồn gốc, ghi sai nhãn hàng hóa nhập khẩu, trộn phụ gia, hóa chất bán cho khách hàng trái với quy định cho phép.
Việc kiểm tra còn gặp nhiều khó khăn do tính chất đặc thù của các loại phụ gia này. Nhiều loại có trọng lượng nhỏ, có loại không mùi vị, đa dạng chủng loại, tồn tại nhiều dạng khác nhau nên dễ trà trộn vào các loại hàng hóa khác. Các điểm bán thường chia nhỏ, xé lẻ hàng hóa để qua mặt lực lượng chức năng. Có những vụ bắt được đối tượng mang phụ gia thực phẩm độc hại nhưng lực lượng chức năng phải mất nhiều thời gian giám định, xác định nằm trong danh mục chất cấm mới xử lý được.
Tác hại khôn lường Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, ngay cả những phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm cũng phải tuân thủ các giới hạn về liều lượng, nồng độ và cách sử dụng an toàn. Cho nên nguyên tắc là phải công khai tên phụ gia sử dụng thành phần và những lưu ý sử dụng. Trường hợp sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, không đúng chủng loại, nhất là những phụ gia không cho phép dùng trong thực phẩm sẽ gây ra nhiều tác hại như ngộ độc, ung thư, đột biến gene, gây quái thai ở phụ nữ mang thai… “Chúng tôi thường xuyên có những đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất các mặt hàng thực phẩm sử dụng chất phụ gia, tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm để đánh giá nguy cơ và kịp thời phát hiện sai phạm. Cùng với đó, tăng cường tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý ATTP của các quận huyện, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên để họ tự nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình. Tích cực tuyên truyền cho người dân về cách mua, sử dụng phụ gia thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn và những tác hại của việc dùng sai chất phụ gia” - bà Phong Lan nói. Ngày 11/4, Ðội 4 Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TPHCM cho hay, đã phát hiện 3 cơ sở ở Q.8 do bà Lê Kim Trúc làm chủ ngâm 2 tấn ngó sen, bắp chuối bằng hóa chất không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, cảnh sát còn thu giữ 200kg chất tẩy trắng, 5kg hàn the, 100kg acid acetic. Ðây đều là những hóa chất không được dùng chế biến thực phẩm cho người. Chủ cơ sở thừa nhận đổ hóa chất trực tiếp vào ngó sen, chuối bào trước khi chở đi phân phối cho các tiểu thương ở chợ đầu mối, chợ lẻ, quán ăn và các tỉnh thành khác. Quý 1/2019, phát hiện hơn 8.000 cơ sở vi phạm ATTP 4 tháng đầu năm 2019, TP.HCM đã phát hiện nhiều vụ nghi ngộ độc thực phẩm tập thể. Cụ thể, ngày 6/4, 61 học sinh trường tiểu học Nguyễn Thị Ðịnh (Q.12) nhập viện cấp cứu sau khi ăn bữa trưa với bánh mì. Các em đều chung các triệu chứng nghi do ngộ độc thực phẩm như đau bụng, tiêu chảy, nôn ói… Ngày 19/2, 24 công nhân của một công ty trên địa bàn Q.Tân Phú nhập viện BV Q.Tân Phú do có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nghi do ngộ độc thực phẩm. Trước đó, trong bữa cơm trưa, nhiều công nhân đã ăn cơm chay với khẩu phần ăn gồm rau mầm, gỏi nấm bào ngư, đậu bắp kho với hủ dừa, tàu hủ chay. Sau khi ăn khoảng 15 phút, nhiều người cảm thấy buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu, khó chịu trong bụng… Theo báo cáo của UBND TP.HCM, thời gian qua các đơn vị phát hiện nhiều vụ vi phạm về ATTP. Kết quả trong quý 1/2019, TP.HCM kiểm tra 22.530 cơ sở và phát hiện 8.505 cơ sở vi phạm (tỉ lệ 37,75 %), phạt tiền 464 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 5 tỷ đồng. Ðặc biệt chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 1 trường hợp vi phạm ATTP. Ðiều khá hi hữu bấy lâu nay trong bối cảnh vi phạm vệ sinh ATTP khá phổ biến nhưng cơ quan chức năng kêu khó xử lý. Trong năm 2018, Ban quản lý chợ Kim Biên đã kiểm tra 23 lần và cho biết, kết quả hầu hết các hộ đều chấp hành tốt các quy định, tuy nhiên vẫn còn một số hộ cập nhật hàng hóa nhập, xuất chưa đầy đủ, đã được nhắc nhở. Ngoài kiểm tra định kỳ, hàng ngày, ban quản lý chợ giao trách nhiệm cho công nhân viên phụ trách ngành hàng thường xuyên tuyên truyền vận động và nhắc nhở tiểu thương chấp hành các quy định của pháp luật, kinh doanh hàng hóa đảm bảo ATTP. |
Theo Tiền Phong