Công ty của "Út Trọc" được chỉ định thầu nhiều dự án nhờ hồ sơ giả

Thứ ba, 16/04/2019, 14:36
Liên tiếp thua lỗ, khai khống kinh nghiệm, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P vẫn được thực hiện nhiều công trình nghìn tỷ.

Cầu Văn Lang, Việt Trì.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây về một số dự án đầu tư, xây dựng liên quan đến Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng (Công ty Thái Sơn Bộ Q.P) đã chỉ ra nhiều sai phạm trong việc giả mạo hồ sơ, tài liệu để đấu thầu các dự án BOT, BT giao thông.

Cụ thể, số liệu tại các báo cáo tài chính "được cho là đã kiểm toán" để vay vốn, dự thầu đều phản ánh Công ty Thái Sơn Bộ Q.P có đủ năng lực; nhưng so với báo cáo tài chính để quyết toán thuế hàng năm có nhiều sai khác. Tình hình tài chính của công ty này năm 2015 lỗ 4,2 tỷ đồng; năm 2016 lỗ 5,9 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 628 triệu đồng.

Cũng theo kết luận, tài sản cố định đến thời điểm năm 2017 của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P trị giá khoảng 120 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là một bồn chứa dầu, khoảng 10-40 ôtô du lịch, không có máy móc, thiết bị phục vụ thi công, xây lắp công trình và rất ít nhân công. Nhân viên công ty chủ yếu là hành chính, lái xe, kế toán, thủ quỹ... và một số rất ít cán bộ kỹ thuật xây dựng (các năm 2009, 2010, 2011, 2013 chỉ có một người, năm 2012 không có, đến tháng 12/2014 mới có 4 người thuộc Phòng dự án).

Từ những kê khai khống về năng lực, Công ty đã trúng thầu và đã chuyển nhượng lại cho các đơn vị khác thực hiện các dự án như: Dự án khôi phục cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km123+105,17 đến Km268+000 theo hình thức BOT kết hợp BT.

Ngày 20/12/2013, Bộ Giao thông Vận tải chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án là liên danh Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P và Công ty Yên Khánh. Công trình được khởi công năm 2014, hoàn thành năm 2015; tổng vốn đầu tư là trên 4.110 tỷ đồng.

Tuy nhiên kết quả thanh tra, kiểm toán cho thấy Công ty Thái Sơn Bộ Q.P không đạt yêu cầu về vốn chủ sở hữu theo các quy định nhưng vẫn được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.

Năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải còn chấp thuận giao cho Công ty này thực hiện Gói thầu số 23 bất chấp các điều kiện về năng lực, hồ sơ chưa đáp ứng và không đúng quy định. Sau đó, Thái Sơn đã chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc cho Công ty TNHH MTV Vạn Tường thực hiện, vi phạm Luật Đấu thầu.

Tương tự, tại Dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì theo hình thức BOT,Bộ Giao thông Vận tải đã chọn nhà đầu tư là Liên danh Cienco 1 - Thái Sơn - Yên Khánh với tổng vốn đầu tư 1.745 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P là thành viên liên danh không đủ năng lực về tài chính và kinh nghiệm...

Tại gói thầu số 6 thuộc Dự án kéo dài và nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Pleiku, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P không trực tiếp thi công nhưng vẫn được nhà thầu chính nghiệm thu, thanh toán khối lượng công việc hoàn thành.

Công ty này đã thanh toán không đúng giá trị khối lượng cho các nhà thầu thứ cấp số tiền 13,7 tỷ đồng, có dấu hiệu không minh bạch, không hoạch toán đủ doanh thu 120 tỷ đồng theo hợp đồng thi công, dẫn đến thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp 3,4 tỷ đồng.

Việc làm này của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P và các đơn vị liên quan bị Thanh tra Chính phủ cho rằng đã có dấu hiệu trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, vi phạm các quy định của Luật Đấu thầu, Luật Quản lý thuế.

Dự án nút giao Long Biên, Công ty Thái Sơn đã chuyển nhượng sai quy định 4 gói thầu.

Tại Dự án Nút giao trung tâm quận Long Biên do Công ty cổ phần Him Lam làm nhà đầu tư theo hình thức BT với tổng mức đầu tư 2.847 tỷ đồng, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P được chỉ định thầu thi công 4 gói thầu. Sau đó, Công ty này đã chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc cho các nhà thầu phụ khác không đúng quy định.

Tại các gói thầu "Xây dựng cầu Cẩm Hải" thuộc dự án đường cao tốc Cẩm Hải - Vân Đồn trị giá 464 tỷ đồng; "Xây dựng cầu Sông Chanh" thuộc dự án đường nối thành phố Hạ Long với cầu Bạch Đằng trị giá 897 tỷ đồng cũng có sai phạm. Dự án được đấu thầu rộng rãi, tuy nhiên Công ty Thái Sơn Bộ Q.P và một số nhà thầu liên doanh trúng thầu. Sau khi trúng thầu, Công ty này không tổ chức thi công mà chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc cho Cienco1...

Từ những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Điều tra của Bộ Công an đề nghị điều tra việc giả mạo hồ sơ, tài liệu như: Báo cáo tài chính, hồ sơ kê khai về máy móc thiết bị, nhân công, kinh nghiệm, hóa đơn giá trị gia tăng... không đúng thực tế để tham gia dự thầu tại các dự án mà Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã trúng thầu với vai trò là nhà đầu tư và nhà thầu xây lắp.

Thứ hai, Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ chuyển nhượng thầu sai quy định tại các dự án được chọn, trúng thầu, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư dự án, trong đó, có dấu hiệu thanh toán khống khối lượng tại gói thầu số 6 thuộc Dự án kéo dài và nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Pleiku...

Về việc ưu ái, chỉ định thầu và thẩm định cho Công ty Thái Sơn Bộ Q.P trúng thầu một số dự án giao thông, ngày 16/4, đại diện Bộ Giao thông từ chối trả lời và cho biết Thanh tra của Bộ sẽ là đầu mối tiếp nhận các kết luận từ Thanh Tra Chính phủ rồi tổng hợp. Trong khi đó, lãnh đạo Thanh tra Bộ Giao thông cho hay sẽ kiểm tra xem đã nhận được kết luận của Thanh tra Chính phủ hay chưa để báo cáo xử lý cụ thể.

Tháng 11/2018, tại phiên xét xử phúc thẩm, TAND quân sự Trung ương khẳng định bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út "Trọc", cựu thượng tá quân đội, cựu phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) đã phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan tổ chức... Ông Hệ bị phạt tổng cộng 12 năm tù.

Ngày 31/1/2019, Út "Trọc" tiếp tục bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01, Bộ Công an) khởi tố về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, theo điều 358 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo VNE

Các tin cũ hơn