Để một thương hiệu Việt phát triển đòi hỏi sự vận hành đồng bộ nhiều yếu tố, như tiếp thị, sản xuất, chất lượng và quan trọng nhất là hệ thống phân phối. Mà siêu thị chính là kênh phân phối quan trọng để đưa hàng Việt tiếp cận nhanh nhất đến khách hàng.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các siêu thị thuộc sở hữu nước ngoài, như Thái, Nhật, Hàn đang vây tứ phía khiến hàng Việt có nguy cơ biến mất trên các kệ hàng siêu thị nằm trên đất Việt.
Điều này luôn có khá năng xảy ra, mà thực tế đã diễn ra vì các ông chủ ngoại tận dụng các các hiệp định thương mại tự do trên đất Việt để đưa hàng hóa ngoại vào bán tại hệ thống siêu thị.
Chưa kể, sử dụng trò tiểu xảo như tăng chiết khấu, định mức bán hàng và nhiều rào cản kỹ thuật khác để loại bỏ hàng Việt. Ngoài ra, người Việt có xu hướng thích hàng ngoại, mà nếu giá rẻ càng gây sức ép cho hàng Việt .
Như vậy, để có chỗ đứng trên kệ siêu thị của các ông chủ ngoại, hoặc những sản phẩm doanh nghiệp Việt phải có chất lượng, thương hiệu và doanh thu bán tốt trên thị trường buộc họ phải cần, chứ đừng trông mong vào sự ban ơn.
Các đối tác ngành hàng may mặc của BigC Việt Nam căng băng rôn phản đối quyết định tạm ngưng mua hàng của tập đoàn Thái Lan. Ảnh: FB Vũ Kim Hạnh
Điều đáng mừng là trên thị trường bán lẻ, các siêu thị Việt Nam đang cạnh tranh một cách sòng phẳng với các ông chủ ngoại, thậm chí thâu tóm luôn đối thủ ngoại. Những cái tên như Saigon Co.op hay Vinmart luôn biết cách chơi trên thị trường nên các đại gia nước ngoài phải dè chừng.
Mới đây nhất, không thể chịu nổi nhiệt cạnh tranh và không tìm ra được mô hình chuẩn trên thị trường Việt Nam, tên tuổi siêu thị lớn ờ châu Âu là Auchan phải tuyên bố đóng cửa và bán lại hệ thống. Người mua chính là Saigon Co.op, một thương hiệu đã ăn sâu vào tiềm thức và là đơn vị đầu tiên mở mô hình siêu thị tại Việt Nam.
Sở hữu sức mạnh tài chính, khả năng thấu hiểu thị trường, Saigon Co.op luôn có những bước đi đột phá, và đối đầu một cách tự tin với các ông chủ ngoại nhiều tiềm lực và kinh nghiệm. Tuy nhiên, không chủ quan, Saigon Co.op không chỉ ứng dụng nhiều công nghệ khác biệt để dẫn dắt thị trường, mà còn bắt tay hợp tác với các đối tác ngoại để xây dựng các đại siêu thị, nắm bắt nhanh các xu hướng thời đại để thu hút khách hàng.
Trong khi đó, bằng các bước đi nhanh chóng, Vinmart liên tục gia tăng độ phủ trên thị trường cả nước, thậm chí thực hiện thương vụ mua bán và sáp nhập để mở rộng hệ thống phân phối.
Đơn vị này cũng đang thực hiện các chiến lược sáng tạo về công nghệ, mô hình nhằm thu hút để gia tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng, thu hút khách đến và trở lại qua đó hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các nhãn hàng tại hệ thống của mình.
Theo giới phân tích, nếu kênh bán lẻ nội địa mà mất, thì sản xuất lớn trong nước cũng sẽ bị thua, vì khó vào được kênh ngoại để bán. Do đó, nếu hệ thống siêu thị Việt lớn mạnh, người được lợi đầu tiên chính là các doanh nghiệp Việt Nam, có một hệ thống phân phối cùng đồng hành xây dựng thương hiệu, đưa hàng Việt đến tay người Việt.
Theo PLO