Trung Quốc vẫn đang đứng vững trong khủng hoảng thiếu thịt lợn

Thứ sáu, 23/08/2019, 11:10
Người tiêu dùng Trung Quốc và các công ty kinh doanh hàng hóa tiêu dùng cho đến nay đã chấp nhận được cú sốc tăng giá của thịt lợn, trong nhiều trường hợp, họ thay thế bằng nguồn protein khác.

Tại một khu chợ ẩm ướt ở quận Hongqiao ở thành phố Thượng Hải một buổi sáng ngày thứ Bảy, các quầy kinh doanh thịt đông đúc người bán người mua. Người ta bán cả thịt gia cầm, thịt bò và thịt cừu, thế nhưng phần đông người kinh doanh bán thịt lợn. Một tài xế taxi nói: “Thịt lợn không thể thiếu trong bữa ăn của các gia đình người Trung Quốc”.

Thịt lợn là loại thực phẩm được người Trung Quốc rất ưa dùng. Trung Quốc hiện đang giữ vị trí nước sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, lượng thịt lợn tiêu thụ bình quân đầu người đã tăng gấp đôi từ năm 1990, nó cho thấy sức ảnh hưởng của người tiêu dùng Trung Quốc ngày một lớn.

Thu nhập bình quân các hộ gia đình tăng cũng như nền kinh tế công nghiệp nội địa quy mô lớn đã khiến cho thịt xuất hiện nhiều hơn trong các bữa ăn của hàng trăm triệu người Trung Quốc, họ đã vốn quen với nguồn cung thịt lợn dồi dào và sẵn có.

Trong 12 tháng qua, giá thịt lợn đã tăng 30% - hậu quả từ sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi, một loại virus dễ lây nhiễm và gây tử vong ở lợn và bắt đầu lây lan vào Trung Quốc từ tháng 8/2018. Hàng triệu con lợn đã bị tiêu hủy, ngân hàng chuyên nghiên cứu về nông nghiệp toàn cầu Rabobank dự báo rằng đến cuối năm 2019, quy mô đàn lợn của Trung Quốc có thể giảm khoảng nửa.

Trước đây, thịt lợn nhập khẩu chỉ chiếm chưa đầy 3% tiêu thụ của Trung Quốc thì nay đang tăng nhanh chóng để bù lại cho sự thiếu hụt trong nước.

Chiến tranh thương mại diễn ra ở thời điểm không thuận lợi với Trung Quốc. Đối mặt với nhiều biện pháp tăng thuế từ Mỹ, phía Bắc Kinh đã phản đòn, Bắc Kinh thông báo ngừng nhập khẩu mọi sản phẩm nông sản của Mỹ, và như vậy cắt đứt mối quan hệ với nhà cung cấp lớn nhất của nước này.

Chính phủ Trung Quốc cũng đang đối diện với nhiều thách thức, từ chính cuộc biểu tình kéo dài liên miên ở Hồng Kông hay các vấn đề liên quan đến người Hồi giáo. Ngoài ra phải kể đến giá thực phẩm cao hơn, yếu tố vốn hay tạo ra bất ổn, sẽ có thể làm cho mọi chuyện tồi tệ hơn nữa.

Tuy nhiên dù rằng kinh tế Trung Quốc đang đối diện với nhiều áp lực từ chiến tranh thương mại, trong thực phẩm Trung Quốc đang có thế mạnh quan trọng, kết quả tất yếu từ việc Trung Quốc tích cực tìm kiếm nguồn thay thế, đồng thời nhờ tác động từ chiến dịch khơi dậy lòng yêu nước, nhờ vậy người tiêu dùng và nhà nhập khẩu có thể ứng phó với tác động từ lạm phát.

Lĩnh vực nông nghiệp của Mỹ, vốn chịu tác động bởi thời tiết xấu và các biện pháp thuế quan, giờ đây đang chuẩn bị đón nhận nhiều tin xấu khác khi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khởi động chiến dịch tái tranh cử trước thềm cuộc bầu cử năm 2020.

Những người chăn nuôi lợn và trồng đậu tương tại Mỹ đang hoài nghi về tuyên bố của Tổng thống Mỹ về việc: “Chiến tranh thương mại càng kéo dài, Trung Quốc yếu đi còn chúng ta ngày một mạnh lên”.

Chuyên gia an ninh thực phẩm tại viện nghiên cứu quốc tế Stockholm, ông Jiayi Zhou, nhận xét: “Ý tưởng này được đưa ra bởi Trung Quốc có dân số lớn và nhu cầu thực phẩm cao, chính vì vậy Trung Quốc dễ chịu tác động, thế nhưng cuối cùng trong chiến tranh thương mại, điều ngược lại đã xảy ra”.

Người tiêu dùng Trung Quốc và các công ty kinh doanh hàng hóa tiêu dùng cho đến nay đã chấp nhận được cú sốc tăng giá của thịt lợn, trong nhiều trường hợp, họ thay thế bằng nguồn protein khác.

Theo BizLive

Các tin cũ hơn