Ngày 26/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã hạ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua, giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang sau những đòn thuế qua lại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo đó, tại thị trường châu Á, đồng NDT được giao dịch ở mức 7,1487 NDT đổi được 1 USD, đánh dấu mức thấp nhất kể từ đầu năm 2008.
Những con số này cho thấy, thương chiến Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù tổng thống Mỹ Donald Trump đã kéo dài thời hạn áp thuế lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc đến 15/12/2019.
Giới chuyên gia nhận định, việc Trung Quốc hạ giá NDT xuống mức thấp nhất trong thập niên gần đây khiến Mỹ liệt quốc gia này vào danh sách thao túng tiền tệ, tạo ra cú sốc với thị trường tài chính thế giới.
3 kịch bản tiền tệ có thể xảy ra giữa "tâm bão" của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. (Ảnh minh họa) |
TS. Nguyễn Trí Hiếu dự báo, nếu tình hình này tiếp tục kéo dài thì rất có thể một cuộc chiến tranh tiền tệ sẽ “nổ” ra với 3 kịch bản.
Kịch bản thứ 1, được nhiều người mong đợi nhất nhưng có lẽ cũng khó xảy ra nhất đó là Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm cách hóa giải cuộc chiến tranh mậu dịch này. Mới đây, khi dự Hội nghị G7 tại Pháp, Tổng thống Trump đã để ngỏ dấu hiệu là có thể sẽ nối lại đàm phán thương mại với Trung Quốc…
Nếu 2 bên tìm được tiếng nói chung thì sẽ dừng lại việc tăng thuế nhập khẩu. Đây là kịch bản tốt nhất nhưng xác suất xảy ra lại thấp nhất.
Kịch bản thứ 2, mà chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đưa ra là kịch bản xấu nhất và có khả năng xảy ra cao nhất đó là hai cường quốc kinh tế lớn nhất nhì thế giới tiếp tục có những miếng đòn đáp trả nhau. Thực tế này đã xảy ra ngay sau khi Trung Quốc thông báo áp thuế 5% và 10% đối với 75 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ tăng thuế đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ông Trump cho biết, Nhà Trắng sẽ nâng mức thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 25% lên 30% bắt đầu từ ngày 1/10 và nâng thuế từ 10% lên 15% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bắt đầu từ 1/9.
Theo ông Hiếu, đây là kịch bản “xấu”, nó sẽ khiến cả 2 nền kinh tế lâm vào khủng hoảng trầm trọng hơn. Điều đó đã thể hiện rõ ở phía Trung Quốc khi tăng trưởng GDP sụt giảm, nếu hàng hóa của Trung Quốc không bán được thì sẽ có một làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi Trung Quốc. Trong kịch bản này Mỹ cũng không phải là bên chiến thắng mà sẽ phải hứng chịu thiệt hại ở một mức độ nào đó.
Hiện nay, những người nông dân nước Mỹ đã kêu gọi Chính phủ chấm dứt ngay cuộc thương chiến này, bởi nó khiến hàng hóa, nông sản của Mỹ không thể xuất khẩu sang Trung Quốc như trước vì Trung Quốc đã và đang áp thuế hàng nhập khẩu của Mỹ ở mức cao.
Kịch bản thứ 3, mà TS.Nguyễn Trí Hiếu đưa ra là 2 nước Mỹ-Trung vẫn duy trì tình hình như hiện tại và không đi đến tiến triển nào từ nay đến cuối năm…
Nếu phải đối mặt với một trong những tình huống xấu như thế, các nước có thể sẽ hạ lãi suất xuống để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã cắt giảm lãi suất và có thể họ sẽ cắt giảm thêm một lần nữa. Hiện tại đơn vị này đang bị áp lực rất lớn từ Chính phủ Mỹ trong việc giảm lãi suất.
“Trong trường hợp Mỹ giảm lãi suất thì nhiều nước cũng sẽ giảm lãi suất, từ đó đẩy giá trị của đồng bản tệ của họ xuống thấp hơn. Điều này hỗ trợ cho phát triển kinh tế, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn. Tuy nhiên, nếu các quốc gia tiếp tục giảm lãi suất và tiếp tục đẩy giá trị đồng bản tệ xuống thì động thái này có thể sẽ khơi mào cho một cuộc chiến tranh tiền tệ. Trong một cuộc chiến như vậy thì không có ai là người thắng cuộc. Những nước yếu hơn Mỹ là những nước chịu thiệt hại nhiều hơn”, TS. Hiếu phân tích.
Ông Hiếu quan ngại, với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc, họ đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực, hàng hóa xuất khẩu sang nước này đã chậm lại rất nhiều, số lượng giảm tới 90% so với trước. Nguyên nhân do Trung Quốc dựng nên những hàng rào kỹ thuật để ngăn cản hàng xuất xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc.
“Để khắc phục những khó khăn hiện hữu, thay vì cạnh tranh bằng giá cả thì các doanh nghiệp Việt nên cạnh tranh bằng chất lượng. Tức chất lượng hàng hóa phải được cải thiện, đáp ứng được tiêu chí mà các quốc gia nhập khẩu đòi hỏi. Cùng với đó, phải tìm những thị trường xuất khẩu khác thay thế cho thị trường Trung Quốc. Về phía cơ quan điều hành, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét việc có nên hạ giá trị của VND so với USD, so với NDT không.
Bởi nếu phá giá sẽ có nhiều điểm bất lợi cho nền kinh tế vĩ mô, chẳng hạn như tăng lạm phát, tăng nợ công khi tính ra VND nhưng nó lại hỗ trợ nhiều cho xuất khẩu, mà nền kinh tế Việt Nam lại phụ thuốc rất nhiều vào xuất khẩu. Nếu xuất khẩu bị ảnh hưởng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế vĩ mô. Do đó, về phía Chính phủ, NHNN và doanh nghiệp cần có biện pháp cụ thể, phù hợp, thích ứng với điều kiện hiện tại trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu", TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu ý kiến.
Theo VOV