Các phó tổng giám đốc MobiFone ký khống, hợp thức hóa thủ tục mua cổ phần AVG

Thứ ba, 27/08/2019, 11:43
Các phó tổng giám đốc MobiFone vừa bị bắt được xác định có hành vi ký khống văn bản nhằm hợp thức hóa các thủ tục chuyển nhượng cổ phần AVG, có vai trò đồng phạm trong vụ án.

Đến nay, Bộ Công an đã khởi tố 14 bị can liên quan đến vụ MobiFone mua AVG

Mở rộng điều tra vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với 5 lãnh đạo MobiFone, gồm: ông Nguyễn Đăng Nguyên, phụ trách chức danh Tổng giám đốc MobiFone (trước đây là Phó tổng giám đốc trong giai đoạn MobiFone mua AVG); các phó tổng giám đốc: Nguyễn Bảo Long, Hồ Tuấn, Nguyễn Mạnh Hùng; và bà Phan Thị Hoa Mai, thành viên Hội đồng thành viên MobiFone.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, cả 5 bị can này đều bị khởi tố về tội vi phạm quy định của nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, gây hậu quả nghiêm trọng (theo điều 220 bộ luật Hình sự 2015), với vai trò đồng phạm.

Sai phạm nghiêm trọng

Kết luận của Đảng ủy Khối doanh nghiệp T.Ư cách đây hơn 1 năm, sau khi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự MobiFone mua AVG, đã chỉ rõ sai phạm của những cá nhân nêu trên là nghiêm trọng và đã ra các quyết định thi hành kỷ luật từ cảnh cáo đến khiển trách.

Cụ thể, ông Nguyên phải chịu trách nhiệm chính trong việc trực tiếp ký Quyển dự án đầu tư dịch vụ truyền hình; tham gia, trực tiếp đàm phán và chỉ đạo đàm phán với các cổ đông AVG; không thực hiện nhiệm vụ được giao tại văn bản 4463/Mobifone ngày 19.8.2015 của Tổng giám đốc; ký khống biên bản họp Ban Tổng giám đốc để thống nhất trình Hội đồng thành viên (HĐTV) dự thảo thoả thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG; thiếu chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền về những khuyết điểm, sai phạm trong quá trình lập dự án.

Do các sai phạm nêu trên, ông Nguyễn Đăng Nguyên bị Đảng uỷ Khối doanh nghiệp T.Ư thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Cũng theo quyết định của Đảng uỷ Khối doanh nghiệp T.Ư, ông Nguyễn Bảo Long, Ủy viên Ban thường vụ Đảng uỷ, Phó tổng giám đốc MobiFone; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban thường vụ Đảng uỷ, Phó tổng giám đốc MobiFone, đều được xác định có vi phạm nghiêm trọng và phải thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Theo đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng phải chịu trách chính trong việc trực tiếp ký các báo cáo tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp AVG của Cty AMAX, Quyển dự án đầu tư dịch vụ truyền hình; trực tiếp đàm phán và chỉ đạo đàm phán với các cổ đông AVG; thiếu trách nhiệm trong việc tham mưu cho Bộ TT-TT và Mobifone sử dụng kết quả thẩm định giá của Công ty AMAX; không kiểm tra tư cách pháp nhân của AVG, tính pháp lý của các cổ đông và cổ phần AVG; ký khống biên bản họp Ban Tổng giám đốc để thống nhất trình HĐTV dự thảo thoả thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG.

Ông Nguyễn Bảo Long trực tiếp ký Quyển dự án đầu tư dịch vụ truyền hình; trực tiếp đàm phán và chỉ đạo đàm phán với các cổ đông AVG; ký khống biên bản họp Ban Tổng giám đốc để thống nhất trình HĐTV dự thảo thoả thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG.

Một phó tổng giám đốc MobiFone thời điểm đó cũng đã bị Đảng uỷ Khối doanh nghiệp T.Ư ra quyết định kỷ luật cảnh cáo là bà Phạm Thị Phương Anh, Uỷ viên Ban thường vụ Đảng uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ MobiFone. Bà Phương Anh đã bị bắt tạm giam hồi tháng 11 năm ngoái.

Cho đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 14 bị can để điều tra về các tội danh: vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; nhận hối lộ; đưa hối lộ.
Trong số này, có 8 bị can là lãnh đạo MobiFone tại thời kỳ mua cổ phần AVG, gồm Ban Tổng giám đốc và Hội đồng thành viên.

Dựng kịch bản để "đốt tiền" nhà nước

Cơ quan chức năng xác định vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG rất phức tạp có sự cấu kết của nhiều lãnh đạo tại nhiều cơ quan, đơn vị nhà nước. Các bị can đầu vụ phía MobiFone là Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch HĐTV MobiFone; phía Bộ Thông tin- Truyền thông có 2 cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn.
Hiện, các bị can trên đều bị khởi tố bắt tạm giam về các hành vi: vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; và nhận hối lộ.
Cuối năm 2015, MobiFone (doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước), đã ký hợp đồng với các cổ đông Công ty CP nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG với tổng giá trị khoảng 8.889 tỉ đồng. Trong vòng 22 ngày sau đó, MobiFone đã thanh toán khoản tiền gần 8.445 tỉ đồng cho AVG.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng sau đó đã chỉ rõ, đây là một thương vụ "đốt tiền" nhà nước. Cụ thể, thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh của AVG từ khi thành lập đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để mua bán cổ phần là rất khó khăn, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cuối tháng 3.2015 là rất xấu, tổng tài sản hơn 3.260 tỉ đồng; nợ phải trả hơn 1.266 tỉ đồng; giá trị còn lại của tài sản cố định khoảng 208,5 tỉ đồng.
Từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá, AVG liên tục lỗ với khoản lỗ lũy kế đến 31.3.2015 là hơn 1.632 tỉ đồng (bằng 45% vốn điều lệ). AVG sử dụng vốn cho kinh doanh dịch vụ truyền hình chủ yếu là vốn vay và vốn chiếm dụng; vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, chiếm 73,3% vốn điều lệ.
Đáng chú ý, trong thương vụ này, MobiFone đã chọn kết quả thẩm định giá để mua bán cổ phần từ Công ty tư vấn định giá tài sản AMAX. Theo đó, AMAX định giá AVG 16.565 tỉ đồng. Tuy nhiên, kết luận của Thanh Tra Chính phủ cho biết AMAX đã sử dụng số liệu đầu vào bất hợp pháp, không có cơ sở để tính "giá trị tài sản vô hình ngoài Bảng cân đối kế toán",…
Trong khi đó, khi đàm phán giá mua cổ phần, Mobifone sử dụng kết quả thẩm định giá do AMAX xác định giá trị AVG là 16.565 tỉ đồng để đàm phám giá mua cổ phần, mà không trừ các khoản nợ phải trả 1.134 tỉ đồng, riêng việc làm này gây thiệt hại 1.134 tỉ đồng. AMAX đã sử dụng số liệu đầu vào không có cơ sở để xác định "giá trị tài sản vô hình ngoài bảng cân đối kế toán là 13.448 tỉ đồng".
Kết quả là sau khi loại trừ giá trị tài sản vô hình 13.448 tỉ đồng và loại trừ nợ phải trả 1.134 tỉ đồng, giá trị vốn chủ sở hữu của AVG tại thời điểm 31.3.2015 chỉ là 1.983 tỉ đồng (chưa tính đến việc định giá lại giá trị thực của các khoản AVG đã đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp)…
Theo Thanh tra Chính phủ, việc mua bán cổ phần này đã gây ra nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của nhà nước tại MobiFone khoảng 7.006 tỉ đồng, trong đó có khoản thiệt hại 1.134 tỉ đồng do mua nợ phải trả của AVG.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ và nhiều tài liệu do PV thu thập được cho thấy, thương vụ mua bán cổ phần thực chất là một “kịch bản”“đạo diễn”, “diễn viên” đều là những người có trách nhiệm tại Bộ Thông tin - Truyền thông, MobiFone, AVG, và một số đơn vị liên quan.
Trước khi thương vụ MobiFone mua AVG diễn ra, từ tháng 10.2014, AVG có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, lúc đó là ông Nguyễn Bắc Son, về việc doanh nghiệp này chuyển nhượng cổ phần cho đối tác nước ngoài. Trong đó, có nội dung đi tới thống nhất đối tác nước ngoài sẽ mua cổ phần AVG để trở thành cổ đông chiến lược, giá mua bằng 7 lần giá vốn, tức vào khoảng 525 triệu USD, tương đương 75% cổ phần. AVG đã nhận đặt cọc 10 triệu USD.
Từ công văn này, lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông khi đó đã ra chủ trương mua lại cổ phần AVG nhằm đảm bảo an ninh chính trị. Tuy nhiên, theo yêu cầu của cơ quan chức năng, cả AVG và Bộ TT-TT đã không cung cấp được bất cứ tài liệu, chứng từ nào về việc AVG đàm phán với đối tác nước ngoài, cũng như nhận khoản đặt cọc 10 triệu USD.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích