|
Bộ Giao thông Vận tải mới đây đã có đề nghị phê duyệt Đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản và kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý gửi Chính phủ, trong đó đề nghị nghiên cứu xem xét lộ trình mua lại phần vốn do các cổ đông ngoài Nhà nước nắm giữ tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã ACV). Theo đó, ACV sẽ trở thành doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, để đảm bảo cao nhất về an ninh, quốc phòng cho hoạt động hàng không.
Mặc dù phương án trước đó đưa ra là Nhà nước dự kiến nắm giữ là 1,68 tỷ cổ phần (75% vốn), bán cho nhà đầu tư chiến lược 448,62 triệu cổ phần (20% vốn), bán đấu giá công khai 77,8 triệu cổ phần (3,47% vốn), còn lại bán cho người lao động và tổ chức công đoàn của ACV. Tuy nhiên, với đề xuất mới nhất, Bộ Giao thông sẽ phải đàm phán với các quỹ ngoại để mua lại cổ phần.
Theo thống kê của BizLIVE, hiện nhiều quỹ ngoại đang sở hữu cổ phiếu ACV, họ thậm chí còn là cổ đông của doanh nghiệp này từ thời điểm năm 2015 khi ACV tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).
Cụ thể, đến cuối tháng 7/2019, VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lý nắm giữ 8,5% ACV trong danh mục (danh mục 930 triệu USD), tương đương 79 triệu USD cổ phiếu ACV (khoảng 22,36 triệu cổ phiếu).
Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ lớn nhất do Dragon Capital quản lý với danh mục 1,4 tỷ USD. Vào cuối tháng 6, ACV là cổ phiếu lớn thứ 10 trong danh mục với tỷ trọng 3,2%, tương ứng 46 triệu USD (khoảng 11,2 triệu cổ phiếu ACV).
Asset Plus Vietnam Growth Fund (Thái Lan) hiện tại nắm giữ 292.800 cổ phiếu ACV, tương ứng tỷ trọng 1,54% danh mục quỹ (danh mục 83 triệu USD và là quỹ Thái Lan lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam lúc này).
LionGlobal Vietnam Fund (Singapore) danh mục 108 triệu USD. Tỷ trọng ACV 4,6%, tương ứng 5 triệu USD (khoảng 1,41 triệu cổ phiếu ACV).
VOF và VEIL là 2 quỹ đã tham gia đợt IPO của ACV với giá bình quân 14.344 đồng/cổ phiếu, so với mức giá thời điểm hiện tại, 2 quỹ ngoại đã “đút túi” khoản lợi nhuận không hề nhỏ.
Trong chia sẻ mới đây với BizLIVE, ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho biết, lý do mua lại cổ phần ACV vì vấn đề an ninh quốc phòng hay việc dễ điều hành là chưa thực sực thuyết phục bởi kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy rằng quản lý các cảng hàng không không nhất thiết phải là cơ quan Nhà nước.
Bên cạnh đó, trong tiến trình cổ phần hoá ACV hiện nay đang chậm, đúng ra phải quy trách nhiệm cho Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản của ACV thực hiện cổ phần hoá không thành công. Do vậy, đề xuất mua lại cổ phần của ACV hoàn toàn đi ngược chủ trương chung về thực hiện cổ phần hoá của Chính phủ.
Hoạt động của ACV nếu quay trở lại thành một Tổng công ty thuộc Bộ GTVT thì thậm chí, nó còn đi ngược lại chủ trương chung của Chính phủ là giảm đến mức thấp nhất việc Bộ chủ quản doanh nghiệp…
Ông Ánh thậm chí đặt vấn đề, đối với vụ việc ACV cần mạnh dạn cổ phần hoá hơn nữa và tiến tới mô hình không có phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đó.
Theo BizLive