Kinh tế Trung Quốc suy giảm tồi tệ hơn nhiều so với các con số công bố?

Thứ hai, 09/09/2019, 16:32
Vài tháng trước đó, hình ảnh từ vệ tinh theo dõi các khu công nghiệp Trung Quốc cho thấy rằng phần lớn các khu vực thuộc nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới này đang suy giảm.

Ảnh: Reuters

Quý 2/2019, số liệu chính thức từ Trung Quốc cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,2%, gần với tốc độ tăng trưởng mục tiêu của Bắc Kinh và gần với ngưỡng mà Trung Quốc công bố trong suốt các quý của 4 năm rưỡi vừa qua.

Vài tháng trước đó, hình ảnh từ vệ tinh theo dõi các khu công nghiệp Trung Quốc cho thấy rằng phần lớn các khu vực thuộc nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới này đang suy giảm. Chỉ số sản xuất công nghiệp Trung Quốc, chỉ số theo dõi các nhà sản xuất công nghiệp lớn, cho thấy sự suy giảm tồi tệ hơn so với các con số chính thức được công bố.

Ngoài ra chỉ số về các hoạt động tìm kiếm trên mạng cho thấy số lượng bao nhiêu công nhân trở lại công việc của họ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán giảm đáng kể so với năm trước đó.

Đằng sau những con số chính thức công bố bởi Bắc Kinh, ngày một nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư trên khắp thế giới tin rằng tình hình kinh tế thực tồi tệ hơn các con số công bố. Các chuyên gia phân tích và các nhà nghiên cứu tìm kiếm các số liệu khác, từ tiêu thụ năng lượng cho đến các bức ảnh chụp từ vệ tinh, để có thể có được thông tin chính xác hơn.

Kết luận chung: Kinh tế Trung Quốc đang không sụp đổ, thế nhưng rõ ràng yếu hơn rất nhiều so với các con số công bố. Một số chuyên gia kinh tế thậm chí còn cho rằng tỷ lệ tăng trưởng GDP thực của Trung Quốc thấp hơn công bố đến 3%, dựa trên phân tích của họ về lợi nhuận doanh nghiệp, doanh thu thuế, khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường tàu, doanh số bán bất động sản cũng như nhiều chỉ số khác mà họ tin chính phủ khó làm giả được.

Tổng GDP Trung Quốc đạt 13 nghìn tỷ USD vào năm ngoái, GDP Trung Quốc vẫn tăng trưởng, số liệu thực tế cũng cho thấy điều đó. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đang giảm đi trong nhiều lĩnh vực như xây dựng. Trong nhiều trường hợp, các chỉ số thay thế lại phát đi tín hiệu rõ ràng về hướng tăng trưởng cũng như thách thức thực sự mà giới chức Trung Quốc đang đối mặt.

CEO của China Beige Book, ông Leland Miller,  nhận xét: “Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đang chịu tác động nặng nề. Đầu tư đi xuống, hoạt động tuyển dụng chịu tác động nặng nề, số lượng đơn hàng sụt giảm”.

Trong ngày thứ Sáu, Trung Quốc công bố bơm thêm hàng tỷ USD qua các ngân hàng trong nỗ lực khôi phục niềm tin kinh doanh trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc vẫn tiếp diễn. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng, nhờ vậy các ngân hàng cho vay có thêm tiền cho các dự án.

Theo BizLive

Các tin cũ hơn