|
Cần giảm giá tiền đồng
Trong tháng vừa qua, sự mất giá mạnh của đồng nhân dân tệ so với đồng USD đã khiến một loạt các đồng nội tệ châu Á giảm theo bao gồm đồng won của Hàn Quốc, đồng rupiah của Indonesia, dollar Singapore và ringgit của Malaysia.
Tuy nhiên, tiền đồng lại không chịu nhiều tác động từ sự mất giá của đồng nhân dân tệ.
Theo đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước muốn làm suy yếu tiền đồng để thu hẹp khoảng cách với các đồng nội tệ khác trong khu vực bằng cách điều chỉnh tỷ giá trung tâm nhưng tiền đồng chỉ giảm giá 0,1% so với USD kể từ đầu năm trong khi tỷ giá trung tâm tăng 1,4%.
Theo đánh giá của khối phân tích tại CTCK VNDirect, thì điều này phản ánh hai xu hướng chính là dòng vốn FDI tăng liên tục và thặng dư thương mại khá ổn định nhờ sự dịch chuyển thương mại và đầu tư trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
VNDirect cho rằng sự leo thang hơn nữa của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ gia tăng áp lực lên đồng nhân dân tệ, do đó Ngân hàng Nhà nước sẽ cần nỗ lực nhiều hơn để làm giảm giá tiền đồng vì đồng nội tệ mạnh có thể làm mất khả năng cạnh tranh xuất khẩu trong giai đoạn hiện nay.
Khả năng mới mở ra
Cũng theo nhìn nhận của khối phân tích nói trên, dẫu vậy, rủi ro bị Mỹ liệt vào danh sách thao túng tiền tệ khiến khả năng Ngân hàng Nhà nước can thiệp vào thị trường tiền tệ bằng cách tăng dự trữ ngoại hối trở nên hạn chế.
Tuy nhiên, trong một thông tin liên quan, theo Tổng cục Thống kê, GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2010-2017 có thể tăng thêm 25,4% mỗi năm sau khi đánh giá lại GDP hàng kỳ và chi tiết cụ thể sẽ được công bố trong tháng này.
Điều này có thể dẫn đến những thay đổi trong các chỉ số khác liên quan đến GDP như nợ công so với GDP, thâm hụt ngân sách so với GDP, tín dụng so với GDP...
Mặc dù sự thay đổi trong cách tính toán GDP không thể hiện cho sự thay đổi trong nội tại bức tranh kinh tế vĩ mô nhưng lại có thể giúp Việt Nam giảm rủi ro bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ của Mỹ, theo góc nhìn của khối phân tích VNDirect.
Bởi, một trong những tiêu chí để Mỹ xác định quốc gia khác thao túng tiền tệ là mua ròng ngoại tệ trong năm đạt 2% GDP. Và lượng mua ròng ngoại tệ của Việt Nam hiện đã ở mức 1,7% GDP trong năm 2018.
Do đó, sự điều chỉnh quy mô GDP có thể là một động thái để giảm rủi ro chạm phải tiêu chí trên và giúp Việt Nam mở rộng dư địa để can thiệp tiền tệ và tránh biến động không mong muốn trên thị trường tiền tệ.
Trong ngắn hạn, một số biện pháp đã được thực hiện. Cụ thể, trong hai tuần cuối tháng 8/2019, Ngân hàng Nhà nước đã bơm một lượng lớn tiền đồng (55.112 tỷ đồng/2,3 tỷ USD) thông qua thị trường mở để hạ nhiệt lãi suất liên ngân hàng.
Vào cuối tháng 8/2019, Nhà điều hành cũng cảnh báo sẽ xử phạt các ngân hàng đưa ra mức lãi suất cao đối với tiền gửi bằng VND do những lo ngại về cuộc đua lãi suất có thể gây bất ổn thị trường tiền tệ.
Và mới đây nhất, công cụ lãi suất cũng đã được sử dụng như một lựa chọn để tác động lên tỷ giá khi cơ quan này vừa phát đi thông báo quyết định giảm đồng loạt các lãi suất điều hành.
Cụ thể, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm.
Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước giảm cả lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.
Về cơ bản, lãi suất giảm sẽ khiến sức hấp dẫn của đồng nội tệ giảm, từ đó tác động lên tỷ giá.
Đây cũng là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước sử dụng công cụ này kể từ tháng 7/2017.
Theo BizLive