Các quầy bán bánh trung thu san sát nhau ngay dưới chân một tòa nhà trên đường Phạm Hùng, Hà Nội.
Đây là công việc làm thêm mà chị Hoa, một nhân viên văn phòng không quá bận bịu ở Hà Nội gọi là "làm ba tháng nhưng ăn cả năm". Khi lần đầu bán bánh vào 5 năm trước, chị chỉ dám nhập số lượng nhỏ giọt, tự tay bán online. Tuy nhiên, thấy mức lãi ổn, năm sau, chị quyết nhập số lượng lớn, mở thêm các điểm bán trên nhiều tuyến phố, tuyển cộng tác viên. Sau 5 năm "chinh chiến", tới mùa trung thu năm nay, chị bỏ ra hơn gần 800 triệu đồng vốn và giờ nhẩm tính có thể thu về lãi khoảng 250 triệu đồng.
"Nhập số lượng lớn, tôi lấy được trực tiếp từ nhà sản xuất thì mức chiết khấu cao hơn, sau đó tổ chức điểm bán hoặc phân phối lại cho các mối hàng cấp dưới", chị Hoa nói. Khách mua trực tiếp hàng từ chị Hoa còn có các doanh nghiệp, đơn vị đặt quà biếu, tặng.
Theo chủ các quầy bánh, chính nhờ ngày càng nhiều thương hiệu nên mức chiến khấu cho các đại lý ngày một cạnh tranh. Một số thương hiệu có thể lên tới 50%, thậm chí cao hơn nếu cam kết nhập hàng tỷ đồng. Sau đó, các đại lý lớn cũng chiết khấu cho các đơn vị bán hàng cấp dưới 5-30%, tuỳ mức doanh thu họ cam kết.
Trước đây dân kinh doanh mặt hàng này luôn ngại ế bánh, phải bán đại hạ giá. Tuy nhiên, những năm gần đây, một số thương hiệu lớn còn cho phép đại lý được trả lại hàng nếu qua lễ Trung thu chưa bán hết hoặc đổi sang một sản phẩm khác của nhà sản xuất.
"Thực tế sau trung thu, một số đơn vị treo biển bán đại hạ giá nhưng cũng không mấy nơi bán lỗ, hầu hết là hoà vốn sau khi đã tiêu thụ khoảng 80-90% lượng hàng và lãi lớn", chị Hoa nói.
Không chỉ những đơn vị phân phối, các nhà sản xuất cũng ghi nhận mức doanh thu, lợi nhuận lớn nhờ bánh trung thu. Doanh thu của các doanh nghiệp đang niêm yết có sản xuất mặt hàng này đều tăng trưởng mạnh khoảng 50-70%. Quý III - thời điểm ghi nhận doanh thu từ việc bán bánh trung thu cũng khởi sắc hơn các giai đoạn khác.
Như với Công ty cổ phần Bông Sen, doanh thu của bánh trung thu Brodard luôn chiếm hơn 60% mảng thực phẩm dù chỉ kinh doanh khoảng 3 tháng. Năm 2019, mảng bánh được nhận định sẽ khó khăn thì riêng bánh trung thu vẫn được công ty dự kiến tăng 10% so với 2018.
Tại Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Hà, năm 2018, doanh thu quý III trong mùa có bánh trung thu cũng tăng 50% so với hai quý đầu năm. Năm 2019, bánh trung thu tiếp tục được dự kiến sẽ "vượt kế hoạch" doanh thu khi tăng khoảng 65% so với cùng kỳ và "xác lập một kỷ lục mới".
Kết quả quý III của Công ty cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị cũng cao hơn 100-200 tỷ đồng so với hai quý trước đó. "Thị trường trung thu" tiếp tục được ban lãnh đạo công ty này nhắm tới là "mục tiêu tập trung" của năm 2019.
Tương tự, doanh thu quý III của Công ty cổ phần Bibica cũng liên tục tăng trưởng và đạt những kỷ lục mới nhờ bán bánh trung thu. Năm 2018, số thu về từ mặt hàng này góp phần khiến doanh thu của Bibica tăng 144 tỷ so với quý II, tương đương 67%. Mức tăng trưởng tương đương cũng được ghi nhận trong một năm trước đó, đóng góp hơn một phần ba con số lợi nhuận năm.
Cuộc chiến giữa các thương hiệu bánh trung thu không chỉ dừng trên các con phố với quầy bánh san sát, hay các cửa hàng tạp hóa, siêu thị. Những khách sạn 5 sao, chuỗi nhà hàng, đồ uống, thực phẩm sạch... cũng tham gia vào cuộc đua.
Những đơn vị trước đây chưa từng sản xuất bánh, kẹo như Công ty Yến sào Khánh Hòa, Công ty THHH Quảng Thái (chuyên sản xuất mứt, trà), chuỗi The Coffee House... cũng đã có mặt.
Mảnh đất canh tác mỗi mùa trung thu vẫn còn "màu mỡ" nên người sáng lập chuỗi cửa hàng bánh lớn tại Hà Nội từng nhượng hệ thống và thương hiệu cũng quyết định quay lại thị trường để lập thương hiệu mới. Gần đây, một doanh nghiệp từng bán hết mảng bánh kẹo cho một đối tác khác cũng cho biết sẽ quay trở lại thị trường, trong đó sẽ tập trung mặt hàng bánh trung thu.
Vì thế, việc một nhân viên văn phòng như chị Hoa lơ là công việc chính trong một vài tháng để tập trung cho "vụ bánh trung thu", thu về cả trăm triệu đồng, cũng là dễ hiểu.