TS. Vũ Tiến Lộc: “Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước”
Thứ bảy, 12/10/2019, 09:27
Theo TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, trong bối cảnh hiện nay, sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào kinh tế, trong đó doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ công.
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Theo đề nghị của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội, doanh nghiệp, năm 2004, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm - ngày Bác Hồ gửi thư cho giới công thương - làm Ngày Doanh nhân Việt Nam. PV có cuộc phỏng vấn với TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhân dịp này.
Dấu ấn lớn nhất sau 15 năm của đội ngũ doanh nhân kể từ ngày kể từ ngày cố Thủ tướng Phan Văn Khải ký Quyết định thành lập ngày doanh nhân Việt Nam là gì, thưa ông?
Hành trình 15 năm và xa hơn là hơn 3 thập kỷ qua, kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đội ngũ doanh nhân Việt – “những người lính thời bình” đã có những đóng góp xứng đáng vào công cuộc đưa hàng chục triệu người thoát khỏi đói nghèo, một trong những công cuộc thoát nghèo vĩ đại nhất của thế giới đương đại.
Đến ngày nay, sứ mệnh của đội quân xung kích ấy là xây dựng đất nước mạnh giàu, sánh vai các cường quốc năm châu.
Nếu trước đây, lứa doanh nhân đầu tiên của thời kỳ đổi mới, dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám xông pha đã hoàn thành sứ mệnh của mình, góp phần đưa đất nước thoát nghèo. Thì bây giờ, trọng trách nặng nề hơn đối với doanh nhân ngày nay là đưa đất nước vượt bẫy thu nhập trung bình và trở nên hùng cường.
Trong bối cảnh hiện nay, sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, và trên mặt trận kinh tế thì doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ công. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước.
Mang trên mình sứ mệnh to lớn, nhưng theo ông doanh nghiệp Việt vẫn còn những tồn tại nào là lực cản với bước tiến phát triển?
Sau 1/3 thế kỷ đổi mới, chúng ta đã có một đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đông đảo. Đó không chỉ là trên 700.000 doanh nghiệp theo quan niệm của Luật Doanh nghiệp mà còn bao gồm cả trên 5 triệu hộ kinh doanh (trong đó có 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký).
Xét về bản chất kinh tế, đó là những thực thể kinh doanh trong nền kinh tế - là doanh nghiệp theo quan niệm phổ biến của các nền kinh tế thị trường.
Từ góc nhìn như vậy, chúng ta có thể thấy rằng: Xét về số lượng doanh nghiệp trên bình quân dân số, chúng ta không thua kém các nền kinh tế thị trường khác trong khu vực nhưng về chất lượng chúng ta chưa đạt chuẩn mực trung bình trong tương quan so sánh với ASEAN.
Việt Nam đã có những doanh nhân hàng đầu, những thương hiệu lớn, cạnh tranh ngang ngửa với thế giới, nhưng số đó còn quá ít ỏi.
Chúng ta có những doanh nhân riêng lẻ có sức cạnh tranh cao nhưng chưa có được cả một thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân hùng mạnh và các nhà công nghiệp ngang tầm với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt thiếu tính kết nối với nhau và kết nối vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Kết quả xếp hạng chất lượng quản trị trung bình theo thẻ điểm quản trị của ASEAN của các doanh nghiệp niêm yết, bộ phận doanh nghiệp minh bạch nhất trong nền kinh tế, chúng ta cũng đứng “cuối bảng” trong số 6 nền kinh tế được so sánh trong ASEAN.
Năng lực doanh nghiệp Việt theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng mới chỉ được xếp ở hạng trung bình, công nghệ sử dụng và năng suất lao động chúng ta cũng chưa cao so với các nước trong khu vực.
Vậy theo ông, điều gì đang là cần nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và mỗi doanh nghiệp nói riêng?
Nâng cấp doanh nghiệp đang trở thành yêu cầu bức thiết ở Việt Nam. Các định hướng và nỗ lực của Chương trình quốc gia phát triển doanh nghiệp do vậy không chỉ cần tập trung vào số lượng doanh nghiệp mà quan trọng hơn là phải tập trung vào nâng cao chất lượng của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Chúng ta hy vọng, dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội sẽ thúc đẩy trọng tâm ưu tiên này, sẽ tăng cường quản trị và thúc đẩy hành trình minh bạch hóa và nâng cấp doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh.
Trong định hướng nâng cấp doanh nghiệp, phát triển bền vững và chuyển đổi số là hai đường ray chính. Chiến lược phát triển của doanh nghiệp phải coi phát triển bền vững là nền tảng, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số là động lực.
Nói một cách hình tượng thì với các doanh nghiệp của thời đại mới phải “phát triển bền vững ở trong tim” và “đổi mới, sáng tạo ở trên đầu”.
Doanh nghiệp phải phát triển bền vững, phải quốc tế hóa và số hóa để trở thành công dân có trách nhiệm và tham gia có hiệu quả vào nền kinh tế toàn cầu. Không ai đứng ngoài cuộc cách mạng này, bất kể là doanh nghiệp thuộc quy mô lớn hay vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Doanh nghiệp nhỏ mà kinh doanh bền vững sẽ thành công, doanh nghiệp lớn mà ăn xổi, ở thì sẽ thất bại.
Chương trình quốc gia về chuyển đổi số cho doanh nghiệp, trong đó rất chú trọng các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Vì đó chính là “ngôi sao hy vọng” và là “xương sống” của mỗi nền kinh tế, là chủ thể cho sự nghiệp phát triển sáng tạo, bao trùm, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Nhân dịp này, ông muốn gửi thông điệp gì tới các doanh nhân, doanh nghiệp?
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đại hội có nhiệm vụ xác định tầm nhìn 2045, chiến lược 2030 và kế hoạch phát triển cho thời kỳ 2021-2025, với khát vọng Việt Nam sẽ hoàn thành công nghiệp hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045, đúng tròn 100 năm chúng ta kỷ niệm ngày độc lập…
Từ hành trình “thoát nghèo” tới hành trình “vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình” và trở nên giàu có đòi hỏi những cố gắng, nỗ lực vượt trội về thể chế, về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Muốn “vượt bẫy thu nhập trung bình” phải vượt “bẫy chất lượng thể chế (kinh tế) trung bình”. Doanh nghiệp giữ vai trò động lực trong quá trình này.
Vì vậy, doanh nhân hãy chung tay với Đảng và nhà nước trong những nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cuộc vận động: “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện thể chế, chính sách” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phát động và các hoạt động đối thoại, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là cơ hội quý để doanh nhân hiến kế với Đảng và nhà nước.
Hưởng ứng cuộc vận động này, tôi đề nghị, các hiệp hội doanh nghiệp triển khai phong trào “Mỗi doanh nghiệp, doanh nhân 1 sáng kiến” để góp phần thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Đồng thời các doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cấp mình và chia sẻ, lan tỏa những kinh nghiệm tốt, những điển hình hay để phát triển bền vững và cạnh tranh thắng lợi vì “màu cờ, sắc áo Việt Nam”.
Doanh nghiệp Việt phải phát triển bền vững, phải nhân văn, phải kinh doanh có trách nhiệm, đồng thời phải đổi mới và sáng tạo.