Giới đầu tư và chuyên gia lo lắng khi thỏa thuận Mỹ - Trung Quốc mới chỉ ở “cái bắt tay”
Thứ hai, 14/10/2019, 09:37
Thỏa thuận mà Tổng thống Trump gọi là vĩ đại nhất trong lịch sử có một điểm yếu quan trọng: Nó chưa được viết thành văn bản dù rằng nó đã được bàn đến suốt hơn 1 năm qua.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Tổng thống Mỹ Donald Trump
Những cam kết mà phía Trung Quốc và Mỹ đưa ra nhằm khiến cho người ta hy vọng vào một thỏa thuận toàn diện đã không làm được gì nhiều nhằm làm cho triển vọng tăng trưởng kinh tế của hai nước trở nên tốt đẹp hơn bởi nó được khép lại bằng một thứ mà các chuyên gia kinh tế không tin tưởng: một cái bắt tay.
Trong ngày thứ Sáu, Trung Quốc đồng ý tăng hơn gấp đôi lượng mua nông sản Mỹ lên mức khoảng 50 tỷ USD, điều này giúp Tổng thống Trump có một chiến thắng trong suy nghĩ với cộng đồng người Mỹ tại khu vực nông thôn khi mà cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đang đến gần.
Tối ngày Chủ Nhật, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ghi dòng trạng thái rằng Trung Quốc đã bắt đầu mua nông sản Mỹ, giống như những gì ông từng nói trong ngày thứ Sáu trước đó.
Đáp lại, phía Bắc Kinh tin tưởng vào việc Mỹ sẽ trì hoãn tăng thuế với hàng Trung Quốc, quan chức Nhà Trắng đang lo sợ về kịch bản tăng trưởng chững lại tại nội địa Mỹ.
Tuy nhiên, người ta vẫn còn nhiều điều lo lắng. Tổng thống Trump vẫn còn treo đó dự luật đánh thuế với toàn bộ hàng nhập khẩu Trung Quốc dự kiến sẽ được khởi động từ ngày 15/12/2019, các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng vì vậy sẽ trở nên đắt đỏ hơn.
Trong ngày Chủ Nhật, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói: “Chúng ta có nhiều việc phải làm, thế nhưng tôi tự tin rằng cả hai bên sẽ rất nỗ lực và chúng tôi có thể khép lại được thỏa thuận”.
Giới đầu tư tuy nhiên thận trọng hơn. Dù rằng trong tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm khi mà căng thẳng thương mại kéo dài, thị trường đã để mất thành quả tăng vào chiều ngày thứ Sáu khi mà thực tế phũ phàng hơn họ tưởng.
Thỏa thuận mà Tổng thống Trump gọi là vĩ đại nhất trong lịch sử có một điểm yếu quan trọng: Nó chưa được viết thành văn bản dù rằng nó đã được bàn đến suốt hơn 1 năm qua.
Chính vì vậy, giới chuyên gia kinh tế không khỏi hoài nghi và băn khoăn về ý nghĩa của nó với tăng trưởng của nước Mỹ khi mà cuộc chiến thương mại kéo dài 18 tháng vẫn tiếp diễn.
Chiến lược gia thuộc Morgan Stanley, ông Michael Zezas và Meredith Pickett, nhận xét: “Hiện tại nó chưa phải đường hướng giúp giảm được thuế quan, việc leo thang căng thẳng thuế quan vẫn là rủi ro tồn tại. Chính vì vậy, chúng tôi không tin rằng hoạt động của doanh nghiệp sẽ khác nhiều so với trước đây và nhờ vậy giúp đẩy cao triển vọng tăng trưởng”.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng ANZ, ông Raymond Yeung, nói rằng bất chấp một số bước tiến gần đây, căng thẳng sẽ không sớm hạ nhiệt và rủi ro kinh tế vẫn kéo dài khi mà các cuộc đối thoại diễn biến qua nhiều giai đoạn khác nhau.
Theo phân tích của một số chuyên gia khác thuộc ANZ bao gồm Betty Rui Wang và Zhaopeng Xing, thỏa thuận giai đoạn 1 bao gồm hoạt động mua nông sản, hoãn tăng thuế và tăng điều kiện tiếp cận thị trường. Tuy nhiên vấn đề cốt lõi bao gồm chuyển giao công nghệ và an ninh quốc gia vẫn đối đầu với nhiều thách thức.