|
Đầu tư của Trung Quốc vào nhóm các nền kinh tế phát triển đang giảm sâu khi mà chính phủ nhiều nước châu Âu như Đức hay Pháp tiếp bước Mỹ trong việc “đóng băng” các nhà đầu tư Trung Quốc bởi nỗi lo về an toàn.
Phía Bắc Kinh cũng đang gặp khó trong mục tiêu hiện thực hóa sáng kiến xây dựng hạ tầng “Một vành đai, một con đường”, sáng kiến này vốn đối diện với nhiều chỉ trích bởi nó mang lại bẫy nợ, Trung Quốc buộc phải đánh giá lại chiến lược đầu tư trong thời kỳ chiến tranh thương mại.
Tính chung, đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài giảm 10% trong năm 2018 xuống 143 tỷ USD – mức thấp nhất tính từ năm 2014. Đầu tư trong lĩnh vực tài chính tăng 16% lên 21,7 tỷ USD trong khi đầu tư trong lĩnh vực phi tài chính giảm 13% xuống 121,3 tỷ USD.
Nếu tính theo khu vực, đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu giảm 64% xuống 6,5 tỷ USD. Đầu tư của Trung Quốc sang Đức và Anh giảm một nửa. Trung Quốc cũng thu về khá nhiều tiền đầu tư từ Pháp.
Một phần sự sụt giảm có nguyên nhân từ việc vào năm 2017 Trung Quốc đã thực hiện thương vụ thâu tóm có quy mô quá lớn lên đến 43 tỷ USD với công ty Syngenta.
Thế nhưng nguyên nhân sụt giảm chính của đầu tư Trung Quốc có nguyên nhân từ việc xuất hiện ngày một nhiều chỉ trích chống lại hoạt động đầu tư của các công ty Trung Quốc sau khi phía Mỹ hành động ngăn các công ty này thâu tóm công nghệ nhạy cảm. Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ giảm 62% trong năm 2017.
Năm ngoái, phía Đức đã chặn một công ty Trung Quốc thâu tóm công ty sản xuất máy móc của Đức. Ngoài ra, Pháp loại bỏ khả năng sẽ bán ra cổ phần của chính phủ trong một sân bay, công ty Trung Quốc hiện đang làm cổ đông lớn nhất tại sân bay này.
Đầu tư của Trung Quốc vào nhóm các nước công nghiệp phát triển G7, trong đó có bao gồm Nhật và Mỹ, tính đến năm 2018 giảm năm thứ 2 xuống 12,2 tỷ USD.
Các hoạt động đầu tư liên quan đến dự án Vành đai – Con đường của Trung Quốc cũng đang suy giảm, đầu tư vào khoảng 64 nước dọc khu vực này giảm lần đầu tiên trong 2 năm, mức giảm ghi nhận 11% xuống 17,8 tỷ USD.
Bắc Kinh được cho là đang phải thu hẹp bớt chương trình Vành đai & Con đường bởi xuất hiện ngày một nhiều chỉ trích rằng các dự án xây dựng đang chôn vùi các nước mục tiêu trong đống nợ và buộc họ phải chuyển giao quyền kiểm soát nhiều hạ tầng trọng điểm cho Trung Quốc.
Đầu tư của Trung Quốc vào 8 nước bị đánh giá có rủi ro rơi vào bẫy nợ bao gồm Pakistan, Tajikistan và Maldives đã giảm 55% xuống 1 tỷ USD. Tại Mông Cổ, Pakistan, Maldives và Djibouti, tiền thu hồi nợ đã cao hơn cả đầu tư mới.
Theo BizLive