Quả thật, những bước đi của VinGroup và Vsmart trong năm 2019 dễ khiến người dùng bất ngờ. Với quyết định khởi công nhà máy công suất tối đa 125 triệu máy/năm, Vsmart cho thấy tiềm lực to lớn bất ngờ trong cuộc chiến smartphone vẫn còn khá mới mẻ. Với tuyên bố thoái vốn và bán lại toàn bộ mảng bán lẻ VinMart/VinMart+ cho Masan, VinGroup cho thấy quyết tâm cháy bỏng nhằm chuyển mình thành một công ty công nghệ.
Nhưng khó hiểu hơn cả, VinGroup cũng đã dừng hoạt động toàn bộ chuỗi cửa hàng điện máy VinPro. Mới chỉ cách đây hơn 1 năm, VinGroup đã mua lại Viễn Thông A và qua đó thâu tóm 200 cửa hàng, 100 trung tâm bảo hành của chuỗi này. Thậm chí, cuối tháng 11 và đầu tháng 12, fanpage của Viễn Thông A mới đổi tên thành VinPro.
Tham vọng của VinGroup trong lĩnh vực smartphone nói riêng và công nghệ nói chung là quá rõ ràng. Một chuỗi phân phối rộng khắp như VinPro sẽ giúp ích rất nhiều cho tham vọng này, đặc biệt là khi VinGroup không còn nắm VinMart trong tay nữa. Rất nhiều các thương hiệu lớn cũng sở hữu chuỗi cửa hàng của riêng mình, học theo Apple Store. Trong số này có cả Bphone: mùa hè vừa qua, Bphone mở cửa Bphone Store đầu tiên tại Hà Nội.
Vậy thì tại sao VinGroup lại giải thể VinPro?
Để có câu trả lời, trước hết chúng ta cần nhìn vào thị trường bán lẻ công nghệ tại Việt Nam. Vị trí số 1 tuyệt đối thuộc về Thế Giới Di Động (TGDD) với 45% thị phần điện thoại di động và 35% thị phần điện máy. Đối thủ cạnh tranh trực tiếp của TGDD là FPT Shop bị bỏ xa lại phía sau với 10% thị phần di động. Trên mảng điện máy, TGDD/Điện Máy Xanh cũng được cho là không có đối thủ khi FPT mới chỉ đang cùng Nguyễn Kim bắt tay "thử nghiệm", Trần Anh đã "bán mình" từ lâu, MediaMart và PICO được coi là "cầm chừng".
Hơn ai hết, VinGroup hiểu rõ cuộc chiến bán lẻ công nghệ khốc liệt đến thế nào: đứa con cưng VinPro sau nhiều năm được tập đoàn mẹ chống lưng vẫn không thể tạo ra dấu ấn rõ rệt trên thị trường. Adayroi hoàn toàn mờ nhạt trước Lazada, thậm chí khi Shopee bứt tốc thì Adayroi vẫn đứng đó (và mới đây cũng bị giải thể để tái cơ cấu sáp nhập vào VinID).
Quan trọng nhất, trong cuộc chiến bán lẻ này, VinPro hay bất kỳ một chuỗi bán lẻ nào khác đều gần như không có cách nào để vươn lên đứng cùng TGDD và FPT Shop. Không chỉ riêng tại Việt Nam, cuộc chiến bán lẻ vật lý chỉ chứng kiến các tên tuổi lụi bại dần chứ không có kẻ mới nổi, thành công "sốc". Lý do là bởi, tất cả những gì mỗi hãng bán lẻ có thể làm chỉ là mở thêm chuỗi, chạy thêm quảng cáo, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm – nói cách khác, không có cách nào để tạo đột phá trên thị trường bán lẻ ngoại trừ đốt tiền để chạy đua thị phần. Cái giá phải trả là lợi nhuận, nhưng VinGroup vốn nổi tiếng là thực tế, giữa 2 lựa chọn đốt lợi nhuận cho một mảng kinh doanh không có tương lai và từ bỏ, VinGroup hiển nhiên chọn phương án thực tế hơn.
Và thật bất ngờ, đó lại là mũi tên trúng hai con nhạn. Từ bỏ VinPro, VinGroup không còn là đối thủ của Thế Giới Di Động và FPT nữa. Điều đó có nghĩa rằng, Vsmart có thể thoải mái lan tỏa ra khắp mảnh đất hình chữ S:, thông qua 2 mạng lưới vốn từng là đối thủ trực tiếp của VinPro.
Quả thật, trả lời PV chỉ vài giờ sau khi công bố đóng cửa VinPro và Adayroi, CEO Nguyễn Việt Quang của VinGroup khẳng định:
"Tương tự như các nhà sản xuất lớn khác, sản phẩm của chúng tôi không phụ thuộc vào 1 – 2 nhà phân phối cố định "trong nhà" mà sẽ cung cấp rộng rãi tới các chuỗi bán lẻ, các đại lý, nhà phân phối trên thị trường. Có thể thấy điển hình như điện thoại Vsmart hiện bán tại các nhà phân phối lớn như Thế giới di động, FPT Shop, Viettel Store…
Đây cũng là chính sách bán hàng của chúng tôi từ xưa đến nay. Mục tiêu là khách hàng có thể dễ dàng mua sản phẩm ở bất cứ điểm bán nào. Chúng tôi bắt tay mọi đối tác để mở rộng quan hệ hợp tác chứ không gói gọn trong một vài nhà phân phối cụ thể. Do đó, việc tái cấu trúc mảng bán lẻ nội bộ không tạo ra biến động lớn nào tới chiến lược kinh doanh các sản phẩm khác của Vingroup".
Đúng như những gì ông Quang khẳng định, quyết định của VinGroup không phải là xa lạ với các nhà sản xuất lớn – bao gồm các tên tuổi hàng đầu thế giới. Ông vua thị trường smartphone là Samsung hiện tại mới chỉ vỏn vẹn 4 cửa hàng "Samsung Experience Store" tại nước Mỹ, thay vào đó phụ thuộc vào các chuỗi bán lẻ độc lập như Best Buy, Costco hoặc các nhà mạng để bán hàng. OPPO tại Việt Nam cũng không có cửa hàng nào ngang tầm Apple Store, Mi Home hay thậm chí là... Bphone Store, nhưng vẫn lại vươn lên vị trí số 2 về thị phần. Tại thị trường smartphone lớn thứ 2 thế giới là Ấn Độ, OPPO và người anh em Vivo cũng xây dựng được vị thế trong top 5 nhờ vào mối quan hệ với các chuỗi bán lẻ, thay vì tự nắm trong tay các cửa hàng của riêng mình.
Chỉ còn một câu hỏi cuối cùng: Apple vẫn có Store và thậm chí là cực kỳ thành công đấy thôi? Câu trả lời: Apple rất khác Vsmart. Apple tập trung vào phân khúc cao cấp và do đó cần tạo ra trải nghiệm hoàn hảo cho người dùng, bao gồm cả khâu bán hàng. Còn Vsmart rõ ràng đang đặt mục tiêu giành thị phần và phổ cập smartphone trước tiên.
Để đạt được mục tiêu ấy, Vsmart đầu tiên cần từ bỏ mạng lưới phân phối của chính mình, và rồi bắt tay với những kẻ đi đầu không thể bị đánh bại – TGDD và FPT Shop.
Theo Tri Thức Trẻ