Giá thịt lợn "vỡ trận", cảnh báo: "Khi giá xuống đừng kêu gọi giải cứu!"

Thứ ba, 24/12/2019, 09:25
Trước tình hình giá thịt lợn tăng cao nhiều người dân bức xúc nói: 'Găm hàng đi rồi khi giá xuống đừng kêu gọi giải cứu!'.

"Thủ phủ" lợn ở Đồng Nai giảm hơn 40% tổng đàn vì dịch tả lợn châu Phi

Những ngày gần đây giá thịt lợn bất ngờ tăng cao và hiện đang ở mức trên dưới 100.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tăng đồng nghĩa giá bán ra thị trường cũng tăng. Hiện nay, nhiều sản phẩm của thịt lợn cao ngang ngửa thịt bò khiến người dân ái ngại, cân nhắc khi tiêu thụ.

Đợt giải cứu thịt lợn tại Đồng Nai vào năm 2017

Bên cạnh đó, trước thông tin thương lái và người chăn nuôi găm hàng đẩy giá lên làm người dân bức xúc, vì khoảng 2 năm trước đó khi giá lợn rớt thê thảm, chỉ còn 20.000 - 22.000 đồng/ký thì kêu gọi giải cứu. Nhiều người dân bức xúc nói: “Găm hàng đi rồi khi giá xuống đừng kêu gọi giải cứu!”.

Găm hàng là đang nuôi "bom nổ chậm"

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng ở đâu chứ tại Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi của cả nước, không có tình trạng găm hàng bởi nhiều lý do.

“TP.HCM là thị trường tiêu thụ chính của Đồng Nai, và thời gian quan lợn xuất đi chủ yếu là lợn nhỏ, nằm trong tầm 60 - 80 kg/con. Nếu nói găm hàng thì lợn xuất ra phải lớn, trên 100 kg/con”, ông Công nói.

Ông Công phân tích thêm: “Hiện tại dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành, trong khi chưa có vắc xin đặc trị thì việc găm hàng chẳng khác gì bom nổ chậm, rất là nguy hiểm. Mặt khác, trong chăn nuôi, đàn càng đông thì nguy cơ mất an toàn sinh học càng cao, dịch tả lợn châu Phi dễ bùng phát lúc đó thì lợi bất cập hại. Bằng chứng là giá đang hấp dẫn như vậy mà sao người dân chưa dám tái đàn?”

Cũng theo ông Công, trước khi dịch tả lợn châu Phi lan rộng ở Việt Nam, giá lợn chỉ ở mức 38.000 - 40.000 đồng/kg, và người chăn nuôi chỉ dám mơ giá lên 50.000 đồng/kg thôi. Hiện giờ, giá lên tới 100.000 đồng/kg thì quá lời rồi.

Theo ông Công, người chăn nuôi không cần lợi nhuận cao nhưng phải ổn định

“Theo tôi thì người chăn nuôi cần sự ổn định, mỗi con lợn chỉ cần lời 500.000 đồng là đủ, chứ không ai muốn giá lên cao chót vót rồi lại thấp lè tè, vì thị trường bất ổn gây nhiều khó khăn. Như nhiều năm qua, giá thấp, người chăn nuôi lỗ quá trời rồi, bây giờ giá lên họ đang gỡ gạc lại chút ít nhưng còn bao nhiêu người còn lợn để bán, đa số bị dịch tiêu hủy hết”, ông Công cho hay.

Bàn về lý do giá thịt lợn tăng, theo ông Công là do nguồn cung thiếu, không những Việt Nam mà thế giới cũng thiếu. Mặt khác do người Việt Nam có thói quen tiêu dùng thịt lợn nên càng khiến cho thịt lợn "sốt". Nếu người dân chuyển sang ăn bớt thịt khác như: vịt, gà thì giá thịt lợn sẽ giảm ngay.

Do người Việt Nam có thói quen ăn thị lợn và là thịt nóng nên góp phần đẩy giá lên cao

Nói về thịt nhập, ông Công nhận định giờ nhập là không kịp, hơn nữa giá thịt lợn thế giới cũng rất cao, người tiêu dùng Việt Nam lại chưa quen dùng thịt đông lạnh; doanh nghiệp nhập về xong qua Tết, lỡ giá hạ thì “ăn cho hết” nên không ai dám mạo hiểm.

Về ý kiến người tiêu dùng phàn nàn giá lợn “lúc giá hạ thì kêu gọi giải cứu”, ông Công nhận định ngắn gọn: “Lúc đó thì người tiêu dùng cũng hưởng lợi vì giá rẻ!”.

Người chăn nuôi cần sự ổn định, mỗi con lợn chỉ cần lời 500.000 đồng là đủ, chứ không ai muốn giá lên cao chót vót rồi lại thấp lè tè, vì thị trường bất ổn gây nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích
  • Kết quả 7m cn Siêu tốc