Trong thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một được công bố tuần trước, Washington yêu cầu Bắc Kinh nhập thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong hai năm. Năm 2017, trước khi chiến tranh thương mại bắt đầu, Trung Quốc đã nhập 188 tỷ USD hàng Mỹ. Với yêu cầu trong thỏa thuận, Trung Quốc phải tăng gấp đôi lượng hàng nhập khẩu, trong khi nhu cầu trong nước vẫn vậy, khiến nhiều chuyên gia lo lắng về tính khả thi của việc này.
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nam Phi hồi tháng 11. (Ảnh: CGTN). |
Tổng hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ toàn thế giới năm 2017 là 1,84 nghìn tỷ USD, có nghĩa là về mặt lý thuyết họ có khả năng đáp ứng yêu cầu của Washington. Nếu cộng thêm 200 tỷ USD vào lượng hàng Bắc Kinh mua năm 2017 thì họ sẽ phải mua 576 tỷ USD trong hai năm.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, Trung Quốc sẽ phải từ bỏ nguồn cung từ các quốc gia khác để nhập hàng Mỹ. Hành động "quay lưng với cả thiên hạ" này có thể làm các đối tác thương mại của Trung Quốc trên khắp thế giới bất bình và có nguy cơ bị thách thức tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
"Nếu thật cố gắng thì con số nào cũng khả thi, nhưng vấn đề là bạn muốn làm bao nhiêu nước khác không vui?", Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế về khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis, nói.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói rằng Trung Quốc đã đồng ý mua 80 tỷ USD nông sản Mỹ trong hai năm. Bắc Kinh chưa xác nhận con số này.
Trung Quốc nhập khẩu 131 tỷ USD nông sản từ khắp thế giới vào năm 2017. Năm họ nhập khẩu nông sản nhiều nhất từ Mỹ là 2012, với 29,5 tỷ USD. Như vậy, yêu cầu nhập 40 tỷ USD nông sản Mỹ mỗi năm về mặt lý thuyết là có thể thực hiện được.
Sau khi chiến tranh thương mại bùng nổ với các đòn thuế trả đũa lẫn nhau khiến nông sản Mỹ tăng giá, Trung Quốc đã đa dạng hóa nguồn cung khi tìm cách ký hợp đồng cung cấp với các đối tác chính là Argentina, Australia, Brazil, Đức, New Zealand và Tây Ban Nha. Nếu Trung Quốc thực hiện thỏa thuận tăng mua nông sản Mỹ, nguồn hàng từ các nước này chắc chắn sẽ bị cắt.
Trung Quốc là khách hàng mua 1/4 lượng nông sản xuất khẩu của New Zealand, sau khi hai quốc gia ký thỏa thuận thương mại tự do năm 2008. Sữa và thịt là những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của New Zealand vào Trung Quốc năm 2018. Đây cũng là lĩnh vực Mỹ đang để mắt đến.
"Chắc chắn sẽ có nhiều cạnh tranh hơn từ Mỹ trong việc xuất khẩu thực phẩm sang Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ các nhà xuất khẩu thực phẩm của New Zealand đều sẵn sàng đối mặt với thách thức", Catherine Beard, giám đốc điều hành của nhóm nghiên cứu Export NZ, nói.
Stephen Jacobi, giám đốc điều hành của Diễn đàn Doanh nghiệp Quốc tế New Zealand, nói thêm rằng thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc là "vấn đề quan trọng" đối với New Zealand. "Chúng tôi sẽ nghiên cứu chi tiết thỏa thuận để đánh giá xem lợi ích thương mại có bị ảnh hưởng hay không", ông nói.
Nhu cầu thịt lợn lớn của Trung Quốc có thể giúp họ đáp ứng chỉ tiêu mua hàng nông sản. Dịch tả lợn châu Phi khiến 100 triệu con lợn chết kể từ tháng 8/2018. Hồi tháng 11, giá thịt lợn tăng 110% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá thịt lợn ở Mỹ rẻ hơn 4 lần so với Trung Quốc. Nhưng lượng thịt lợn cao nhất Trung Quốc từng mua từ Mỹ là 900 triệu USD vào năm 2012 nên việc tăng nhập khẩu chỉ thịt lợn cũng sẽ không có tác động nhiều.
Năng lượng cũng sẽ là mặt hàng Trung Quốc cần tăng nhập khẩu đáng kể. Bắc Kinh nhập 254 triệu USD khí hỏa lỏng tự nhiên (LNG) Mỹ tháng 1/2018 nhưng đã ngừng nhập trong 6 tháng kể từ hồi tháng 5, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc. Nếu Trung Quốc duy trì mức mua 254 triệu USD LNG một tháng trong hai năm thì tổng lượng hàng trong hai năm cũng chỉ lên đến 6 tỷ USD.
|
Lượng LNG Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ. |
Vì vậy, sản phẩm công nghệ cao và hàng hóa trung gian sẽ phải chiếm một phần đáng kể trong lượng hàng Trung Quốc tăng mua từ Mỹ. Đối với Liên minh châu Âu, đây là tin xấu vì 8 trong số 10 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của họ sang Trung Quốc giống với Mỹ, bao gồm hóa chất, máy bay, ôtô và phụ tùng ôtô. Hai ngoại lệ là năng lượng và nông sản.
"Bạn không thể tăng mua 200 tỷ USD hàng hóa chỉ nhờ vào nông sản và năng lượng", Garcia Herrero nói tại Natixis.
Nhật Bản và Hàn Quốc có thể bị giảm lượng hàng xuất khẩu ôtô và chất bán dẫn tới Trung Quốc. Bill Russo, người sáng lập Automobility, công ty tư vấn có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết xe Mỹ chỉ chiếm 1% trong doanh số bán xe tại Trung Quốc. "Tuy nhiên, các nhà sản xuất Mỹ vẫn xuất khẩu hơn 10 tỷ USD sản phẩm liên quan đến ôtô sang nước này. Nhưng đó chỉ như 'muối bỏ bể' so với con số 200 tỷ USD".
Giới chuyên gia cũng cho rằng Bắc Kinh khó có thể thực hiện yêu cầu tăng mua hàng Mỹ trong dài hạn. Nếu Trung Quốc chi quá lớn để mua hàng hóa trong một thời kỳ nhất định, nhiều khả năng sẽ có sự sụt giảm mạnh trong những năm tiếp theo.
Hơn nữa, những ồn ào xung quanh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài 18 tháng đã khiến nhiều nhà xuất khẩu nghi ngờ về bất kỳ tiến triển thực chất nào, bất kể hai bên tuyên bố gì.
Timothy Scott Stuart, giám đốc công ty đồ chơi Unit Bricks có trụ sở tại Hong Kong, tuần trước suýt phải chịu mức thuế 25% của Mỹ, trước khi Washington dừng kế hoạch áp thuế như một phần của thỏa thuận giai đoạn một.
Dù vậy, ông chưa thể thở phào nhẹ nhõm vì lo ngại giai đoạn êm ả này sẽ không duy trì được lâu. "Đó có thể là những lời nói suông làm phí thời gian của mọi người một lần nữa", Stuart nói.
Theo VNE