Dịch vụ lái xe hộ những người “trúng lời nguyền” say xỉn chớm nở tại Việt Nam, liệu có trở thành ngành công nghiệp tỷ USD như Hàn Quốc, Trung Quốc?

Thứ hai, 06/01/2020, 16:16
Tại Trung Quốc, các dịch vụ lái xe hộ đã tạo ra doanh thu 15,4 tỷ nhân dân tệ (2,3 tỷ USD) trong năm 2016. Thu nhập của tài xế cũng cao không kém, khoảng 7.000 – 10.000 nhân dân tệ.

Có cầu ắt có cung

Ngày 1/1, Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt nặng lái xe có nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở vượt quá mức quy chính thức có hiệu lực.

Theo đó, đối với người điều khiển xe ôtô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), Nghị định phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Trong khi mức phạt theo quy định cũ là từ 16 - 18 triệu đồng và tước GPLX 4 - 6 tháng.

Đối với người điều khiển xe môtô là từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ cũng sẽ bị xử phạt nếu vi phạm, với mức từ 400 - 600 nghìn đồng.

Luật vừa áp dụng được vài ngày, rất nhiều tài xế chưa kịp cập nhật đã bị xử phạt nghiêm khắc. Trên mạng xã hội và các diễn đàn, cộng đồng mạng cũng có nhiều ý kiến trái chiều, tỏ ra lo ngại về việc làm thế nào để đảm bảo an toàn và tránh phạm luật, đặc biệt là khi mùa lễ Tết đang gần kề.

Gọi xe ôm, taxi là một giải pháp. Nhưng vấn đề nan giải là xe của những người đã uống rượu đó, phải tính sao đây?

Có cầu ắt có cung. Rất nhanh chóng, một vài nhóm dịch vụ tìm người lái xe hộ trên Facebook đã được lập ra, kết nối người say, uống rượu bia với các tài xế. Mới lập được một, hai ngày nhưng nhiều tài xế đã chủ động cung cấp số điện thoại, địa chỉ, sẵn sàng phục vụ 24/24. Tuy nhiên, vì mới xuất hiện nên mức phí và các quy định khác còn chưa rõ ràng.

Xuất hiện nhiều nhóm trên Facebook kết nối những người say rượu, muốn thuê tài xế lái xe hộ.
Ngay lập tức đã có nhiều tài xế sẵn sàng nhận dịch vụ.

Với quy định nghiêm khắc và mức xử phạt nặng mới, dịch vụ này hứa hẹn sẽ phát triển nở rộ ở Việt Nam hơn nữa. Nhưng tại nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, mô hình lái xe hộ những người uống rượu, say xỉn đã rất phổ biến và cũng được nâng tầm công nghệ hơn.

Dịch vụ "Uber cho người say rượu"

Khoảng 8:40 tối, cứ vài phút, anh Kim Min Seob lại kiểm tra một app công nghệ tương tự Uber, được cung cấp bởi gã khổng lồ Kakao của Hàn Quốc để nhận "cuốc" lái xe thuê. Hành khách sẽ nhập điểm đón và điểm đến, sau đó nhấn đặt chuyến để có thể tìm tài xế gần nhất, thay họ lái xe và đưa cả bản thân về nhà an toàn. Chi phí được tính theo độ dài quãng đường.

Dịch vụ này đã nở rộ ở xử sở kim chi từ năm 2016 - 2017. Những tài xế như anh Kim được gọi là "daeri unjeon", thường tập trung ở các quán bar hay nhà hàng, đặc biệt là vào tối thứ sáu và cuối tuần. Daeri unjeon thường có giá cao hơn taxi, nhưng tiết kiệm chi phí cho người lái xe qua đêm và giảm tải sự bất tiện khi phải quay lại và lấy xe vào ngày hôm sau.

Điều bất tiện nhất có lẽ là các tài xế thường phải đi bộ hoặc xe công cộng để đến điểm đón khách. Đồng thời, do 90% khách hàng là đối tượng đã uống rượu, say xỉn nên khó tránh khỏi việc họ nôn mửa hoặc gây rối, làm những hành vi sai trái. 10% còn lại là những người đơn giản chỉ là không thích lái xe hoặc không thể lái do vừa điều trị y tế.

Tuy nhiên, anh Kim cho biết ngày càng có nhiều tài xế đăng ký làm dịch vụ này, khiến cho sự cạnh tranh cũng cao hơn.

Tương tự, vào tháng 6/2015, Didi Kuaidi, đối thủ của Uber tại Trung Quốc lúc bấy giờ, đã ra mắt dịch vụ cho phép người dùng thuê các lái xe tạm thời. Didi Kuaidi nói rằng tài xế có thể chọn đi phương tiện giao thông công cộng để trở về nhà, hoặc mang theo một chiếc xe đạp gấp. Hoặc hơn thế, công ty có thể cung cấp xe buýt đưa đón cho tài xế khi nhu cầu cao.

Theo nghiên cứu của rường Luật Đại học Tsinghua, năm 2016, hơn 25,3 triệu khách hàng, trong đó 90% thừa nhận ở trạng thái say xỉn, uống rượu, đã gọi các tài xế lái xe về nhà hộ. Nghiên cứu cũng tuyên bố đã có 3,5 triệu vụ tai nạn giao thông được ngăn chặn trong năm 2016 nhờ việc hàng triệu người say rượu đã quyết định không ngôi sau vô lăng khi đã uống rượu.

Các dịch vụ tương tự như Didi Kuaidi tại Trung Quốc đã tạo ra doanh thu lên tới 15,4 tỷ nhân dân tệ (tương đương 2,3 tỷ USD). Trong khi thu nhập của các tài xế chuyên nghiệp ước tính đạt 7.000 – 10.000 nhân dân tệ (khoảng 24 – 34 triệu đồng) - gần bằng mức lương trung bình hàng tháng của người dân tại các thành phố lớn của Trung Quốc.

Những mối nguy tiềm ẩn

Như trong bất kỳ ngành công nghiệp phát triển nhanh khác, lỗ hổng trong mô hình kinh doanh là không thể tránh khỏi, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho sự an toàn của khách hàng.

Tại Trung Quốc đã từng xuất hiện xu hướng một số tài xế đã đăng ký cho phép người khác sử dụng giấy phép của họ. Và nếu bạn rời khỏi quán bar, nhà hàng trong tình trạng say xỉn rồi giao chiếc xe của mình cho một người có hồ sơ, tiền án tội phạm, không ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích