Ngày 22/4, tại Hội nghị về tình hình lượng gạo hàng hóa ở cảng phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương tổ chức tại TP.HCM, nhiều địa phương tại ĐBSCL khẳng định, không có chuyện thiếu gạo, từ đó đề xuất nên cho xuất khẩu không có hạn ngạch.
Cụ thể, đại diện UBND tỉnh Long An cho rằng, việc "cân đo" nên xuất khẩu gạo lại bình thường hay không, có xuất khẩu hay không là không bình thường. Lý do là vì thực tế, sản lượng gạo không giảm dù có hạn mặn.
"Tỉnh Long An khẳng định nguồn cung tốt. Gạo lúa trong nước sẽ tiêu thụ ít hơn mọi năm vì người dân ăn mì gói… nhiều hơn nên chúng ta phải xuất khẩu. Về đề xuất không nên xuất gạo tẻ, hiện chúng ta đã đảm bảo an ninh lương thực thì cần phải xem xét mở lại, quan trọng là giải pháp. Đáng lẽ giờ chúng ta phải xuất khẩu gạo tăng vì thị trường đang tiêu thụ tốt", đại diện UBND tỉnh Long An nói.
Các tỉnh ĐBSCL khẳng định không thiếu gạo, nên cho xuất khẩu không có hạn ngạch. (Ảnh minh hoạ). |
Theo UBND tỉnh Long An, Chính phủ nên giao địa phương lưu kho đảm bảo an ninh lương thực chứ không cần giao cho kho của Tổng cục Dự trữ, cứ phân bổ cho các địa phương, ai vi phạm thì có chế tài, buộc các địa phương phải cam kết thực hiện.
Đồng thời, cần phải xuất gạo nếp tất cả ở các cảng, các kho bình thường trước. Và sắp tới nên cho xuất hết chứ không cần hạn ngạch vì hiện nay chúng ta không thiếu gạo.
Đồng quan điểm với tỉnh Long An, đại diện UBND TP.Cần Thơ cho biết, các tỉnh đã báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và đã mở tờ khai hơn 43.000 tấn gạo từ tháng 3. Đáng nói, hiện Cần Thơ giao tới cảng là 76.000 tấn gạo, gây thiệt hại rất lớn.
Về phương án trước mắt, UBND TP.Cần Thơ đề nghị, nên mở tờ khai thông quan trong tháng 3 và sắp tới các tờ khai đã giao tại cảng.
Tương tự, đại diện UBND tỉnh Kiên Giang cũng cho biết hhiện số lượng gạo các doanh nghiệp của tỉnh tồn tại cảng lên tới 12.000 tấn. Điều cần thiết trước mắt, tỉnh này cho rằng cần nhanh chóng cho xuất khẩu ngay gạo tồn tại cảng, sau đó cho xuất lại bình thường không cần hạn ngạch.
Theo các tỉnh ĐBSCL, vụ đông xuân được mùa lớn, vụ đông xuân ở phía Bắc cũng bắt đầu thu hoạch, không có sâu bệnh như e ngại trước đó. Vì vậy, vấn đề an ninh lương thực hiện nay cần nhìn ở góc độ mới so với cách đây một tháng.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ Công thương sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp về tình hình lượng gạo tồn tại cảng và đề xuất các giải pháp cho công tác điều hành xuất khẩu gạo.
Trước mắt, Bộ Công thương sẽ làm việc với hải quan để giải quyết xuất khẩu gạo nếp, giải quyết các lô hàng gạo tẻ đưa về cảng trước 24/3, sau đó đến các trường hợp đã mở tờ khai mà bị thất lạc. Cuối cùng là lượng hàng tồn trong kho của doanh nghiệp.
Theo VTC