Trong vòng 1 tháng qua, VN-Index đã có tới 16 phiên tăng điểm và chỉ giảm điểm ở 3 phiên. Theo đó, chỉ số sàn HoSE tích lũy tới hơn 107 điểm, tương đương tỷ lệ tăng hơn 16,3%.
Vậy liệu dòng tiền mới vào có đủ sức hỗ trợ thị trường trong thời gian tới? Kịch bản nào cho VN-Index nếu dịch bệnh hoặc nhanh chóng được khống chế hoặc vẫn tiếp diễn? BizLIVE ghi nhận ý kiến của các chuyên gia trong ngành:
Thị trường sẽ giằng co ở quanh vùng 800 điểm, đánh giá cao nhóm ngành đầu tư công, lương thực, thực phẩm
Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô Thị trường, CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI)
Khả năng đi lên của VN-Index vẫn còn nhưng dự địa không còn lớn khi thị trường đã hồi phục lại gần một nửa trong thời gian vừa qua. VN-Index có thể tăng lên 815-820 điểm nhưng để đi xa hơn là rất khó.
Theo thống kê của BSC từ ngày 24/3-17/4, VN-Index đã tăng trở lại 19,8% so với sự sụt giảm từ đầu năm cho đến ngày 24/3. Những trường hợp giảm sâu nhất cũng đồng loạt hồi phục rất mạnh như BVH, CMG, VEF, HSG, FRT.
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, thị trường đã bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý I/2020, sự ảnh hưởng của Covid-19 sẽ được thể hiện rõ lên số liệu nên kỳ vọng hồi phục của nhà đầu tư sẽ buộc phải trở lại với thực tế.
Động lực hồi phục là do số đông cho rằng kinh tế Mỹ sẽ phục hồi theo hình chữ V ngay sau quý II tăng trưởng âm. Tuy nhiên, bài học về kinh tế Trung Quốc sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh vẫn đang là một nỗi sợ lúc này. Dù đã kiểm soát được từ tháng 3, Trung Quốc vẫn chưa thể hồi phục mạnh trở lại. Đó là do các nền kinh tế lớn hồi phục không đồng pha khi Mỹ và Châu Âu vẫn chưa đến đỉnh dịch. Dẫn đến thị trường chứng khoán có thể hồi phục theo hình chữ L hoặc chữ U, và thị trường hoàn toàn có thể đổ vỡ kép khi cú sốc cung chuyển thành cú sốc cầu.
Điểm thú vị nhất trong đợt hồi này là tiền bắt đáy của nhà đầu tư nhỏ lẻ đổ vào đầy bất ngờ và có thật trên thị trường trong khi khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng. Đây có thể là nhà đầu tư mới hoặc nhà đầu tư có kinh nghiệm trở lại với thị trường. Họ bắt đáy thăm dò rồi giải ngân mạnh khi thấy thị trường có phản ứng tốt. Tuy nhiên, dòng tiền của của nhà đầu tư nhỏ lẻ thực chất lại rất khó bền và có giới hạn. Khi đến ngưỡng, họ sẽ chốt lãi 1 phần.
Trong đợt khủng hoảng 2007-2009, cũng có nhịp hồi mạnh sau khi Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ 1 tỷ USD dẫn đến lượng tiền lớn đổ vào TTCK. Tuy nhiên, lần hồi phục này lại đến từ tiền nhàn rỗi trong dân.
Tôi cho rằng, kịch bản khả quan nhất lúc này là thị trường sẽ giằng co ở quanh vùng 800 điểm trong 1 tháng rưỡi đến 2 tháng tới và sau đó mọi thứ sẽ ngã ngũ. Tuy nhiên, không loại trừ VN-Index có thể về đáy cũ là 650 điểm hoặc thậm chí thủng đáy khi kỳ vọng về hồi phục sụp đổ và nhà đầu tư nhỏ lẻ buộc phải tháo chạy để thu hồi tiền.
Trước mắt, một số gợi ý cho nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội ít rủi ro là nhóm ngành đầu tư công, lương thực, thực phẩm.
Có rất nhiều ẩn số với dòng tiền
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, nguyên Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển, CTCK SSI
Dựa trên phân tích lịch sử, diễn biến dịch bệnh và khả năng ứng phó, xác suất xảy ra cao nhất cho kinh tế Việt Nam là mô hình chữ V với những lý do sau:
1. Xác suất dịch bệnh kết thúc trong mùa hè là tương đối cao. Thực tế, các dịch cúm trước đây đều kết thúc vào mùa hè. Lượng người nhiễm virus ở Hà Nội/miền Bắc cũng đang cao hơn nhiều ở TP.HCM/miền Nam.
2. Chính phủ đang cho thấy quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng với các giải pháp hợp lý (8 dự án cao tốc chuyển sang đầu tư công, các NHTM hy sinh lợi nhuận để giảm lãi suất…)
3. Năng lực kích thích kinh tế mạnh mẽ của Mỹ, các nước Tây Âu và Trung Quốc sẽ giúp kinh tế thế giới hồi phục nhanh sau dịch.
Dù xác suất mô hình V là cao nhất nhưng không nổi trội so với các mô hình khác, có thể đặt xác suất 35-25-25-15 cho mô hình V, U, L và W.
Sự hồi phục thậm chí cũng không hoàn toàn giống mô hình nào trong 4 mô hình này do dịch bệnh rất khó nói trước và sức khỏe hệ thống ngân hàng thế giới cũng chưa được đánh giá cụ thể.
Ngay cả khi dịch kết thúc đúng như dự báo thì những nhân tố khác như bầu cử, tranh chấp thương mại, thay đổi chiến lược đầu tư FDI… cũng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục.
Theo mô hình chữ V, kinh tế Việt nam và thế giới sẽ xuống đáy trong quý II với mức suy giảm cực lớn, có lẽ là lớn nhất lịch sử vì độ cộng hưởng toàn cầu.
Khi dịch bệnh được kiếm soát trong mùa hè và các biện pháp kích thích kinh tế mang lại hiệu quả, tăng trưởng sẽ hồi phục trong quý III và nhanh hơn trong quý IV.
Sang nửa đầu năm 2021, tăng trưởng sẽ rất cao do nền thấp cùng kỳ 2020. Từ nửa cuối 2021, tăng trưởng sẽ trở lại quỹ đạo ổn định. Nếu các biện pháp kích thích và cải cách trong năm 2020 thực sự hiệu quả thì tăng trưởng từ 2022 trở đi sẽ ngày một khả quan.
Giai đoạn 2018-2019 tăng trưởng đạt 7%, nên có hy vọng năm 2022 có thể trên 7,5% và tăng dần các năm sau đó.
(4) Hồi phục kinh tế và hồi phục của thị trường chứng khoán
Kinh tế có thể tích cực trong dài hạn nhưng chỉ số chứng khoán thường không phản ánh được triển vọng quá 1 năm. Điều này có nghĩa dù mô hình kinh tế hồi phục là chữ V, xu hướng của thị trường trong năm 2020 chưa chắc cũng là chữ V.
Một biến số quan trọng ảnh hưởng đến xu hướng VN-Index là dòng tiền nước ngoài. Ví dụ như ETF, việc bỏ tiền vào Việt Nam nhiều lúc không phải nhờ Việt Nam thực sự nổi bật mà đơn giản là họ phân bổ tài sản theo chiến lược toàn cầu.
Khi thấy rủi ro cao, họ sẽ rút vốn còn khi rủi ro thấp, họ sẽ đi đầu tư ở các thị trường mới nổi và Việt Nam.
Tín hiệu dòng vốn trong tuần gần nhất vẫn cho thấy sự ưu tiên cho tài sản an toàn với trên 100 tỷ USD đổ thêm vào các quỹ Money Market.
Một dấu hiệu tích cực là trong 2 tuần trở lại đây đã có dòng tiền vào cổ phiếu, nhưng là của Mỹ và các thị trường phát triển. Các thị trường mới nổi vẫn bị rút vốn.
Với giả định dịch bệnh sẽ kết thúc vào mùa hè và kinh tế hồi phục nhanh có thể dòng tiền sẽ quay lại các thị trường mới nổi trong nửa cuối năm. Tuy nhiên lúc này những ẩn số khác là bầu cử tổng thống Mỹ hay căng thẳng Mỹ - Trung sẽ lại khiến các nhà đầu tư phải cân nhắc.
Không có gì chắc chắn dòng tiền nước ngoài sẽ sớm quay trở lại ngay cả khi dịch bệnh đã kết thúc. Ông Donald Trump thất cử có thể làm triển vọng kinh tế Mỹ rơi vào trang thái bất ổn, ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi. Ở trường hợp ngược lại, cũng không chắc dòng tiền cho EM sẽ tốt hơn.
Năm 2016 sau khi Tổng thống Trump thắng cử, giới đầu tư nhận thấy kinh tế Mỹ sẽ rất khả quan nên rút tiền khỏi EM để về đầu tư tại “sân nhà”.
Có rất nhiều ẩn số với dòng tiền và vì vậy một kịch bản khả dĩ cho chứng khoán Việt Nam trong mô hình chữ V là hồi phục nhẹ từ đáy rồi tích lũy 2-3 quý. Đầu năm 2021 có thể có sóng với điều kiện Donald Trump thắng cử và dịch bệnh không quay trở lại.
VN-Index quay trở lại đỉnh cũ 2018 là rất khó
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng VN
Việc chứng khoán giảm mạnh kích thích lòng tham cả nhà đầu tư hiện có trên thị trường và những người không hiểu và chưa từng chơi chứng khoán. Dòng tiền bắt đáy gồm những nhà đầu tư chuyên nghiệp, không chuyên, của những nhà đầu tư bị kẹt hàng vì với nhà đầu tư càng kẹt hàng thì càng muốn gỡ, họ có thể đi vay mượn, dùng margin để bắt đáy. Theo đó dòng tiền hỗ trợ thị trường phục hồi thời gian qua.
Theo VSD, số lượng nhà đầu tư mở tài khoản chứng khoán mới trong tháng 3 cao nhất từ 2018. Tính trong 2 tuần đầu tháng 4 nhà đầu tư cá nhân mua ròng hơn 1.000 tỷ đồng.
Nếu khoảng 1 tháng nữa thị trường vượt đỉnh của năm 2018 tức đỉnh cao nhất trong lịch sử của VN-Index thì tôi cho là phi lý, tức là đầu cơ nhiều hơn, không có yếu tố bền vững. Về nguyên tắc thị trường chứng khoán và nền kinh tế đi song hành với nhau mới bền, còn nếu không tất cả dòng tiền mang tính chất đầu cơ.
Ở đây có thể thấy rõ chỉ có nhà đầu tư cá nhân Việt Nam mua vào còn nhà đầu tư tổ chức của Việt Nam, nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài đều bán ra. Có nghĩa 4 đối tượng trên thị trường thì chỉ có 1 đối tượng mua cổ phiếu và hiện đang mua mạnh nhất. Nhưng cần lưu ý đối tượng này chủ yếu kiếm tiền ngắn hạn.
Theo tôi thấy tháng 5 là tháng khá nguy hiểm vì thị trường đã tăng khá nhiều. Và 3 nhóm nhà đầu tư tôi đề cập ở trên bán nhiều. Cộng thêm hiện tượng “Sale in May” dù ở Việt Nam không quá mạnh bằng thế giới nhưng tôi nghĩ năm nay sẽ đúng. Chứng khoán đã tăng khoảng 1 tháng nay và mới chỉ giảm hôm qua (21/4). Thị trường cần ít nhất một đợt giảm để có xu hướng bền vững giống như khi chúng ta chạy xe quãng đường dài dù sức khỏe có thể đảm bảo nhưng cũng phải dừng để đổ xăng.
Giả sử dịch bệnh kiểm soát trong tuần sau và việc giãn cách xã hội được nới lỏng từng bước, giao thương trở lại, nhưng vấn đề ở đây là giải quyết bài toán kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đã phải thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp cho biết họ cũng khó tiếp cận với nguồn vốn. Trong khi thương chiến Trung - Mỹ vẫn còn.
NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét việc trả cổ tức, giảm lợi nhuận để dồn vào việc hỗ trợ cho vay doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp cho biết họ cũng khó tiếp cận vốn vì dù hạ lãi suất nhưng các ngân hàng áp các tiêu chuẩn cho vay ở điều kiện bình thường, tức đòi hỏi doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo. Ngay cả trong trường hợp có tài sản đảm bảo ngân hàng cũng yêu cầu doanh nghiệp phải có dòng tiền để trả nợ và nếu ngân hàng không cho vay doanh nghiệp lại không có tiền để phát triển, nó là một vòng luẩn quẩn.
Vừa qua Chính phủ chỉ đạo NHNN theo đó chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng nếu hạ các tiêu chuẩn cho vay xuống sẽ mắc trở lại như đợt khủng hoảng trước đây khi cho vay dưới chuẩn. Khi đó doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận dòng tiền dễ nhưng vì thế nợ xấu tăng lên và khả năng lại xảy ra một khủng hoảng khác.
Nên trong trường hợp khả quan nhất, dịch bệnh được kiểm soát tốt thì chứng khoán chỉ có thể tăng được trong ngắn hạn, dài hạn vẫn xấu. Trong năm nay, thậm chí năm sau việc VN-Index quay trở lại đỉnh cũ 2018 là rất khó. Còn trường hợp dịch bệnh kiểm soát chậm, ngắn hạn và dài hạn thị trường đều xấu.
3 kịch bản chính cho VN-Index
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta
Đợt hồi phục vừa qua của thị trường cũng đã giúp xu hướng ngắn và trung hạn có chuyển biến tích cực hơn. Thị trường đã và đang chuyển sang chu kỳ tăng ngắn và trung hạn, nhưng thị trường đã có đà tăng hơn 20% tính từ đáy cuối tháng 3 và chỉ số VN-Index có thể đang đối mặt với vùng kháng cự ngắn hạn là 778 – 810 điểm.
Tình hình dịch bệnh tích cực dần và sự hồi phục mạnh mẽ của TTCK thế giới. Đồng thời, các biện pháp chống dịch mạnh mẽ, cùng với đó là các gói chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh, đây có thể xem là những yếu tố tác động tích cực lên xu hướng của thị trường trong ngắn hạn.
Dòng tiền mới gia nhập vào thị trường là tín hiệu tích cực cho thị trường và cũng là bệ đỡ cho thị trường giai đoạn hiện tại khi mà khối ngoại vẫn đang tiếp tục bán ròng trên TTCK Việt Nam, điều này cho thấy thị trường đã có độ hấp dẫn cao với các nhà đầu tư mới. Ngoài ra, với sự gia nhập mới của dòng tiền, thanh khoản của thị trường dự báo cũng sẽ cải thiện đáng kể hơn.
Đây là cơ hội để các nhà đầu tư cũ có thể cơ cấu lại danh mục hiện tại hoặc quay trở lại thị trường và tìm kiếm cơ hội đầu tư cho giai đoạn mới. Đối với nhà đầu tư mới nên trang bị cho mình kiến thức về thị trường và tìm ra giải pháp hoặc công cụ đầu tư thích hợp, đặc biệt đừng nên quá lạm dụng với đòn bẩy khi rủi ro thị trường vẫn chưa hoàn toàn giảm.
Sẽ có ba kịch bản chính trong giai đoạn hiện tại:
Kịch bản lạc quan (thuốc/vaccine cho Covid-19 được kiểm chứng và triển khai sớm). Ở kịch bản này, chỉ số VN-Index có thể sẽ nhanh chóng hướng tới vùng hợp lý 778 – 810 điểm.
Kịch bản cơ sở (thuốc/vaccine cho Covid-19 không thể triển khai sớm, nhưng thị trường tài chính và vấn đề thanh khoản được giải quyết bằng chính sách tài khoá và tiền tệ). Ở kịch bản này, tôi cho là chỉ số VN-Index có thể đi ngang trong vùng giá 672 – 692 điểm và dần tiến về vùng giá trị hợp lý 778 – 810 điểm.
Kịch bản bi quan (thuốc/vaccine cho Covid-19 không thể triển khai sớm, thị trường tài chính và kinh tế thiếu thanh khoản không được giải quyết bằng chính sách tài khóa và tiền tệ). Ở kịch bản này, chỉ số VN-Index có thể sẽ giảm về vùng 515 – 527 điểm (gần vùng đáy khủng hoảng năm 2008).