Covid-19 buộc ngành dầu đá phiến Mỹ thay đổi

Thứ hai, 20/04/2020, 13:44
Từ trước khi cuộc chiến giá dầu Nga – Saudi Arabia và Covid-19 xảy ra, mô hình kinh doanh của nhiều hãng dầu Mỹ đã rạn nứt.

Sáng nay (20/4), giá dầu thô Mỹ WTI có thời điểm giảm tới 20%, xuống dưới 15 USD một thùng – thấp nhất kể từ đầu năm 1999. Tuần trước, WTI cũng đã mất 20%. Dù mức giảm lớn chủ yếu do hợp đồng giao tháng 5 sắp hết hạn, dư cung tăng vì đại dịch cũng đã kéo giá đi xuống gần hai tháng qua.

Ngành dầu mỏ Mỹ năm nay chịu đựng hai cú sốc. Cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia đầu tháng 3 đã chấm dứt sự bùng nổ trong ngành khai thác dầu đá phiến Mỹ, đẩy giá WTI về sát 20 USD một thùng. Sau đó, các lệnh phong tỏa được hàng loạt quốc gia áp dụng nhằm ngăn đại dịch lây lan, khiến nhu cầu nhiên liệu giảm chưa từng có.

Thỏa thuận giảm sản xuất lịch sử của OPEC+ đầu tháng này có thể giảm phần nào dư cung, nhưng không đủ bù đắp nhu cầu rơi tự do. Khi các kho đều đang gần đầy, thế giới sẽ sớm hết chỗ chứa dầu. Nhiều hãng khai thác dầu và cung cấp các dịch vụ liên quan đến dầu tại Mỹ đã phải ngừng sản xuất và sa thải nhân viên.

Washington giờ đang bật chế độ cứu trợ. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn cho thuê các chỗ trống trong Kho Dự trữ Dầu Chiến lược. Bộ Năng lượng Mỹ cũng đang xây dựng kế hoạch trả tiền cho các hãng sản xuất để họ không tiếp tục khai thác dầu.

Tuy nhiên, trên Financial Times, Megan Greene – nhà nghiên cứu tại Harvard Kennedy School cho rằng việc cứu trợ ngành dầu mỏ có thể tạo ra các công ty xác sống – không kiếm đủ tiền để tiếp tục kinh doanh, mà tồn tại nhờ tiền thuế của người dân.

Một giàn khoan dầu tại New Mexico (Mỹ). (Ảnh: Reuters)

Có nhiều lý do để Mỹ cứu trợ ngành dầu mỏ. Ví dụ, năng lượng là động lực quan trọng thúc đẩy đầu tư. Lần cuối cùng WTI giảm mạnh là giai đoạn 2015 – 2016. Khi đó, chi tiêu vốn tại Mỹ cũng giảm, kéo nước này vào đợt suy thoái về sản xuất và công nghiệp. Số việc làm trong ngành dầu khí cũng mất một phần ba.

Tuy nhiên, Greene cho rằng mô hình kinh doanh với nhiều công ty thăm dò và khai thác dầu đá phiến đã rạn nứt từ trước khi giá dầu lao dốc. Khi lãi suất tại Mỹ thấp kỷ lục, các hãng dầu nước này đã mạnh tay đi vay để đầu tư vào hoạt động khoan dầu, khiến quy mô thị trường trái phiếu năng lượng Mỹ tăng gấp 3 trong thập kỷ qua.

Mục tiêu của họ là khai thác thật nhiều và giành thị phần. Nhà đầu tư vào cổ phiếu ngành dầu mỏ không nhận được nhiều lợi nhuận, do các công ty tái đầu tư tiền lãi và tăng lương cho lãnh đạo cấp cao. Chesapeake Energy chưa năm nào có dòng tiền tự do dương trong thập kỷ qua. Khi nợ tăng, cung tăng, sự chao đảo là điều khó tránh khỏi.

Mike Shellman đã điều hành MCA Petroleum Corp 4 thập kỷ, khai thác và bán dầu thô cho các hãng lọc dầu Mỹ qua nhiều đợt bùng nổ và lao dốc của giá dầu. Nhưng năm nay, ông đã phải từ bỏ việc khoan giếng dầu mới, đồng thời hoãn việc bảo trì máy móc và đang cân nhắc lần đầu tiên đóng cửa phần lớn cơ sở sản xuất.

"Điều khiến tôi lo ngại là giờ không bán được sản phẩm nữa", ông nói. Các hãng lọc dầu và khách hàng khác của Shellman đã cảnh báo có thể không tiếp tục mua hàng sau khi hợp đồng hết hạn tháng này. Hoặc họ sẽ mua với giá thấp, dưới chi phí khai thác của Shellman. Ông dự tính sẽ phải dùng tiền tiết kiệm về hưu để trả lương nhân viên.

Không như đợt lao dốc trước, hiện tại, các nhà băng Mỹ không tăng cho vay các hãng sản xuất dầu đá phiến nữa, Raoul Nowitz – Giám đốc Tái cấu trúc tại SOLIC Capital Advisors cho biết. Ông dự báo khoảng 60 hãng dầu đá phiến Mỹ sẽ phải xin bảo hộ phá sản năm nay. Một số nhà băng thì đang chuẩn bị kế hoạch tiếp quản và điều hành các hãng dầu vỡ nợ.

Nhà đầu tư tại Wall Street cũng rút khỏi lĩnh vực này từ vài năm qua, do lợi nhuận kém, khiến các hãng dầu đá phiến càng có ít lựa chọn huy động vốn. "Chẳng còn phao cứu sinh nào nữa", Lance Loeffler – Giám đốc Tài chính hãng cung cấp dịch vụ khoan cắt Halliburton cho biết trên Reuters.

Greene cho rằng nếu cứu trợ, chính phủ Mỹ sẽ lãng phí tiền bạc vào một ngành đang rất cần tái cấu trúc. Thay vào đó, bà cho rằng nên để ngành này tự thích ứng. Rystad Energy dự báo các hãng dầu đá phiến Mỹ có thể cắt giảm 16% chi phí năm nay.

Những hãng nhỏ có chi phí cao và mức nợ cao nên được các hãng lớn, có tài chính tốt hơn mua lại. Dù việc này sẽ gây ra nhiều vụ phá sản và xóa nợ, nó cũng sẽ giảm chi phí tài chính cho các công ty còn tồn tại. Ngành này sẽ mạnh hơn và lợi nhuận cao hơn.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự báo sản lượng trung bình của Mỹ năm nay dự kiến giảm 500.000 thùng, xuống còn 11,8 triệu thùng mỗi ngày. Con số này sẽ giảm thêm 700.000 thùng một ngày năm 2021.

Dĩ nhiên, Greene cho rằng các chính phủ vẫn nên hỗ trợ công nhân ngành dầu mỏ bị mất việc. Rystad Energy dự báo khoảng 240.000 việc làm liên quan đến dầu mỏ tại Mỹ sẽ biến mất năm nay.

Shellman thì cho biết ông đã nói với nhiều bạn bè bị mất việc rằng đã đến lúc rời ngành này. "Nó sẽ không bao giờ được như trước kia đâu", ông nói.

Shellman đã cam kết trả lương nhân viên bằng tiền tiết kiệm của mình, dù họ đã phải đóng cửa các giếng dầu. Nhưng ông cảm thấy đau đớn không chỉ vì thiệt hại tài chính. "Từ góc độ cảm xúc, việc này đang giết chết tôi", ông nói.

Theo VNE

Các tin cũ hơn