Phát biểu mở màn tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, diễn ra sáng 23/12 tại Hà Nội, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói: "'Make in Viet Nam' là một khẩu hiệu hành động để thúc giục tinh thần sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam. Từ đó, Việt Nam có thể làm chủ công nghệ, tự bảo vệ và trở thành một Việt Nam hùng cường thịnh vượng". Thực tế trong năm 2020, Make in Viet Nam đã giúp tạo nên nhiều thành tựu. Bộ trưởng TT&TT chia sẻ nhiều về kết quả ở một số lĩnh vực, như Phòng chống Covid-19, công nghệ 5G và an toàn không gian mạng, mà theo ông, "đây là các kết quả bất ngờ".
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Trong bối cảnh phòng chống Covid-19 và chuyển đổi cuộc sống sang trạng thái bình thường mới, các sản phẩm như Ncovi, Bluezone, CoMeet, tới các nền tảng học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, kế toán từ xa... đã ra đời. Đánh giá Việt Nam thuộc top đầu thế giới về sáng tạo các nền tảng số thời Covid-19, ông Hùng cho rằng, "nếu không làm chủ công nghệ, nếu không Make in Viet Nam thì chúng ta đã không làm được như vậy", bởi phản ứng nhanh là yếu tố sống còn trong thời đại hiện nay.
Nhờ "Make in Viet Nam", các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng trong nước đã có thể làm chủ 90% hệ sinh thái sản phẩm trong lĩnh vực của mình. Bộ trưởng TT&TT khẳng định sứ mệnh của Việt Nam là trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng. Bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, cũng là một trọng tâm của Make in Viet Nam.
Ở lĩnh vực viễn thông, Việt Nam được ghi nhận là nước thứ năm trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G và điện thoại 5G. Theo Bộ trưởng, đây là một điều bất ngờ và rất ít người, kể cả trong nước và nước ngoài, tin rằng Việt Nam có thể làm được.
Trong năm 2020, số lượng doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam tăng nhiều kỷ lục, đạt mức 28%. "Chúng ta chỉ dám nghĩ đến con số cao nhất là 6.000 doanh nghiệp một năm. Vậy mà ngay năm đầu tiên đã có 13.000 doanh nghiệp mới ra đời", Bộ trưởng Hùng nói về kết quả đạt được sau chỉ thị số 01/CT-TTg, đồng thời nhấn mạnh chỉ thị đầu tiên trong năm 2020 của Thủ tưởng Chính phủ là một chỉ thị về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Với mức tăng trưởng trên, mục tiêu có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam có thể đạt được sớm 5 năm, vào năm 2025, thay vì năm 2030 như ban đầu. Hiện nay, số lượng này là trên 58.000 doanh nghiệp.
Tháng 6/2020, Thủ tướng ban hành Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Make in Viet Nam có thêm sứ mệnh mới là "xây dựng một Việt Nam số", chuyển đổi Việt Nam từ thế giới thực vào thế giới ảo. Đây được đánh giá là chặng đường dài nhiều chục năm, vì vậy Make in Viet Nam cần một tầm nhìn dài hạn và những chiến lược giai đoạn.
Lựa chọn công nghệ mở để phát triển, xây dựng một bộ chỉ số đo lường, khích lệ bằng giải thưởng quốc gia về sản phẩm công nghệ số là các hành động được đưa ra trong năm 2020, phục vụ cho chặng đường này.
"Chúng ta có tên Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, có ngày 12/12 là ngày Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Như vậy là đã được sinh ra, đã được đặt tên, được giao sứ mệnh, bây giờ là lớn lên và phụng sự Tổ quốc. Hãy lớn nhanh như Phù Đổng!" ông Hùng nói với các doanh nghiệp công nghệ số tại diễn đàn.
Người đứng đầu Bộ TT&TT nhấn mạnh: "Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Viet Nam thì chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể hùng cường thịnh vượng".
Ông tin rằng 2021 sẽ là một năm phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, một năm với rất nhiều sản phẩm Make in Viet Nam mới.
Theo VNE