Mỹ hiện vẫn giữ thuế nhập khẩu đang áp lên hàng trăm tỷ USD hàng Trung Quốc, đồng thời áp đặt hạn chế về công nghệ và đầu tư với Bắc Kinh. Trong các cuộc phỏng vấn của Bloomberg kể từ khi bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra, các nhà máy Trung Quốc vẫn giữ quan điểm nghi ngại.
Dicheng Technology - hãng sản xuất nội thất phòng tắm có trụ sở tại Hàng Châu (Trung Quốc) là một trong các công ty chịu ảnh hưởng từ thuế nhập khẩu của Trump năm ngoái. Giám đốc kinh doanh Antony Hung cho biết chính sách có thể dễ đoán hơn, nhưng điều đó cũng không ngăn được công ty tìm kiếm các thị trường khác ngoài Mỹ - nơi hiện đóng góp 20% doanh thu cho họ.
"Chúng tôi không dám chắc 100% là ông Biden sẽ cải thiện những gì. Chúng tôi lo rằng tình huống tương tự sẽ lặp lại và không dám phát triển thị trường Mỹ thêm nữa", Hung nói.
Công nhân trong một nhà máy thép ở Hàng Châu. Ảnh: Reuters
Li Huan - Giám đốc kinh doanh hãng thiết bị y tế EndoAngel Medical Technology tại Vũ Hán cũng đồng tình với quan điểm này. Rào cản lớn vào thị trường Mỹ, cộng với quan hệ xuống cấp giữa hai nước là hai trong các lý do họ tránh thị trường này và đang lên kế hoạch xin giấy phép vào châu Âu.
"Mỹ chắc chắn vẫn đặt rào cản lớn với sản phẩm của chúng tôi. Vì thế, chúng tôi thậm chí còn không thử nữa", Li nói. Cô chỉ kỳ vọng quan hệ hai nước cải thiện một chút dưới thời Biden.
Mỹ có Tổng thống mới trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình theo đuổi tầm nhìn dài hạn cho kinh tế Trung Quốc, nhằm tăng gấp đôi GDP vào năm 2035, với động lực là tiêu dùng và đổi mới công nghệ. Những tham vọng này nằm trong khung kế hoạch kinh tế 5 năm và tầm nhìn 15 năm được tiết lộ một phần tháng trước.
Giới phân tích hiện chưa rõ liệu ông Biden có đối phó với các mục tiêu kinh tế của Trung Quốc quyết liệt như Trump hay không. Trong chiến dịch tranh cử, ông không công bố chi tiết chính sách nào với Trung Quốc sẽ được thay đổi. Dù vậy, ông cũng chỉ trích Bắc Kinh về các vấn đề như Hong Kong hay Tân Cương.
Những người kỳ vọng Biden sẽ thiết lập lại toàn bộ thuế nhập khẩu hoặc hạn chế thương mại mà Trump áp lên Trung Quốc có thể sẽ thất vọng. Do Biden sẽ điều chỉnh chứ không xóa bỏ chúng, Arthur Kroeber - quan sát viên kỳ cựu về kinh tế Trung Quốc, kiêm nhà sáng lập hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics cho biết.
"Tổng thống đắc cử Joe Biden đã cam kết sẽ phục hồi nước Mỹ về thời trước khi Trump nhậm chức. Nhưng điều này sẽ không áp dụng với các chính sách dành cho Trung Quốc", ông nói.
Dù vậy, không như Mỹ, kinh tế Trung Quốc đang phục hồi khá tốt, một phần nhờ nhu cầu của người Mỹ với hàng Trung Quốc, đặc biệt là thiết bị y tế và đồ điện tử. Trong tháng 10, xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh hơn dự báo. Riêng hàng xuất sang Mỹ tăng 22,5%.
Dù chính sách thương mại của Mỹ có thể dễ đoán hơn dưới thời Biden, giới phân tích cho rằng Biden sẽ theo đuổi chính sách đa phương chống lại Trung Quốc, với sự hỗ trợ của các đồng minh. Điều này có thể phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng của các hãng xuất khẩu Trung Quốc. Nó cũng sẽ làm phức tạp thêm hoạt động của các công ty nước ngoài tại đây.
Olivier Brault - Giám đốc mảng châu Á - Thái Bình Dương tại hãng vật liệu xây dựng Soprema (Pháp) cho biết các công ty nước ngoài đang lo lắng điều này. "Tôi cảm thấy có sự thận trọng trong dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc hiện tại, vì nhiều lý do. Một trong số đó chắc chắn là bất ổn về chiến tranh thương mại", ông nói.
Wang Tao - kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại UBS Group cho biết Trump vẫn đang tại nhiệm. Vì thế, khoảng thời gian trước khi chuyển giao quyền lực sẽ khá mong manh với quan hệ hai nước.
"Rủi ro lớn là chính quyền Mỹ hiện tại tăng biện pháp với Trung Quốc. Một số có thể rất khó đảo ngược về mặt chính trị", bà nói.
Benny Xiao - Giám đốc Quan hệ Quốc tế tại Wuhan Boyuan Paper & Plastic không kỳ vọng quan hệ Mỹ - Trung Quốc sớm cải thiện. Thay vào đó, ông cho rằng Trung Quốc nên tự lực nhiều hơn. "Với việc Biden đắc cử, tôi hy vọng chính sách sẽ thay đổi một chút. Nhưng tôi không ảo tưởng đâu", ông nói.
Theo VNE