Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trả lời phỏng vấn VnExpress về việc triển khai đầu tư xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.
- Thưa ông, sau khi được Chính phủ phê duyệt đầu tư, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành được ACV triển khai những bước nào tiếp theo?
- Ngày 11/11, Chính phủ đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Trong đó ACV được giao nhiệm vụ là chủ đầu tư đối với dự án thành phần 3, bao gồm các công trình thiết yếu cảng hàng không như khu bay, nhà ga, các công trình hạ tầng chung, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, hệ thống giao thông kết nối; tổng mức đầu tư trên 99.000 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn của ACV, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ.
Ngay khi Chính phủ trình Quốc hội thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án vào tháng 9/2019, ACV đã triển khai xây dựng phương án thực hiện. Trong đó trọng tâm là kế hoạch, tiến độ thực hiện; cân đối nguồn vốn, kế hoạch giải ngân; hoàn thiện Ban Quản lý dự án phù hợp với từng giai đoạn thực hiện.
Ngoài ra, chúng tôi đã triển khai các công việc cần thiết khác, chuẩn bị sẵn hồ sơ để thực hiện dự án ngay sau khi được phê duyệt; quyết tâm khởi công dự án trong tháng 12/2020 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Ảnh: Anh Duy
- ACV bố trí nguồn nhân lực và tài chính cho dự án như thế nào?
- Vốn tự có của ACV đến từ 2 nguồn. Thứ nhất là 29.225 tỷ đồng tiền mặt hiện có, và dòng tiền tích lũy trong giai đoạn 2020 - 2025 dành riêng cho dự án là 6.877 tỷ đồng. Số còn lại dự kiến được ACV huy động dưới nhiều hình thức như vay thương mại, phát hành trái phiếu doanh nghiệp thị trường trong nước và quốc tế...
Hiện nay, 22 tổ chức đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin để trao đổi về dự án, trong đó 12 tổ chức đã ký biên bản ghi nhớ về mong muốn tài trợ cho dự án với tổng giá trị đề xuất hơn 143.000 tỷ đồng, nhiều hơn nhu cầu vốn cần huy động.
- Là dự án lớn đòi hỏi kinh nghiệm, năng lực quản lý của chủ đầu tư, ACV đề ra những biện pháp gì để quản lý chất lượng, tiến độ dự án?
- Một công việc quan trọng mà chúng tôi đã triển khai là hoàn thiện Ban Quản lý dự án phù hợp với từng giai đoạn thực hiện dự án.
Có 2 yếu tố thuận lợi hết sức cơ bản đối với ACV trong việc thực hiện dự án. Thứ nhất là công tác giải phóng mặt bằng do UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện, phần đất cần thiết cho giai đoạn 1 đã được tỉnh bàn giao cho Bộ Giao thông Vận tải. Thứ hai là nguồn vốn được đảm bảo đầy đủ, sẵn sàng. ACV đang hoàn thiện kế hoạch, tiến độ chi tiết thực hiện dự án trong 60 tháng, với mốc khởi công vào tháng 12/2020 và đưa cảng hàng không vào khai thác vào tháng 12/2025.
Để thực hiện dự án đúng tiến độ, chất lượng, ngoài việc chỉ đạo, giám sát của các cơ quan Nhà nước, chúng tôi đang rà soát, rút ngắn tối đa thời gian dự kiến thực hiện các công việc nội bộ như xây dựng hồ sơ, tài liệu, thẩm định, phê duyệt. Trong thời gian thực hiện dự án, ACV sẽ tăng cường tối đa nhân lực để thực hiện tốt chức năng chủ đầu tư, quản lý dự án, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu tư vấn, thi công, giám sát, cung cấp hàng hóa, dịch vụ để giữ vững tiến độ và đảm bảo chất lượng. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước để thực hiện các quy trình, thủ tục liên quan đến dự án trong thời gian ngắn nhất.
Phối cảnh thiết kế sân bay nhìn từ trên cao. Ảnh: ACV
- Dịch Covid -19 tác động đến ACV, do đó sẽ ảnh hưởng nguồn tài chính đầu tư sân bay Long Thành và các sân bay khác như thế nào?
- Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động của ngành hàng không, trong đó có ACV. Theo dự báo, ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch đối với ngành còn tiếp diễn trong năm 2021, 2022, tác động đến kế hoạch tích lũy vốn cho công tác đầu tư xây dựng cơ bản của ACV đến năm 2025. Mặc dù khó khăn, theo kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2021-2025 được điều chỉnh, chúng tôi giữ vững mục tiêu hoàn thiện hệ thống cơ sở kết cấu hạ tầng cảng hàng không sân bay được giao quản lý.
Chúng tôi cũng điều chỉnh tiến độ, quy mô một số dự án, cân đối lại nguồn lực, bao gồm cả nguồn vốn vay trong nước, quốc tế. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng ACV vẫn ưu tiên đảm bảo đầy đủ nguồn lực tài chính cho dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành như đã được báo cáo trong quá trình thẩm định dự án, cũng như các dự án khác như xây mới Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, Nhà ga hành khách các sân bay Phú Bài, Cát Bi, Vinh; nhà ga hàng hóa sân bay Đà Nẵng; mở rộng Nhà ga quốc tế sân bay Nội Bài, Nhà ga nội địa sân bay Đà Nẵng...
Bên cạnh đó, ACV cũng sẵn sàng cân đối nguồn lực để cải tạo, mở rộng sân bay Điện Biên theo nhiệm vụ được Chính phủ giao.
- Dự án có mục tiêu xây dựng cảng hàng không hiện đại, vậy phương án vận hành sân bay khi hoàn thành được tính toán ra sao?
- Mục tiêu của Cảng hàng không quốc tế Long Thành là trở thành một trong những trung tâm hàng không của khu vực. Theo nghị quyết của Quốc hội, sân bay Long Thành được đầu tư xây dựng đạt cấp 4F theo phân cấp của ICAO với các công nghệ hiện đại trong xây dựng, quản lý và vận hành khai thác tương đương các cảng hàng không tiên tiến trên thế giới; là một cảng hàng không thông minh, đáp ứng các tiêu chuẩn sinh thái về bảo vệ môi trường và phù hợp với xu hướng chung về phát triển bền vững.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng, yêu cầu về vận hành, khai thác cảng hàng không cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi phải xây dựng kế hoạch ngay từ bây giờ. Chúng tôi thực hiện song song quá trình xây dựng là lập phương án vận hành, đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ. Trong đó nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng làm nên sự thành công của dự án, cũng đã nằm trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của ACV.
Sân bay Long Thành được quy hoạch theo 3 giai đoạn đến năm 2040, bao gồm: 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ đảm bảo công suất phục vụ 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hoá mỗi năm. |