Theo Báo cáo của Sở Công Thương TPHCM, năm 2020 chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước giảm 4,0% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng giá trị gia tăng đạt khoảng 268.896 tỷ đồng, tăng 0,47% so với năm 2019; trong đó bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 0,5%. Cụ thể:
Ngành sản xuất hàng điện tử ước tăng 18,7% so cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm Máy tính và linh kiện điện tử năm 2020 ước đạt 17,83 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2019. Ngành hóa dược - cao su - nhựa ước tăng 4,7%. Ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống ước giảm 0,7%. Ngành cơ khí ước giảm 12,4%.
Số liệu được công bố tại Hội nghị tổng kết ngành Công thương TP.HCM năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 và Lễ Công bố sản phẩm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu TP.HCM năm 2020 vừa được tổ chức ngày 13/1/2021.
Thị trường bán lẻ Việt Nam là “miếng bánh” đầy tiềm năng
Tuy còn khó khăn, nhưng sự phục hồi sản xuất kinh doanh thể hiện rõ, Chỉ số IIP được cải thiện qua từng quý (quý I tăng 0%, quý II giảm 11,0%, quý III giảm 4,6% và quý IV còn giảm 0,3% so với quý cùng kỳ năm 2019).
Đặc biệt kể từ tháng 9 trở lại đây, quy mô sản xuất công nghiệp (hàng tháng) đã tăng trưởng so với tháng cùng kỳ năm 2019; riêng tháng 12 ước tăng 2,6% so với tháng 12/2019 - là tháng có mức tăng cao nhất trong năm 2020.
Vể thương mại nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 ước đạt 1.224.705 tỷ đồng, giảm 1,3% so với năm trước. Trong đó, thương mại bán lẻ hàng hóa ước đạt 759.714 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ và chiếm 62,0% trong tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ.
Ông Nguyễn Phúc Khoa, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) cho biết, Việt Nam và cụ thể ở TP.HCM, ngành bán lẻ đang là thị trường tiềm năng. Theo Bộ Công Thương, năm 2010, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân đầu người của cả nước chỉ đạt 19,3 triệu đồng/người, đến nay đã lên 51,2 triệu đồng/người, đóng góp xấp xỉ 8% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Thị trường bán lẻ hiện đại có nhiều tiềm năng phát triển chủ yếu nhờ quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ và chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm nên vẫn còn rất nhiều “đất” để nhà đầu tư khai thác. Không những thế, Việt Nam còn có nền chính trị ổn định, đang trên đà tăng trường và hội nhập với độ mở kinh tế cao, kiểm soát tốt dịch bệnh nên được coi là điểm sáng đầu tư tại khu vực ASEAN và châu Á cũng như điểm đến thu hút của cuộc dịch chuyển thị trường đầu tư.
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang dần thay đổi từ kênh bán hàng truyền thống và hiện đại sang kênh bán hàng trực tuyến và được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển, thậm chí thúc đẩy nhanh hơn phương thức kinh doanh số. Số người dùng internet ở Việt Nam 2020 là 68,17 triệu người. Tăng 6,2 triệu người so với năm 2019. Trong đó, hơn 145 triệu thiết bị di động được kết nối với internet. Bình quân mỗi người dùng 2,1 thiết bị di động.
“Thị trường bán lẻ Việt Nam là "miếng bánh" đầy tiềm năng nhưng không phải ai cũng có thể nắm bắt được cơ hội chiếm lĩnh thị phần. Một số thương hiệu lớn rút khỏi thị trường hoặc thu hẹp mạng lưới của các thương hiệu lớn như Auchan, Parkson hoặc phải chuyển nhượng cho đối thủ nội địa như trường hợp Shop and Go cho thấy đây không phải là một sân chơi dễ dàng”, ông Khoa nhấn mạnh.
Có 92 sản phẩm của 56 doanh nghiệp được công nhận sản phẩm tiêu biểu
Để ghi nhận những sản phẩm – nhóm sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP.HCM có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, có khả năng đóng góp vào sự phát triển công nghiệp cũng như sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố, từ đó xây dựng các cơ chế chính sách để hỗ trợ phát triển, Sở Công Thương tham mưu UBND TP.HCM triển khai chương trình bình chọn “Sản phẩm công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu năm 2020”, kết quả có 92 sản phẩm của 56 doanh nghiệp được công nhận.
Ông Đoàn Ngọc Hiếu, Giám đốc công ty TNHH Nhựa thương mại Liên Đoàn cho biết, Liên Đoàn là một thương hiệu được hình thành chưa đến 10 năm và trong quá trình nỗ lực phấn đấu đã nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng nên sản phẩm của công ty đã được vinh danh là sản phẩm tiêu biểu của thành phố chúng tôi cảm thấy rất vinh dự. Trong thời gian sắp tới công ty sẽ tiếp tục phát huy và học hỏi nhiều hơn từ các bạn hàng nước ngoài để cải thiện hơn nữa chất lượng sản phẩm và đưa sản phẩm tốt nhất đến người tiêu dùng trong nước”, ông Hiếu chia sẻ.
Tuy nhiên, một trong những nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp là giá nhân công ở Việt Nam đang tăng thì nhà nước cần có chính sách và cơ chế về đầu tư công nghệ, trang thiết bị như thế nào để ngành da giày có những bước “nhảy vọt” vượt qua được các đối thủ Trung Quốc, Bangladesh hay Myanmar để giữ được tính cạnh tranh cho thị trường Việt Nam.
“Một thương hiệu lớn của nước ngoài là bạn hàng của công ty cho biết, sắp tới họ sẽ đưa đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam với giá trị gấp đôi hiện tại là 300 triệu USD lên 600 triệu USD, chiếm gần 50% tỷ trọng xuất khẩu hiện tại của Việt Nam (Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,3 tỷ USD/năm). Một khi các thương hiệu nước ngoài đổ thêm đơn hàng về Việt Nam thì cơ hội cạnh tranh và phát triển ngành nghề sẽ rất lớn”, ông Hiếu chia sẻ.