Sự phát triển của công nghệ, sinh hoạt đảo lộn do dịch bệnh khiến thói quen mua sắm và trải nghiệm của khách hàng ảnh hưởng. Xu hướng nổi bật của các doanh nghiệp đón đầu sự thay đổi là kinh doanh trực tuyến và đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử. Tại Việt Nam, trong nền kinh tế mở cửa, các trang thương mại điện tử xuyên biên giới đang được nhiều doanh nghiệp tận dụng để mở rộng quy mô ra thị trường quốc tế. Trong đó, Trung Nguyên Legend đẩy mạnh đưa sản phẩm cà phê năng lượng xuất hiện ở các trang thương mại điện tử hàng đầu thế giới như Amazon, Alibaba (Taobao.com, Tmall.com, Yihaodian.com, JD.com...), hơn 30 website mua bán online lớn nhất Hàn Quốc và tại Việt Nam là Lazada, Tiki, Shopee.
Chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ khẳng định: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sở hữu lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá thành sản phẩm. Việc đẩy mạnh kinh doanh trên trang thương mại điện tử quốc tế đưa đến tiềm năng quảng bá thương hiệu Việt Nam trên quy mô toàn cầu. Các đối tác này mở ra cơ hội cho Trung Nguyên Legend tiếp cận nguồn khách hàng dồi dào tại các thị trường khác nhau”.
Hiện tại, Trung Nguyên Legend đang tập trung phân phối 2 loại sản phẩm chính trên các trang thương mại điện tử là cà phê hòa tan và cà phê chế phin. Cà phê hòa tan hướng đến sự tiện lợi với các dòng sản phẩm như Passiona, cà phê sữa đá Legend, Classic, Special Edition. Cà phê chế phin được đặc chế cho các quán cà phê cùng 5 lựa chọn hương vị riêng biệt. Sự đa dạng và chất lượng giúp sản phẩm Trung Nguyên Legend tạo được tiếng vang tại nhiều thị trường quốc tế.
Các sản phẩm Trung Nguyên được bán trên nhiều trang thương mại điện tử lớn nhất thế giới
“Tôi ăn phở Việt trong nhiều năm, nhưng chưa từng thử cà phê của đất nước này. Tôi luôn tò mò về hương vị và giờ đây tôi biết đến cà phê Việt Nam như thế nào. Tôi rất khuyến khích bạn thử”, một khách hàng của Trung Nguyên Legend trên Amazon nhận xét.
Đại diện Trung Nguyên Legend cho biết: “Trong tương lai, Trung Nguyên tin tưởng rằng theo xu hướng tiêu dùng của khách hàng, chắc chắn các kênh thương mại điện tử sẽ phát triển mạnh hơn hiện nay. Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Một doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ khi cần tận dụng bán hàng qua kênh thương mại điện tử, từ đó mở rộng khách hàng mục tiêu trên phạm vi toàn cầu”.
Gợi mở cho ngành nông sản Việt
Nhờ độ phủ thị trường rộng lớn của các trang thương mại điện tử, doanh nghiệp có thể trực tiếp tiếp cận hơn hàng trăm triệu tài khoản người mua đang hoạt động trên toàn cầu. Các thị trường tiềm năng như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cũng mở ra. Với trường hợp của Amazon, trong giai đoạn 2019-2020, tập đoàn này đầu tư 30 tỷ USD vào các lĩnh vực hậu cần, công cụ, dịch vụ, chương trình và nhân lực nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh doanh của các đối tác bán hàng. Bên cạnh đó, trong năm 2020, Amazon phát hành 135 công cụ và dịch vụ khác nhau nhằm giúp các đối tác bán hàng bên thứ ba phát triển hoạt động kinh doanh. Hiện tại, Amazon có 150 triệu khách hàng VIP sở hữu tài khoản Prime.
Trường hợp của Trung Nguyên Legend là gợi ý cho các doanh nghiệp ngành nông sản Việt Nam trong hành trình vươn mình ra biển lớn. Bắt nguồn từ một quốc gia có thế mạnh về mặt hàng nông sản với hàng loạt sản phẩm nổi tiếng toàn cầu như cà phê, gạo, trà… các doanh nghiệp Việt đang có một lợi thế rất lớn khi đưa các sản phẩm này ra thế giới. Vì vậy, việc mở rộng quy mô kinh doanh là điều tất yếu để hàng Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến và ưa chuộng nhiều hơn, đồng thời phát triển một thị trường mới giàu tiềm năng.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ tin các doanh nghiệp vừa và nhỏ sở hữu lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá thành sản phẩm
Khi kinh doanh online xuyên biên giới, các công ty Việt Nam cần lưu tâm tới vấn đăng ký và bảo vệ thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Ngoài ra, những bước khởi tạo đầu tiên cũng cần được lưu tâm như tạo cửa hàng trực tuyến, tạo danh mục, quản lý sản phẩm, xử lý các vấn đề hậu cần, giao nhận hàng hóa hiệu quả. Đa phần công việc này được sự hỗ trợ từ đối tác là các trang thương mại điện tử quốc tế. Ví dụ Amazon cung cấp công cụ Đăng ký thương hiệu, Nội dung A+, Amazon Vine…
Các trang thương mại điện tử giúp người tiêu dùng tốn ít công sức hơn cho dịch vụ hậu cần và dịch vụ chăm sóc khách hàng mà thay vào đó tập trung đến chất lượng và trải nghiệm đối với từng sản phẩm. Do đó, doanh nghiệp nông sản Việt chỉ cần tạo nên sản phẩm tốt và hoàn toàn có cơ hội cạnh tranh công bằng với các thương hiệu lớn trên thế giới.