Nhiều cơ hội thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt Nam trong 2021
Chủ nhật, 17/01/2021, 15:53
Với quy mô khoảng 2,2 tỷ người, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu (26,2 nghìn tỷ USD), RCEP là FTA lớn nhất thế giới mà Việt Nam vừa tham gia được kỳ vọng mở ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.
Rau quả các loại có nhiều cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc - Ảnh: Nguyễn Huyền
Hội nghị “RCEP & UKVFTA cơ hội thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt Nam với thị trường thế giới” diễn ra cuối tuần qua, chuyển tải nhiều nội dung giúp doanh nghiệp vận dụng một cách tốt nhất các FTA này.
RCEP còn gọi là ASEAN + 5 gồm 10 nước trong khối ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand. Việt Nam có thể là một trong những quốc gia nhận được nhiều lợi ích từ RCEP. Nguyên nhân là những nước tham gia vào Hiệp định hầu hết đều có nhu cầu nhập khâu những mặt hàng thuộc thế mạnh của Việt Nam như nông, thuỷ sản.
UKVFTA là Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh, có nội dung tương tự như EVFTA, gồm thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại….
Ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam cho biết, để có thể tận dụng tốt nhất các cơ hội về thương mại và đầu tư, doanh nghiệp nông nghiệp cần đáp ứng một loạt những yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm (ATTP)... Các quy tắc đơn giản hóa quy trình và chi phí xuất nhập khẩu, quy tắc xuất xứ đơn giản hóa sẽ giảm thời gian và chi phí cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, giúp tăng tỉ suất lợi nhuận và làm cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh hơn trên các thị trường RCEP.
Các quy định về thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp được cho phép và thực hiện nhất quán trong toàn khu vực. Điều này sẽ thay thế các biện pháp phòng vệ thương mại trong nước.
“Ngoài việc mở cửa cho các nước RCEP về thương mại, dịch vụ, Hiệp định áp dụng quy chế quốc gia trong thương mại hàng hóa đối với tất cả các hàng hóa được phép. Mặc dù điều này không thay đổi nhiều đối với thương mại giữa các nước ASEAN, nhưng làm giảm thuế quan của nhiều nước RCEP đối với hàng hóa Trung Quốc.
Các nhà sản xuất Việt Nam sẽ phải cạnh tranh trong nước với một loạt hàng hóa mới có giá thành thấp hơn, phải giảm giá và giảm lợi nhuận để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ một chuỗi cung ứng lớn hơn và lâu đời hơn như Trung Quốc”, ông lưu ý.
Các thị trường chính trong RCEP
Trong 15 nước thành viên RCEP thì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) lớn nhất của Việt Nam. Tốc độ xuất khẩu giai đoạn 2010 - 2019 đạt bình quân 15%/năm, từ 3,3 tỷ USD năm 2010 lên 10,9 tỷ USD năm 2019.
Trung Quốc chiếm 25,14% tổng giá trị xuất khẩu NLTS chính của Việt Nam. Năm 2020, xuất khẩu NLTS sang thị trường Trung Quốc ước đạt 10,36 tỷ USD giảm 5,2% so với năm 2019 và đứng thứ 2 sau Hoa Kỳ.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Trung Quốc đang tăng cường kiểm hàng nhập khẩu nhằm kiểm soát tiềm ẩn rủi ro về lây lan dịch bệnh, quản lý chất lượng đồng thời, đề nghị Việt Nam đôn đốc các cơ quan chức năng chuyên ngành tăng cường công tác quản lý chất lượng hàng NLTS, khiến giảm hiệu suất thông quan, tăng áp lực đối với công tác phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, Trung Quốc đang kiên quyết siết chặt quản lý đối với nhập khẩu các mặt hàng nông sản chưa được phép mở cửa thị trường.
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu NLTS lớn thứ 5 của Việt Nam, chiếm gần 10% tổng kim ngạch. Năm 2020, xuất khẩu NLTS ước đạt 3,42 tỷ USD, giảm 0,7% so với năm trước, Nhật Bản là thị trường khó tính về ATTP, đặc biệt đối với sản phẩm chăn nuôi.
Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 7, chiếm gần 7% tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS. Năm 2020, xuất khẩu NLTS sang thị trường này ước đạt 2,34 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ. Hàn Quốc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng, mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, ATTP cao và xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước lớn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS vào thị trường Asean năm 2020 ước đạt 3,69 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái (đứng thứ 4 và đạt mức 8,95%. Đây là thị trường có nhu cầu cao về nông sản, là các nước có địa lý gần gũi, văn hóa tương đồng với Việt Nam.
Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu rau quả
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, các tiêu chuẩn nhập khẩu, thị hiếu tiêu dùng giữa các nước trong RCEP khá tương đồng, khoảng cách địa lý của các nước nội khối không quá xa nên chi phí Logistics thấp hơn, giao thông vận chuyển hàng dễ dàng hơn so với các thị trường khác như Mỹ, Châu Âu…
RCEP sẽ mở cửa thị trường xuất khẩu thêm cho nhiều mặt hàng nông sản, nên xuất khẩu rau của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trước.
Hiện Trung Quốc chỉ cho phép 10 loại quả tươi xuất khẩu chính ngạch thì sắp tới có thể sẽ mở rộng thêm các mặt hàng tươi khác như sầu riêng, chanh dây, bưởi, bơ, vú sữa, .... Kể cả thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, New Zealand..
Đây là điểm cốt lõi và mong chờ của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu NLTS rau quả Việt Nam thông qua các cam kết mở cửa thị trường, quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực địa lý RCEP cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại của các nước thành viên, tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới.
Song theo Bộ Công Thương, nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh mạnh hơn. Hiện chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm Việt còn khiêm tốn. Sức ép này không chỉ diễn ra trên thị trường xuất khẩu mà cả thị trường nội địa. Các mặt hàng rau quả ngoại có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và đạt ATTP sẽ cạnh tranh, thậm chí sẽ tràn vào thị trường VN nhiều hơn. Trong khi đó, người Việt lại khá chuộng hàng ngoại.