Ngày 14-2, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Khai mạc hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI, cho biết hội thảo nhận được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu. Theo đó, có trên 300 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp đăng ký tham dự và mong muốn phát biểu, góp ý kiến tại hội thảo này.
Đáng chú ý, trong số trên 300 đại biểu, có trên 60% là đại diện các doanh nghiệp ở các địa phương ngoài Hà Nội, đã về dự hội thảo, cho thấy sức "nóng" của việc sửa đổi các quy định về kinh doanh xăng dầu.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, quá trình xây dựng dự thảo Nghị định cần nhất quán quan điểm về tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch. Ông Tuấn cho rằng mệnh lệnh hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu chỉ là giải pháp tình thế.
"Cơ quan chức năng quản lý xử phạt các cây xăng ngừng bán hàng chỉ là giải pháp tình thế, xử lý những vấn đề cấp bách, trước mặt, còn lâu dài thì chuỗi kinh doanh xăng dầu không thể vận hành theo mệnh lệnh hành chính như vậy được. Mệnh lệnh hành chính không bền vững bằng động lực thị trường" - ông Đậu Anh Tuấn nêu rõ.
Về phía cơ quan soạn thảo, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết luôn lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp để sửa quy định phù hợp với bối cảnh quốc tế, trong nước, bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội và biến động thị trường. Việc sửa đổi quy định để tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Ông Trần Duy Đông nhấn mạnh việc xây dựng chính sách phải hướng đến mục tiêu dài hạn, ổn định, không chạy theo vấn đề cục bộ, không chạy theo vấn đề mang tính chất hiện tượng, cá biệt.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã có nhiều kiến nghị để cơ quan soạn thảo hoàn thiện Nghị định sửa đổi các quy đinh về kinh doanh xăng dầu.
Ông Hà Thanh Tùng, Công ty TNHH Thương mại xăng dầu Hà Giang (ở Hà Giang), đề nghị đơn vị soạn thảo công nhận sự tồn tại của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, giúp doanh nghiệp bán lẻ có các quyền và nghĩa vụ bình đẳng như các thương nhân phân phối để đảm bảo sự công bằng.
Về chiết khấu, theo ông Tùng, do kinh doanh xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên lời hay lỗ vẫn phải bán hàng nếu ngừng bán phải có lý do chính đáng, nếu không sẽ bị phạt. Thời gian qua dù chịu mức chiết khấu bằng 0, thậm chí là chiết khấu âm nhưng doanh nghiệp bán lẻ vẫn phải duy trì kinh doanh.
Doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng ở một nơi sau khi ký hợp đồng có thể bị chèn ép bởi nhà phân phối cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận bởi nếu không lấy hàng sẽ không thể lấy của nhà phân phối khác.
Kiến nghị với ban soạn thảo, ông Hà Thanh Tùng cho rằng cần ghi nhận lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ một cách hợp lý để đảm bảo không có phân biệt đối xử. Cụ thể, chi phí kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ được từ 3-3,5% nhân với giá bán lẻ. Điều này tạo ra sự hài hòa lợi ích. Ngoài ra, ông Tùng đề xuất lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp bán lẻ từ 2-2,5% giá bán lẻ.
Ông Hà Thanh Tùng cũng đề nghị cho phép các doanh nghiệp bán lẻ quyền tự do kinh doanh theo luật Thương mại - cho phép mua hàng từ nhiều nguồn, nếu quy định thì thấp nhất có thể là từ 3 nơi.
Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, cũng kiến nghị cần xác lập vị thế của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cao hơn. Bởi theo ông, cộng đồng bán lẻ tư nhân đang chiếm thị phần lớn chuỗi cung ứng, nhất là phủ khắp cho vùng sâu, vùng xa mà doanh nghiệp nhà nước không thể kham nổi hết.
Gửi kiến nghị đến cơ quan soạn thảo, ông Giang Chấn Tây mong muốn việc có quy định rõ ràng về mức chiết khấu tối thiểu. "Cần xem chiết khấu như là phí xăng dầu, coi đây là công cụ để giúp doanh nghiệp bán lẻ hoạt động trong mọi tình huống biến động của giá xăng dầu trên thị trường thế giới"- ông Tây nêu quan điểm.
Đại diện thương nhân phân phối xăng dầu, ông Văn Tấn Phụng, Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Nai, cũng kiến nghị đến cơ quan soạn thảo một số vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối khi sửa đổi quy định.
Theo ông Phụng, thương nhân phân phối có vai trò xuyên suốt trong chuỗi cung ứng xăng dầu, sự thay đổi về tên gọi, quy mô của thương nhân phân phối luôn đi cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bộ Công Thương đề xuất sẽ bổ sung quy định thương nhân phân phối chỉ được phép nhập hàng của 3 thương nhân đầu mối và không được lấy hàng từ thương nhân phân phối khác. Quy định này được thuyết minh là nhằm gắn trách nhiệm của thương nhân đầu mối cung cấp hàng cho các thương nhân phân phối khi nguồn cung xăng dầu khó khăn.
Ông Phụng cho rằng đề xuất nêu trên đã cho thấy dấu hiệu của sự đứt gãy nguồn cung. Thương nhân phân phối giữ vai trò đưa hàng từ đầu mối, phân bổ nguồn hàng đến các vùng miền trên cả nước, góp phần cung ứng tốt hơn xăng dầu cho tiêu dùng ở mọi miền đất nước.
Do đó, Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Nai kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét đề xuất trên, không hạn chế số lượng đầu mối mà thương nhân phân phối được nhập hàng và tiếp tục cho các thương nhân phân phối nhập hàng của nhau.
Theo NLĐO