Nhà đầu tư Nhật Bản vẫn tính mở rộng tại Việt Nam dù năng suất lao động thấp

Thứ tư, 15/02/2023, 21:54
Dù có nhiều yếu tố chưa hài lòng nhưng tỷ lệ nhà đầu tư Nhật Bản cho biết sẽ vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh ở Việt Nam ở mức cao trên 60%.

Ảnh minh họa

Vai trò ngày một quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng đang kéo thêm lượng vốn đầu tư quan trọng từ Nhật vào ngành hàng điện tử, theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), theo nội dung bài báo mới được Nikkei đăng tải.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Trưởng đại diện của JETRO tại Việt Nam, ông Matsumoto Nobuyuki, cho biết nhiều doanh nghiệp sản xuất đã đầu tư vào việc sản xuất các thiết bị cao cấp cũng như nhiều ngành nghề khác tại Việt Nam nhờ vào chính sách trợ cấp dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc của chính phủ Nhật, ngoài ra cũng để đa dạng hóa hoạt động sản xuất ra khắp khu vực Đông Nam Á.

Kết quả khảo sát của JETRO trong thời gian gần đây cho thấy Việt Nam là điểm đến ưu tiên đầu tiên cho các doanh nghiệp Nhật. Việt Nam hiện đã là nơi sản xuất của nhiều doanh nghiệp điện tử lớn của Nhật như Sharp và Murata - cả hai công ty này đều là nhà cung cấp cho Apple.

Tuy nhiên có một số yếu tố khác ví như việc người lao động thiếu kỹ năng, chuỗi cung ứng còn thiếu linh kiện hoặc việc đóng cửa ngăn COVID-19 đã cản trở hoạt động đầu tư, ông Matsumoto nói.

Lần đầu tiên, cuộc khảo sát gần đây của JETRO đã đặt ra câu hỏi liệu các doanh nghiệp có đang cắt giảm khí thải, kết quả cho thấy chỉ 29% doanh nghiệp tại Việt Nam nói “có”, tỷ lệ thấp nhất trong số 18 nước mà JETRO thực hiện khảo sát.

Khi được hỏi kết quả khảo sát nào tạo ra nhiều bất ngờ, ông Matsumoto cho biết đó là tỷ lệ doanh nghiệp kỳ vọng có lãi trong năm 2022. Ở ngưỡng chỉ 59,5%, tỷ lệ này chỉ cao hơn 6 trong 18 nước mà JETRO thực hiện khảo sát. Ông lý giải điều này có nguyên nhân từ việc Việt Nam hiện vẫn đang trong quá trình hồi phục từ sau khi phong tỏa ngặt nghèo để ngăn COVID-19.

“Điểm khởi đầu cho Việt Nam chậm hơn nhiều so với những nước khác không phong tỏa”, ông Matsumoto nói.

Trong một nhận xét mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng Việt Nam đang phát triển lên những ngưỡng cao hơn trong chuỗi giá trị, trong đó tỷ lệ hàng công nghệ cao trong xuất khẩu chạm mức 42% trong năm 2020, cao hơn đáng kể từ mức 13% của năm 2010.

Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm cung ứng chỉ đạt 37,3%, thấp hơn so với Indonesia hay Thái Lan. Hơn thế nữa, ước tính có tới khoảng 72,6% người trả lời cho biết họ cần phải đào tạo nhân lực, cao hơn so với con số 66% tại Đông Nam Á, theo công bố của JETRO.

Ông Matsumoto đưa ra một ví dụ để nói về việc năng suất thấp đang cản trở Việt Nam như thế nào: một doanh nghiệp tại Nhật có thể thử nghiệm thiết bị điện tử bằng cách chụp ảnh nó và kiểm tra với máy tính, tuy nhiên tại Việt Nam, các công đoạn này đều phải thực hiện bằng tay và số lượng người muốn làm nó luôn quá đông.

Ông tin Việt Nam sẽ tự động hóa được những quy trình thâm dụng lao động này và rằng những bất ổn từ các diễn biến khác rồi cũng sẽ qua đi.

Cũng theo kết quả khảo sát của JETRO, ước tính khoảng 60% doanh nghiệp trả lời họ có kế hoạch tiếp tục mở cửa hoạt động kinh doanh trong vòng 1 hoặc 2 năm tới nữa, cao hơn tất cả các nơi khác ngoại trừ Ấn Độ và Bangladesh.

Nhật và Hàn Quốc thường xuyên giữ vị thế nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, chính phủ hai nước này cũng có chính sách trợ cấp cho doanh nghiệp muốn chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.

Theo BizLive

Các tin cũ hơn