Đoạn từ cầu Bình Triệu đến cuối tuyến của dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài, nhiều nơi vẫn còn ngổn ngang, chưa thi công.
|
Đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài: Sau bốn năm thi công, vẫn tìm... mặt bằng!
Được khởi công từ tháng 6.2008, đến nay đã gần bốn năm nhưng dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài vẫn còn loay hoay giải quyết khâu mặt bằng, khiến dự án có nguy cơ khó hoàn thành đúng tiến độ như đã đề ra.
Tuyến đường trên dài 13,6km bắt đầu từ sân bay Tân Sơn Nhất qua nút giao Nguyễn Thái Sơn, cầu Bình Lợi, đường Kha Vạn Cân và kết thúc tại ngã tư Linh Xuân. Dự án đi qua bốn quận: Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức.
Theo tính toán, khi tuyến đường trên hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ có năng lực thông xe lên đến 42.000 xe ôtô/ngày đêm. Đây là tuyến đường được thành phố kỳ vọng sẽ giảm đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông ở các quận mà nó đi qua. Chính vì tầm quan trọng của tuyến đường, nên thành phố có chủ trương cho thi công theo hình thức cuốn chiếu (xong tới đâu sử dụng tới đó). Cụ thể, đoạn từ đường Nguyễn Thái Sơn đến nút giao Bình Triệu (dài 4,4km), do áp lực giao thông cao nên sẽ được thông xe trước vào cuối năm 2012.
Như vậy, từ nay đến ngày dự kiến thông xe đoạn kể trên còn khoảng chín tháng. Song theo ghi nhận của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị ngày 27.3, đoạn đường trên vẫn còn ngổn ngang, nhiều hạng mục quan trọng chưa được triển khai thi công. Nếu tính từ điểm đầu dự án (sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình) đến vị trí giao cắt với đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) thì tuyến đường đã cơ bản được “thành hình”.
Đơn vị thi công đã lắp đặt hệ thống điện, đèn; phần mặt đường đang được trải nhựa lớp một ở một số đoạn. Tuy nhiên hệ thống thoát nước, cây xanh, vỉa hè hai bên đường… nhiều nơi chưa được triển khai thi công. Riêng đoạn từ vị trí giao cắt đường Phan Văn Trị đến cầu Bình Triệu mới hoàn thành việc lắp đặt hệ thống dầm cầu vượt sông Sài Gòn, còn các hạng mục khác thấy rất ít công nhân thi công.
Dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên đi qua vùng đất rộng khoảng 14.900ha thuộc địa bàn tám quận, huyện gồm: quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú, 12, 8 và huyện Bình Chánh. Giai đoạn 1 của dự án với 9 gói thầu và sẽ thực hiện các hạng mục: nạo vét toàn tuyến kênh dài 32,7km, xây dựng và sửa chữa 148 cống ngăn triều, trồng cây xanh ven lưu vực… Tổng kinh phí giai đoạn 1 của dự án khoảng 1.950 tỉ đồng. |
Tuy công trường còn ngổn ngang, nhưng trao đổi với chúng tôi, một nhân viên giám sát công nhân đang trải nhựa lần đầu gần nút giao cắt với đường Phan Văn Trị, khẳng định chắc nịch: “Với tiến độ thi công như hiện nay, đảm bảo đến cuối năm 2012, đoạn từ đường Nguyễn Thái Sơn đến cầu Bình Triệu có thể đưa vào sử dụng”.
Khi hỏi các đơn vị liên quan liệu đoạn đường từ cầu Bình Triệu đến cuối tuyến (nút giao Linh Xuân, quận Thủ Đức) có hoàn thành vào cuối năm 2013 như kế hoạch đã đề ra, chúng tôi nhận được sự im lặng. “Họ không trả lời là đúng, bởi tới nay công trình đã triển khai gì đâu”, anh Tuân, ngụ đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức nói.
Quả thật, ngày 27.3 đi suốt đoạn đường trên chúng tôi nhận thấy ngoài đoạn từ cầu Bình Triệu đến cầu Gò Dưa (quận Thủ Đức) đang được đơn vị thi công khoan nhồi, đóng cọc... thì các khâu còn lại gần như chưa được triển khai. Riêng đoạn từ cầu Gò Dưa về cuối tuyến, nhiều nơi cỏ mọc um tùm trên những phần mặt bằng đã được giải phóng, thậm chí một số nơi vẫn còn nhiều nhà dân chưa được di dời.
Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, đoạn vừa láng nhựa xong (chụp chiều ngày 27.3.2012).
|
Theo sở Giao thông vận tải, tổng số hộ dân phải giải toả trong dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài là 3.900 hộ. Tuy vậy đến nay, không chỉ có quận Thủ Đức chưa giải phóng xong mặt bằng mà một số quận khác cũng còn loay hoay, với số hộ chưa chịu di dời lên đến hàng chục, trong khi trước đó, UBND TP.HCM liên tiếp chỉ đạo các địa phương phải bàn giao dứt điểm mặt bằng cho đơn vị thi công, tránh gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Dự án kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên (giai đoạn 1): Chậm trễ gây lãng phí lớn
Ông Trần Công Lý, phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM, cho biết, dù đã mười năm trôi qua, nhưng đến nay dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên (giai đoạn 1) vẫn chưa thực hiện xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Trong số hơn 3.200 hộ nằm trong diện phải di dời mới có 2.083 hộ bàn giao mặt bằng, còn hơn 1.000 hộ chưa bàn giao. Nguyên nhân, do nhiều người không đồng ý nhận tiền đền bù. Đối với những hộ giải toả trắng phải thực hiện tái định cư, nhưng không thể thực hiện được ngay vì thiếu căn hộ hoặc nền đất để bố trí tái định cư.
“Hiện nay việc chuẩn bị nền, căn hộ tái định cư đã tương đối, tuy nhiên vẫn chưa thể giải quyết hết được nhu cầu tái định của người dân. Các vướng mắc đang được các địa phương tích cực triển khai và cố gắng bàn giao sớm. Riêng với UBND quận Bình Tân thì UBND thành phố vừa có văn bản chỉ đạo phải khẩn trương triển khai nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà thầu trước ngày 15.4.2012”, ông Lý cho biết.
Liên quan tới dự án này, UBND TP.HCM cho biết, đã nhiều lần gia hạn tiến độ hoàn thành song đến nay một số quận chưa hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Việc chậm trễ kéo dài đã gây lãng phí nhiều mặt, đồng thời cho thấy tinh thần trách nhiệm chưa cao, thể hiện sự thiếu nghiêm túc, thiếu phối hợp đồng bộ, kịp thời của các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND thành phố. Do đó, UBND thành phố chỉ đạo cần nhanh chóng khắc phục tình trạng trên.
Dự án đường trên cao Nhiêu Lộc – Thị Nghè: Hơn mười năm vẫn chưa có lối ra!
Theo ông Vũ Xuân Hoà, giám đốc công ty cổ phần tư vấn xây dựng Bách Khoa (TP.HCM) – đơn vị được thuê làm tư vấn thiết kế dự án đường trên cao Nhiêu Lộc – Thị Nghè, sau hơn mười năm triển khai, đến nay tuyến đường này vẫn chưa có gì mới. “Theo tôi biết, hiện nay đơn vị đầu tư kinh phí cho dự án là công ty Beton 6 đang có ý định tìm nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện. Vừa rồi, họ có đề nghị tôi cung cấp những tài liệu của dự án dịch ra bằng tiếng Anh và gửi cho một số nhà đầu tư khác”, ông Hoà nói.
Theo SGTT