Tin liên quan
> Nếu mất khả năng chi trả, NHNN sẽ cứu
Nhắm vào nhóm yếu kém
Theo thông tin từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), thông tư 06 vừa được NHNN ban hành cuối tuần qua quy định chi tiết về việc cho vay đặc biệt của NHNN và TCTD khác đối với các TCTD lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, tác động đến sự ổn định của hệ thống hoặc TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả do sự cố nghiêm trọng khác.
Đây được coi là văn bản pháp lý đầu tiên liên quan trực tiếp đến các TCTD “yếu kém” được NHNN ban hành tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 254 phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015.
Theo thông tư này, NHNN sẽ quyết định khoản cho vay đặc biệt đối với TCTD hoặc yêu cầu TCTD khác cho vay đặc biệt đối với TCTD. Trong đó, NHNN sẽ quyết định mức cho vay đặc biệt trên cơ sở mất khả năng chi trả của TCTD.
Ngân hàng có thể chuyển vốn cho vay thành vốn góp |
Cụ thể, đối với TCTD lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa ổn định của hệ thống, lãi suất cho vay đặc biệt sẽ do NHNN quyết định trong từng trường hợp cụ thể. Lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay. Căn cứ vào đề nghị của TCTD, tình hình khả năng chi trả thực tế của TCTD, NHNN quyết thời hạn cho vay, kỳ hạn trả nợ trong từng trường hợp cụ thể, nhưng thời hạn cho vay tối đa là 2 năm.
Với các TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả do sự cố nghiêm trọng, lãi suất cho vay là lãi suất tái cấp vốn được NHNN công bố trong từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay và kỳ hạn cho vay tối đa dưới 1 năm. NHNN cũng có thể xem xét gia hạn khoản cho vay đặc biệt nhưng tổng thời hạn cho vay và gia hạn không quá 2 năm.
Chuyển thành vốn góp
Với khoản vay đặc biệt trên đây, NHNN quy định rất rõ về việc sử dụng của các TCTD, trong đó nhấn mạnh chỉ được sử dụng để chi trả tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân tại TCTD. Việc sử dụng khoản cho vay đặc biệt để chi trả tiền gửi của các đối tượng khác sẽ phải được Thống đốc NHNN quyết định từng trường hợp cụ thể. Các TCTD bị nghiêm cấm sử dụng khoản cho vay đặc biệt này để chi trả tiền gửi của người có liên quan của TCTD.
Ngoài ra, thông tư cũng quy định khi có nguồn trả nợ TCTD phải chủ động trả nợ NHNN và TCTD cho vay kể cả trường hợp khoản vay chưa đến thời hạn trả nợ. Đến thời hạn trả nợ, TCTD có trách nhiệm hoàn trả nợ đầy đủ gốc và lãi cho NHNN, TCTD cho vay.
Dư nợ khoản cho vay đặc biệt không hoàn trả đúng hạn sẽ được NHNN, TCTD cho vay chuyển sang nợ quá hạn kể từ ngày quá hạn.
Một trong những điểm đáng lưu ý là TCTD không trả được nợ khi đến thời hạn trả nợ, NHNN hoặc TCTD cho vay đề nghị thực hiện các biện pháp để thu hồi nợ gốc và lãi.
Trong đó có thể trích tài khoản tiền gửi của TCTD tại NHNN để thu nợ, từ các nguồn khác của TCTD hoặc khoản cho vay đặc biệt được chuyển thành góp vốn, mua cổ phần của NHNN, TCTD khác tại TCTD thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài việc nắn dòng vốn cho vay từ NHNN và TCTD vào đúng đối tượng và phát huy hiệu quả tại các TCTD yếu kém, cơ chế cho vay đặc biệt của NHNN trên đây cũng mở ra một hướng mới trong việc cơ cấu hệ thống NH. Trong đó có việc NHNN và TCTD có thể trở thành cổ đông của các TCTD không có khả năng trả nợ. Các NHTM lớn mạnh với thanh khoản dồi dào nhờ đó có thể tham gia trực tiếp vào quá trình tái cấu trúc các ngân hàng thuộc nhóm “yếu kém”.
Cơ chế cho vay nói trên được NHNN ban hành trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện rõ rệt, thể hiện qua việc lãi suất liên NH tiếp tục ổn định ở mức thấp trong hai tuần đến ngày 23.3, dù rằng NHNN liên tục hút ròng trên thị trường mở và phát hành trái phiếu nhằm hút tiền về.
Sự cải thiện thanh khoản trên thị trường liên NH có thể xuất phát từ việc gia tăng lượng vốn huy động của các TCTD khi mà tổng nguồn vốn huy động của các TCTD ở Hà Nội và TPHCM trong tháng 3 đều tăng lần lượt 2,3% và 1,6% so với tháng trước đó.
Theo Lao Động