Cậu con trai đi du học từ cuối năm 2010, để lại cho bác Nguyễn Hữu Tám, sống ở Vĩnh Phúc chiếc sim 09xxx15999. Mới đây bác Tám phát hiện ra số đó đã bị thu hồi, dù sim đã được đăng ký chính chủ trước đó. Bác kể, một tháng đầu sử dụng, bác liên tục nhận được những cuộc gọi nháy máy, gạ bán sim... Nhưng bác được anh con trai dặn là không bán bởi số đó hợp với phong thủy của anh, lúc mua có giá 8,5 triệu đồng.
Thấy quý, bác đem cất vào tủ. “Tôi dùng cũng phí ra, mình cần gì số đẹp, lại phải đi tiếp bao nhiêu cuộc gọi ngã giá”, bác Tám phân trần. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà bác Tám để quá lâu không phát sinh cuộc gọi.
Dịp Tết vừa rồi, con trai bác Tám về chơi, mang ra dùng mới hay sim đã bị thu hồi. “Mỗi lần con tôi nhắc mang ra dùng, tôi lại nghĩ bụng chẳng cần thiết, của cả đống tiền cất trong tủ cho chắc, chứ cũng không biết là phải phát sinh gì cả”, bác chia sẻ.
Nhà mạng khuyến cáo thuê bao nên đăng ký thông tin cá nhân ngay khi mua sim. |
Không quên quy định của nhà mạng nhưng chỉ vì quá trân trọng chiếc sim chồng sắp cưới tặng mà chị Nguyễn Thu Huyền, sống ở Từ Liêm, Hà Nội cũng mất sim đẹp. Chị kể, sinh nhật năm ngoái, anh dành tặng chị đôi sim 1102, số liền kề trước đó đổi chéo ngày sinh của 2 người. Tuy không phải là số quá đẹp nhưng để đúng ý nghĩa, anh đã phải đầu tư cả tháng tìm kiếm và mất không dưới 5 triệu đồng.
Trân trọng tình cảm của người yêu, chị Huyền quyết định để dành đến đúng ngày cưới mới đi đăng ký, kích hoạt 2 chiếc sim đó. “Người bán nói sim nguyên kit nên để đến bao giờ cũng được”, chị Huyền kể. Tuy nhiên, sau khi đi đăng ký kết hôn, chị kích hoạt, lắp vào máy thì sim không sử dụng được.
Liên hệ với tổng đài, chị Huyền được giải thích, do sim đã ra khỏi kho nhưng không có thông tin đăng ký của khách hàng. Sau đợt thanh tra, nhà mạng đã nhắn tin yêu cầu thuê bao ra đăng ký lại. Song, có thể do không sử dụng nên chị Huyền không nhận được thông báo trên và quá thời hạn quy định, sim bị thu hồi.
Trao đổi với PV, đại diện của VinaPhone cho biết, trường hợp khách hàng cất giữ sim đẹp quá lâu không sử dụng hoặc sim mới đăng ký mà không phát sinh cước trong 24h đầu tiên đều có nguy cơ bị thu hồi theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Vị này giải thích thêm, khi tài khoản hết hạn sử dụng hoặc quá lâu không phát sinh cước, thuê bao trả trước sẽ bị chặn một chiều. Trong 10 ngày tiếp theo - tùy theo gói cước, khách hàng không nạp tiền hoặc phản hồi, các doanh nghiệp viễn thông sẽ tiến hành chặn 2 chiều rồi thu hồi số sau đó 30 ngày, theo đúng quy định.
Riêng với trường hợp sim chưa kích hoạt, đại diện của một nhà mạng khác cho hay, nếu để quá lâu không hoạt động, sim cũng có thể bị thu hồi để tránh tình trạng đầu cơ, gom số. Ngoài ra, khi thanh tra phát hiện thấy thông tin thuê bao khống hoặc sai lệch với thực tế, nhà mạng sẽ nhắn tin để khách hàng sửa đổi và đăng ký lại. Quá thời hạn quy định mà người dùng không thực hiện, sim đó cũng có khả năng bị thu hồi.
Hiện, VinaPhone đã ban hành quy định về hạn sử dụng sim. Theo đó, sim phát hành trước ngày 1/8/2011, khách hàng được sử dụng đến 31/12/2013. Sim phát hành sau thời điểm trên được dùng đến ngày 31/12 của 2 năm liền sau đó.
Ngoài ra, nhà mạng này cũng tiến hành thu hồi số thuê bao quá hạn sử dụng để khai báo và phát hành lại. Các nhà mạng lớn khác cũng ban hành những quy chế tương tự để bảo vệ tài nguyên số theo đúng quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo đại diện của VinaPhone, nếu khách hàng không thường xuyên sử dụng thì nên chuyển sim di động sang hợp đồng trả sau. Hàng tháng, nhân viên nhà mạng sẽ đến thu cước thuê bao. Theo đó, người dùng chỉ cần đóng phí đầy đủ sẽ không lo mất sim. Ông cũng khuyến cáo khách hàng, khi mua sim nên đăng ký thông tin ngay với các trung tâm chăm sóc khách hàng để khẳng định quyền sở hữu chính chủ.
Theo VnExpress