Ngân hàng đau tim vì nợ xấu

Thứ tư, 28/03/2012, 09:32
Đang có sự nhầm lẫn từ vấn đề nhận diện những trục trặc của hệ thống ngân hàng thương mại cho đến đối tượng trong đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Đây là nhận định của TS. Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia Chương trình Giảng dạy kinh tế Fullbright trong một hội thảo mới đây về "Tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam". Với thực tế đó sẽ rất khó để cải cách khu vực ngân hàng và sự cải cách theo như đề án hiện nay sẽ không giúp đưa nền kinh tế đi xa như mong đợi.

 

 

Những bản chất ít được nói đến

"Có ít nhất là mươi tổ chức yếu kém, vi phạm, có nguy cơ đổ vỡ ". Tuyên bố của đại diện NHNN hồi giữa tháng 2/2012 đã phần nào cho thấy thực trạng của hệ thống NHTM Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Trên thực tế, tình trạng thanh khoản đã nổi sóng từ vài tháng trước Tết Nguyên đán với một loạt các ngân hàng rơi vào tình trạng thiếu tiền, buộc phải đi vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất rất cao. Có trường hợp đến hạn không trả được nợ, ông chủ ngân hàng buộc phải trốn tránh.

Cũng thời gian đó, nhiều ngân hàng lớn đã buộc phải áp dụng một phương thức cho vay liên ngân hàng không có tiền lệ là yêu cầu ngân hàng đi vay phải có thế chấp, không còn tín chấp như xưa.

Các biểu hiện cạnh tranh lãi suất, lách lãi suất trần huy động, lãi suất liên ngân hàng có lúc lên tới 35 - 40% và hiện tượng vỡ nợ tín dụng đen là những mảng ghép nhỏ cho thấy sự suy nhược tới mức độ nào của hệ thống NHTM.

Mặc dù vậy, đó chỉ là biểu hiện bề ngoài. Vấn đề sâu xa bên trong nằm ở sự bất cập trong quản trị; sở hữu chồng chéo giữa các ngân hàng, giữa ngân hàng với các tập đoàn, doanh nghiệp và ngược lại; tỷ lệ nợ xấu cao; việc phát triển quá nhanh....

Tình trạng sở hữu chéo là một thực tế đang diễn ra và rất đáng lo ngại. Nó dẫn đến một loạt vấn đề, trong đó có căng thẳng thanh khoản và vốn ảo trên hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu lại là vấn đề đáng bàn hơn trong ngắn hạn. Hiện tại, không ai biết con số chính xác nợ xấu mà các ngân hàng đang phải đối mặt là bao nhiêu. Số liệu chính thức từ NHNN cho biết, nợ xấu khoảng trên 3% một chút. Nếu đúng như vậy, tình trạng của các ngân hàng là rất ổn. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại con số thực tế có thể là bộ số của 3%.

Theo TS. Anh, ở Trung Quốc, nợ xấu thực tế được đánh giá cao gấp 3 lần con số chính thức. Ở Việt Nam, liệu cũng khoảng như vậy? Vấn đề đặt ra là, nếu con số nợ xấu là rất lớn thì nguồn lực ở đâu để giải quyết và cơ chế giải quyết sẽ như thế nào?

Một tình trạng đáng lo ngại nữa là hệ thống NHTM Việt Nam tăng trưởng quá nhanh. "Có ngân hàng ban đầu chỉ có 17 tỷ đồng. Sau 7 năm, vốn đã lên 2.700 tỷ đồng và vừa rồi là 3.000 tỷ đồng", ông Anh dẫn chứng.

Tín dụng đã bùng nổ trong 15-20 năm qua. Không có nước nào tín dụng tăng nhanh bằng Việt Nam. Các mốc bùng nổ là thời kỳ ngay sau khủng hoảng tài chính khu vực năm 97-98, sau đó là thời gian trước khi gia nhập WTO và mốc thứ ba là vài năm vừa qua. Theo IMF, có lúc tỷ lệ tăng tín dụng lên tới 56%.

"Trung bình là tăng 30-35% trong suốt 20 năm qua. Không một nền kinh tế nào chịu được mức tăng mạnh và kéo dài như vậy. Có vấn đề về quản trị rủi ro. Nợ xấu chính là nằm ở đây", ông Anh bình luận.

Giấu giếm nợ xấu

Một số vấn đề mà các chuyên gia lo lắng trong đề án tái cơ cấu hệ thống NHTM hiện nay là việc nhận diện tình hình thực tại, quan điểm và đối tượng sẽ được cải tổ.

Trong đó, vấn đề nhận diện thì phải nhìn rõ được tình hình nợ xấu và thanh khoản thực tế của các ngân hàng là quan trọng nhất.

Trong một phát biểu gần đây, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng tái cấu trúc ngân hàng sẽ vô nghĩa nếu không biết con số thật về nợ xấu. Theo ông Nghĩa, đến nay, ngay cả Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia và NHNN cũng không biết chính xác số nợ xấu là bao nhiêu vì ngân hàng không báo cáo thực, có thể là do hạch toán không minh bạch, đạo đức nghề nghiệp méo mó. Thực tế cho thấy chỉ 1/3 các báo cáo của ngân hàng là tương đối, còn lại đều đáng nghi ngờ.

Trong khi đó, theo ông Vũ Thành Tự Anh, hiện đang có sự nhận diện không rõ ràng giữa thiếu thanh khoản và mất khả năng thanh toán. Cho tới thời điểm hiện tại, NHNN mới chỉ nhận dạng các ngân hàng là mất và thiếu thanh khoản. Ranh giới giữa hai khái niệm này là rất mong mong. Rất có thể có ngân hàng rơi vào tình trạng thứ 2. Thậm chí, có ngân hàng rất lớn đã có biểu hiện phá sản kỹ thuật.

Về quan điểm, việc việc tái cấu trúc thường xuyên và liên tục là không chính xác. Tái cấu trúc chỉ được thực hiện khi có vấn đề bất thường, vấn đề lớn. Việc làm thường xuyên có lẽ là cải tiến và cải thiện thì đúng hơn.

Trong khi đó, việc CPH các ngân hàng có vẻ chưa được như mong muốn. "Đa dạng hóa về sở hữu, quy mô, và loại hình" cũng có xu hướng đang không được làm triệt để. Vụ cổ phần hóa BIDV gần đây với chưa tới 4% được bán ra bên ngoài cho thấy sẽ không giúp thay đổi được hiệu quả quản trị, không thực sự thay đổi được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

"Khuyến khích M&A tự nguyện" trên thực tế có lẽ không phải hoàn toàn là tự nguyện. Vụ sáp nhập 3 ngân hàng hồi cuối năm 2011 thực chất là cả ba ngân hàng đều của một ông chủ. Việc sáp nhập, do đó, được tiến hành rất nhanh chóng".

Bên cạnh đó, còn một số quan điểm cũng không nhận được sự đồng tình của các chuyên gia như: "Không để xảy ra đổ vỡ". Nên chăng, theo TS. Anh, câu đó được để là "không để người gửi mất tiền".

Một ngân hàng đang làm ăn yếu kém, làm mất tài sản, mất thanh khoản thì lại được hà hơi thổi ngạt, được bơm thêm tiền. Điều đó cũng không khác gì việc làm sai còn được thưởng. Tất nhiên, sau đó sai phạm sẽ nối sai phạm. Hơn thế, người khác có thể nhìn vào đó để làm sai theo.

Một vấn đề cũng được bàn luận khác là dường như đối tượng tái cấu trúc lần này đang thiên lệch nhiều về các NHTM nhỏ và vừa, đặc biệt nhóm được chuyển đổi từ nông thôn lên đô thị. Vấn đề được đặt ra là, tái cấu trúc không được thực hiện từ trên xuống dưới, tái cấu trúc từ NHNN cho tới các ngân hàng. Khối các NHTM Nhà nước cũng phải được tái cấu trúc, ông Anh nói.

Trong một nhận định gần đây, hãng định mức tín nhiệm Fitch Ratings cho rằng, tái cơ cấu ngân hàng của Việt Nam "chưa rõ ràng", cũng như mức độ thiếu chắc chắn trong cam kết và khả năng theo đuổi đến cùng các đề xuất. Nó sẽ đặt ra những rủi ro không nhỏ trong ngắn hạn và trung hạn.

Mặc dù vậy, kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng mà Chính phủ đang theo đuổi là tích cực cho hệ thống tài chính của Việt Nam. Hy vọng rằng, tái cơ cấu trước mắt theo bề nổi, theo số lượng (dễ nhìn thấy) sẽ dần được thay bằng tái cấu trúc theo bề sâu, nâng cao chất lượng hệ thống.

 

Theo Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích