Chàng Tây thích từ cái kèo, cái cột
Frédo Bình chưa từng đọc bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm nhưng trong anh đã thấu hiểu nét văn hóa Việt Nam có cả trong cái kèo cái cột của từng căn nhà gỗ đơn sơ ở bản làng. Căn nhà sàn nằm bên bờ hồ Thác Bà giờ đây không chỉ là điểm khởi đầu cho hành trình du lịch văn hóa bản địa mà còn là lớp học của chính bản thân anh.
Ngay từ khi bắt đầu dựng nhà sàn, anh đã hỏi người dân, vật dụng như cái kèo, cái cột, xà ngang, đòn tay ngoài việc có tác dụng làm vững ngôi nhà còn có ý nghĩa gì. Cứ thế, mỗi ngày anh thấm hiểu từng lời người dân, hiểu từng câu chuyện mà người dân kể mỗi khi gặp anh hay trong cuộc sống mà anh bắt gặp. Tất cả điều ấy, đều là nét văn hóa riêng và lắng đọng của từng cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Khi tôi hỏi tại sao Frédo Bình lại không chọn hình thức dựng nhà khác mà lại chọn cách làm nhà sàn, dù chỉ là tre trúc thì Frédo Bình cười giòn tan rồi nói tiếng Việt ngượng nghịu: "Ở đâu âu đấy. Văn hóa của người Dao và người Tày từ xưa bản sắc vẫn là nhà sàn mà". Thế mới thấy, Frédo Bình tìm hiểu rất kỹ phong tục, tập quán của cộng đồng dân tộc của người Việt. Không những thế, anh còn học và làm theo rất nhiều điều, ví như khi dựng nhà cũng mổ gà làm lễ, rồi cũng thắp hương theo tập quán sinh hoạt của người Dao sinh sống gần kề nơi đây.
Không phải do làm du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa ở nơi này mà Frédo Bình học tiếng dân tộc cho thân thiện mà vì anh yêu nét văn hóa vốn có của đồng bào dân tộc. Frédo Bình học tiếng Dao, tiếng Tày từ nhân viên đang làm việc cùng anh. Ngược lại anh dạy lại tiếng Pháp, tiếng Anh cho những người này để biết giao dịch với du khách nước ngoài. Sở dĩ như vậy là vì, nơi này từ khi hình thành đã trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Để những người làm việc linh hoạt, Frédo Bình đã cho về Hà Nội học việc và học ngoại ngữ.
Giờ gần 20 người làm việc ở nhà sàn bên hồ Thác Bà đều thạo ngoại ngữ. "Tôi là người Dao, trước đây tôi chỉ biết lên rừng chặt củi và trồng trọt chăn nuôi. Giờ tôi đã biết thế nào là Coupon- phiếu mua hàng, giao dịch" - Triệu Thị Tâm, ở bản Ngòi Tu vui vẻ nói.
Chả là, bản Ngòi Tu, xã Vũ Linh bên bờ hồ Thác Bà là điểm du lịch xanh mà Frédo Bình vẫn miệt mài làm việc thường dùng Coupon để trả tiền chi phí, thanh toán tại đây. Chỉ đơn giản thế nhưng đối với đồng bào Dao nơi rừng xanh núi thẳm này sẽ bao giờ biết đến và được tiếp cận như thế nếu không làm việc với Frédo Bình.
Quảng bá hình ảnh Việt Nam qua du lịch văn hóa cộng đồng chậm nhưng chắc. Không những thế, đến nơi đây du khách còn có cơ hội tìm hiểu giá trị văn hoá bản địa như tập tục sinh hoạt sản xuất, lao động, và đặc biệt tham gia vào hoạt động lễ hội, văn hoá dân gian, cùng người dân sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, tìm hiểu kiến trúc nghệ thuật và thưởng thức các đặc sản ẩm thực truyền thống của riêng từng vùng.
Frédo Bình hiểu những giá trị của dân tộc Việt, của con người Việt nên anh đã bỏ lại sau lưng một kinh đô ánh sáng ở Paris hoa lệ để đến với chiều sâu của văn hóa Á Đông. Bởi cuộc sống mộc mạc trên những miền núi hoang sơ là sức hút kỳ diệu khiến anh không thể cưỡng lại được.
Hành trình tìm kiếm những vùng đất, những nét văn hóa trong từng bản làng đã như thức tỉnh anh cần khơi dậy tiềm năng đậm chất văn hóa của cộng đồng dân tộc những nơi từng đặt chân đến.
Tiếng Pháp, tiếng Dao hòa trộn bên dòng sông Chảy
Giờ Frédo Bình đã hiểu một phần về văn hóa của người Dao, người Tày, Cao Lan ở bản Ngòi Tu, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, Yên Bái. Trong câu chuyện về hành trình làm du lịch xanh, Frédo Bình luôn miệng nói, anh rất mê lễ hội xuống đồng của người Dao. Từng tham dự vào lễ hội xuống đồng, anh trân trọng những người biết cuội nguồn giá trị của cuộc sống. "Lễ xuống đồng là nét văn hóa rất đẹp. Họ ca ngợi cỏ cây, trời đất mang đến cho họ cuộc sống ấm no, mùa màng no đủ. Sự cảm tạ không cụ thể nhưng nó thấy được tình cảm của con người gửi vào đó"- Frédo Bình tự hào nói.
Anh còn hiểu được, người Tày thường sống gom mỗi bản có từ 15 đến 20 nóc nhà, bản lớn chia ra nhiều xóm nhỏ. Nhà ở có nhà sàn, nhà đất. Trong nhà phân biệt phòng nam ở ngoài, nữ ở trong buồng. Người Tày thường mặc quần áo vải bông nhuộm chàm, áo phụ nữ dài đến bắp chân, ống tay hẹp, xẻ nách ở bên phải, cài 5 khuy. Quả thực phải là người yêu văn hóa, yêu núi rừng mới dồn công tìm tòi kỹ đến thế.
Sức mạnh lớn nhất là văn hóa bản địa, và đó là điều khiến anh thỏa chí trong công việc của mình qua những hành trình du lịch xanh. Frédo Bình giờ vẫn mải mê học tiếng Dao, và anh luôn nghiêm khắc với những người làm việc cùng mình để họ tìm tòi học hỏi. Tiếng Dao anh học vào bất cứ khi nào, nếu rảnh.
Những người làm việc cùng anh cũng vậy, học ngoại ngữ là điều trước tiên, sau đó mới tính chuyện làm việc. Nhiều người Dao làm việc cùng anh giờ nói được cả tiếng Anh, tiếng Pháp, tuy nhiên mới chỉ khởi đầu bằng những câu đơn giản, song điều đó cũng thấy được sự đổi thay về cuộc sống ở bản Ngòi Tu bên dòng sông Chảy.
Khi tôi hỏi chị Tâm, thu nhập từ việc làm ở đây mỗi tháng bao nhiêu, chị nói một cách rất "tây": "Một trăm đô". Có thể so sánh, trước đây, ngày chị Tâm lên rừng, tối ngủ nương thì chẳng thể biết đô la Mỹ quy đổi được bao nhiêu tiền Việt Nam, và cũng chưa thể nói từ "trăm đô" nhẹ nhàng đến thế. Giờ thì đã quen, những người làm việc với Frédo Bình đã hiện đại hơn nhiều, linh hoạt và tinh tế hơn trong công việc. Một phần do được tiếp xúc với du khách nước ngoài nhiều, một phần Frédo Bình cũng nghiêm khắc để động viên những người quanh mình học hỏi, làm việc.
Khi hỏi về sự có mặt của điểm du lịch văn hóa bản địa tại Ngòi Tu, ông Lương Xuân Hợi - Bí thư Đảng bộ xã Vũ Linh cho biết: "Cuộc sống thay đổi nhiều nhờ sự du nhập về du lịch. Đặc biệt, nguồn thu từ du lịch cũng tăng lên rõ rệt. Trước đây, người làm nương bãi thì khó có thể có thu nhập ở mức hơn 2 triệu đồng một tháng, nhưng giờ thì điều đó đã thật đơn giản với những người làm việc với Frédo Bình".
Phải thừa nhận rằng, nơi giao lưu thường có cuộc sống tốt hơn nhiều. Du lịch văn hóa bản địa không chỉ giữ gìn nét văn hóa mà còn mang lại thu nhập không chỉ cho người làm mà còn mang thu nhập đến cho người dân bản địa. Giờ dân bản Ngòi Tu, xã Vũ Linh đã quen với câu chuyện, 1 đô la, 2 đô la và trăm đô la Mỹ mỗi khi nói đến giá một đồ lưu niệm gì đó.
Frédo Bình cũng thật đặc biệt, anh cho cậu con trai 10 tuổi theo mình lên núi để hòa nhập vào cuộc sống bản địa. Cậu bé cũng giống bố, chẳng nề hà hay ngại ngùng gì, mà khi đến Ngòi Tu hòa ngay vào cuộc chơi của trẻ vùng cao. Cậu bé cũng nghịch đất, cũng vác dao theo bạn chặt đẽo đồ chơi như những đứa trẻ dân bản Ngòi Tu.
Ở quê hương Việt Nam đã lâu, có một lần Frédo Bình đưa con về Pháp thăm gia đình, cậu bé vừa xuống sân bay Charles-de-Gaulle, thấy nhiều "ông Tây" quá, liền cất tiếng hô to với bố, nhiều tây balo quá bố ơi. Và hành trình của ông bố giờ mải mê trên quê hương thứ 2 của mình, vẫn có cậu bé mang quốc tịch Pháp biết cả tiếng Việt và thạo tiếng Dao.
Theo ANTĐ