Theo ông Trương Phú Chiến, ông phát đi thông điệp này đứng trên vai trò là đại diện của Bibica trong liên doanh và đại diện cho nhóm cổ đông của Việt Nam.
Trước và sau cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào ngày 24-3 vừa qua, ông đã và đang làm nhiều việc để bảo vệ quyền lợi cho Bibica trong liên doanh với phía Lotte trong việc sản xuất nhãn hàng bánh Lottepie cũng như cố gắng giữ cho Bibica không bị nhà đầu tư này thâu tóm.
Trong dự án bánh Lottepie, Bibica thừa nhận đã không đạt được những kỳ vọng khi hợp tác. |
Theo ông Chiến, việc đầu tiên ông làm với tư cách là Tổng giám đốc của Bibica là yêu cầu phía Lotte để Bibica thực hiện các điều khoản trong hợp đồng hợp tác mà hai bên đã ký năm 2007 nhằm cân bằng quyền lợi giữa hai bên, chấm dứt tình trạng mất cân xứng như hiện nay.
Ông Chiến giải thích, theo cam kết khi bắt đầu hợp tác vào năm 2007, thời điểm Bibica bán 30% cổ phần cho Lotte (tương đương hơn 4,5 triệu cổ phiếu) thì hai bên sẽ hợp tác toàn diện trong lĩnh vực như sản xuất, quản lý cũng như các dự án đầu tư. Ví dụ phía Bibica được sử dụng nhãn của Lotte cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Lotte chuyển giao công nghệ sản xuất. Bibica cũng có thể nhập hàng của Lotte về bán ở Việt Nam còn hàng của Bibica sẽ xuất khẩu ra nước ngoài qua Lotte. Và nhãn hàng Lottepie ở nhà máy Bibica miền Đông (đặt tại Bình Dương) là một dự án cụ thể của cam kết hợp tác này.
Tuy nhiên, 3 năm qua, ông Chiến thừa nhận quyền lợi mà Lotte được hưởng nhiều hơn Bibica. Ở thị trường nội địa, doanh số của Bibica tăng lên nhưng Lotte hưởng lợi bởi đó là mang thương hiệu của Lotte. Bên cạnh đó, chi phí marketing để phát triển thương hiệu bánh Lottepie lại chưa rõ ràng, lúc có lúc không. Trong khi đó, ở thị trường xuất khẩu, Bibica cũng không nhận được những hỗ trợ cần thiết mà phải tự làm, mong muốn đưa hàng nhãn hiệu Bibica vào hệ thống siêu thị Lotte cũng chưa thực hiện được.
Do vậy, phía Bibica hiện nay đang yêu cầu được thể hiện vai trò của mình như cam kết đã ký, trước hết là có một nhãn hàng mang thương hiệu Bibica sản xuất trên dây chuyền Lottepie. Đặc biệt, Bibica cũng yêu cầu làm rõ việc hai bên là đối tác có quyền lợi ngang nhau chứ không phải là công ty mẹ - con như hiểu nhầm của phía tập đoàn ở Hàn Quốc để rồi áp đặt các yêu cầu.
“Những yêu cầu này là có thể đạt được vì đã thể hiện trong hợp đồng rồi. Vấn đề là lâu nay chúng tôi có những mục tiêu khác muốn đạt được trước nên chấp nhận. Khi chúng tôi phản ứng thì đã có những thay đổi tích cực”, ông Chiến nói.
Bên cạnh đó, Bibica cũng đang có những yêu cầu với phía Lotte về giá của sản phẩm bánh chocopie xuất khẩu, không để tình trạng mua giá thấp (6,9 đô la Mỹ/thùng, bằng với giá mua từ nhà máy có 100% vốn của Lotte ở Trung Quốc) cũng như để Bibica tự tìm kiếm đối tác, tự thực hiện xuất khẩu.
Và từ kinh nghiệm của dây chuyền Lottepie, Bibica sẽ có những yêu cầu với phía Lotte để rõ ràng ngay từ đầu khi đầu tư nhà máy ở Hưng Yên. Đó là sẽ có những sản phẩm của Lotte nhưng cũng có những sản phẩm của Bibica.
Việc thứ hai, theo ông Chiến, là Bibica đang tìm kiếm những nhà đầu tư trong nước, có thể nắm giữ tối thiểu 25,5% cổ phần để làm đối trọng với Lotte, giúp giữ Bibica. Hiện tại, có một vài nhà đầu tư đánh giá cao thương hiệu của Bibica nên quan tâm và đặt vấn đề đầu tư. Tuy nhiên, ông Chiến chưa tiết lộ cụ thể gì thêm.
Ông Chiến khẳng định, với tỷ lệ cổ phần Lotte nắm giữ như hiện nay thì quan hệ của hai bên là hợp tác, đối tác.
Theo TBKTSG