Sau khi trần lãi suất huy động giảm về 13% một năm, người dân gửi tiền tại ngân hàng có xu hướng dịch chuyển nguồn vốn từ 1 tháng sang kỳ hạn dài hơn.
Chị Lan ở Khương Trung (Hà Nội) đang gửi tiền tại một ngân hàng cho hay, sau khi sổ tiết kiệm 3 tháng đáo hạn, chị liền gửi tiếp 6 tháng, hưởng lãi suất 13% một năm. "Lúc mình đi đáo hạn sổ, nhân viên ngân hàng tư vấn, sắp tới, những ngân hàng yếu bị sáp nhập cả, chỉ còn một số trường hợp khỏe với nhau, sẽ không còn cạnh tranh, nên lãi suất có thể còn đi xuống", chị Lan chia sẻ.
E ngại gửi kỳ hạn ngắn thì khi lãi suất giảm sẽ bị thiệt cũng là mối quan tâm của nhiều người khác. Bà Phương, bán nước tại phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) kể, vừa đáo hạn sổ 2 tháng, bà tiếp tục gửi 3 tháng tại một ngân hàng đối diện gò Đống Đa vì sợ lãi suất giảm. Mức lãi với khoản tiền gần 100 triệu này là 13% một năm, nhưng khách hàng được khuyến mại thêm thẻ cào để quay số trúng thưởng.
Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc, Giám đốc khối Nguồn vốn ngân hàng Quốc tế cho biết, từ đầu tháng 3, người gửi tiền ở nhà băng này có xu hướng dịch chuyển kỳ hạn tiền gửi từ 1 tháng sang 3 tháng. "Kỳ hạn 6 tháng cũng có, nhưng chưa nhiều", ông nói. Ông Trung cho rằng, đây là điều đáng mừng đối với hệ thống ngân hàng hiện nay. Trước đó, ngân hàng có đến 70-80% các khoản tiền gửi chủ yếu ở kỳ hạn 1 tháng. Thậm chí, lúc thanh khoản của một số đơn vị căng thẳng, người dân còn gửi tiền theo ngày.
Chuyên gia này phân tích, yếu tố đầu tiên tác động lên tâm lý người gửi tiền, là kinh tế vĩ mô đã dần nhìn thấy dấu hiệu ổn định. CPI trong quý I dưới 3%, mà thông thường chỉ số giá tiêu dùng quý I chiếm 30-50% cả năm, nên có cơ sở để tin vào khả năng kiểm soát lạm phát dưới một con số năm 2012.
Mặt khác, theo ông, có một số yếu tố thị trường khiến cho người dân an tâm hơn khi tích trữ đồng Việt Nam. Đó là tỷ giá cơ bản đã ổn định, vàng- kênh đầu tư được không ít người lựa chọn cũng đi vào nề nếp hơn. Do đó, khi người dân gửi tiền dài hạn hơn trước, các ngân hàng, ngoài được lợi về nguồn vốn, còn có thể cân đối giữa huy động và cho vay.
Riêng với các kỳ hạn dài hẳn, như 9, 12 hay 36 tháng, nhiều ngân hàng cho biết, cũng chỉ "mong" có khách đến gửi, nhưng thường rất hiếm. Tại Vietinbank, kỳ hạn trên 36 tháng chỉ 9% một năm, từ 12 đến 36 tháng là 10 và 9,5%. Cá biệt có VIB, lãi suất các kỳ hạn dài khác phổ biến 11% một năm, song riêng với 7 tháng, mức áp dụng chỉ 5% một năm, bằng với mức áp dụng cho khoản gửi dưới 1 tháng.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần tại TP HCM thẳng thắn:" Các nhà băng cứ để kỳ hạn dài cho vui. Còn thực tế, đã từ lâu lắm, người gửi không chọn gửi tiền 12 tháng. Mức dài nhất người dân đang chọn chỉ là 6 tháng". Ông này cho rằng, đây cũng đã là tín hiệu khá tốt, vì trước kia, khách hàng chủ yếu chọn gửi tiền một tháng, sau đó rút về; và nếu gửi lại cũng chỉ chọn gửi 1 tháng, thậm chí 1-3 tuần.
"Khoảng 1 tuần nay, ngân hàng tôi đã rục rịch có nhiều khách chọn gửi kỳ hạn dài hơn 1 tháng, phổ biến 2, 3 và 6 tháng. Nhiều khả năng, người dân sợ lãi suất sẽ tiếp tục giảm khi lạm phát được kiểm soát nên chọn gửi dài", ông cho biết.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm thì cho rằng, nếu có mục đích gửi tích trữ, người dân nên gửi dài hạn. Còn kỳ hạn ngắn chỉ phù hợp với những người có nguồn vốn nhàn rỗi trong ngắn hạn.