Chủ động tính bằng cách khác
Chịu ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất mỗi khi xăng tăng giá là các doanh nghiệp vận tải và taxi. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vận tải cho biết, sẽ nỗ lực giữ giá để giữ khách. Trước thực trạng thị trường vận tải hành khách đang có sự cạnh tranh mạnh, tạm thời các doanh nghiệp ngành này đang "nhìn nhau" để quyết định giữ hay tăng giá.
Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng khuyến cáo hội viên chưa nên tăng giá vận chuyển khách, bởi xe khách chạy đường dài sử dụng dầu diesel, nếu mặt hàng này tăng 1.000 đồng/lít thì chi phí vận tải tăng khoảng 2%, doanh nghiệp vẫn có thể cầm cự được.
Trong khi các hãng xe đò liên tỉnh đang cố gắng cầm cự chứ chưa dám tăng vé vì sợ mất khách thì Hiệp hội Taxi ở cả Hà Nội và TP. HCM đều phải đăng giá cước từ 500 - 1.500 đồng/km. Cũng trực tiếp chịu tác động của giá xăng, các công ty du lịch đang phải tính toán lại để thiết kế giá tour cho mùa lễ hội 30/4 và vào hè sắp tới. Một số công ty du lịch cho hay, ngay từ nửa tháng trước, khi có tin đồn giá xăng sắp tăng, các công ty đã chuẩn bị kế hoạch ứng phó.
Xăng tăng, cước phí tãi cũng đã tăng theo |
Tuy nhiên, giá xăng tăng quá "sốc", lên đến 10% khiến hầu hết những toan tính, sự chuẩn bị của doanh nghiệp bị phá sản. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Du lịch Vietravel cho biết: những lần trước, giá xăng chỉ tăng nhẹ công ty còn có thể cầm cự được, nhưng lần này thì không thể "gồng" lên được, bắt buộc phải tính đến giải pháp khác. Trong du lịch, chi phí vận chuyển chiếm đến 40% giá thành (nếu đi bằng máy bay) và 25 - 35% (nếu đi bằng đường bộ) nên giá xăng tăng đương nhiên ảnh hưởng trực tiếp đến phí vận chuyển và kéo theo đó là giá các dịch vụ, nhà hàng, khách sạn… tăng theo.
Tình hình kinh doanh năm nay rõ ràng không được khả quan, công ty cùng lúc phải duy trì các chương trình khuyến mãi giảm giá để giữ khách, đồng thời cân nhắc lại giá tour. "Một số công ty lớn có đội xe riêng đã chủ động hợp đồng với công ty xăng dầu để trữ xăng trước khi tăng giá, trước mắt chưa bị tác động nhiều bởi giá xăng dầu. Thế nhưng, đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài vẫn phải điều chỉnh theo thị trường chung", giám đốc một công ty du lịch khá lớn tại TPHCM cho biết.
Kéo giãn biên độ tăng giá
Khổ nhất tại thời điểm này là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng. Từ sau Tết đến nay sức mua quá chậm, các doanh nghiệp phải khuyến mãi để bán hàng, nay giá xăng lại tăng cao khiến các doanh nghiệp rơi vào cảnh "đi vướng núi, ngoảnh lại mắc sông". Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc Maximark Cộng Hòa, nhận xét: hiện cung lớn hơn cầu, hàng hóa trên thị trường rất dồi dào, nhà sản xuất, nhà kinh doanh "rình rập" nhau từng chút nên sẽ không có tình trạng "té nước theo mưa". Đang mùa thấp điểm kinh doanh, nhà cung cấp phải cân nhắc kĩ càng lắm trước khi quyết định tăng giá. Đã có nhiều nhà cung cấp phản ánh với siêu thị, lẽ ra đã tăng giá từ trước Tết, nhưng vẫn gắng gượng đến tận bây giờ vì sức mua quá kém, sợ tăng giá sẽ không bán được hàng.
Giá các mặt hàng thiết yếu cũng đã bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu |
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op thì cho rằng, để đảm bảo việc điều chỉnh giá là hợp lý, phù hợp với giá thành sản xuất, sau khi nhận đề nghị tăng giá từ nhà cung cấp, Saigon Co.op đều làm việc với nhà cung cấp và kiểm tra, làm rõ nguyên nhân tăng giá, mức tăng bao nhiêu %. "Cũng có thể đợt này các doanh nghiệp chưa tăng giá ngay mà còn tính cách khác. Bản thân Saigon Co.op đang phối hợp với nhà cung cấp để kéo giãn biên độ tăng giá, "bơm" khuyến mãi nhiều hơn và thường xuyên hơn để kích thích sức mua", ông Nhân cho biết.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất cho hay, giá xăng tăng quá cao gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của doanh nghiệp, làm đội giá thành sản phẩm lên 5 - 10%. Mặc dù vậy, việc tăng giá bán theo xăng trong thời điểm này vẫn còn phải được cân nhắc bởi cạnh tranh đang rất khốc liệt, việc tăng giá phải dựa trên phản ứng của thị trường và phản ứng khách hàng. Vì vậy, biện pháp tốt nhất là doanh nghiệp vẫn phải tiết kiệm tối đa trong khả năng có thể để tiết giảm chi phí.
Theo DĐDN